Hoạt động đọc hiểu.

Một phần của tài liệu Dạy học phần đọc thêm các tác phẩm thơ trữ tình trong chương trình Ngữ văn lớp 12 theo hướng tự học có hướng dẫN TT (Trang 25)

3.3.3.1. Đọc - hiểu phần tiểu dẫn và chú thích.

Trong đọc - hiểu phần tiểu dẫn và chú thích, cần lưu ý hai loại kiến thức: *Loại 1: Những kiến thức về tác giả, tác phẩm.

Phần này GV chỉ hướng dẫn HS tìm được yếu tố nào trong cuộc đời của tác giả đã ảnh hưởng và chi phối sâu sắc đến quá trình thai nghén tác phẩm. Đây là yếu tố quan trọng để giúp các em hiểu sâu nội dung tác phẩm.

*Loại 2: Loại chú thích về từ ngữ và các điển tích.

Phần này chỉ hướng dẫn các em tìm hiểu và nắm từ ngữ khó, điển tích khó với mục đích giúp các em khai thông - giải mã văn bản bước đầu.

3.3.3.2. Đọc - hiểu văn bản.

Bước 1: Tri giác hình tượng ngôn ngữ

Đọc diễn cảm để nắm vững giọng điệu của tác phẩm, làm sống dậy tâm tư, tình cảm mà tác giả gửi gắm, giãi bày trong đó đồng thời xác định được thể loại, bố cục và hình tượng thơ.

Bước 2: Đọc với sức mạnh của hồi ức, liên tưởng, tưởng tượng để cẩm nhận ý nghĩa

người đọc phải hình dung cụ thể và chính xác các tình cảnh để hiểu điều ngôn ngữ biểu đạt, khám phá lôgic bên trong của hình tượng thì mới hiểu được điều tác giả muốn viết và cái hay của lời văn. Đối với thể loại thơ trữ tình thường có hai hình tượng: hình tượng khách thể là bức tranh cuộc sống được tái tạo lại bằng cảm xúc của nhà thơ với các chặng đường phát triển của nó, hình tượng chủ thể trữ tình là mạch cảm xúc và suy tư của nhà thơ được bộc lộ trực tiếp qua ngôn từ, hình ảnh, kết cấu và các chặng đường phát triển của nó. Cần đọc - hiểu để thấy rõ hai hình tượng đó nương tựa vào nhau, đan xen nhau trong mỗi bài thơ.

Bước 3: Đọc - hiểu tư tưởng, tình cảm tác giả trong văn bản.

Nhà văn sáng tác văn học bao giờ cũng nhằm thể hiện tư tưởng tình cảm, đó là linh hồn của tác phẩm. Vì vậy, nội dung kiến thức cần nắm được phải là tư tưởng, tình cảm của nhà văn ẩn chứa trong văn bản. Tuy nhiên, tư tưởng, tình cảm của tác giả không được thể hiện trực tiếp bằng lời, do đó người học cần bằng thao tác so sánh, khái quát, tổng hợp để xác định từng bước tư tưởng chủ đề của tác phẩm.

Xác định được chủ đề, người đọc trở lại soi sáng cho việc lựa chọn bình giá những hình ảnh sự việc, những thủ pháp nghệ thuật đắt nhất được nội dung hóa cao nhất. Dưới ánh sáng của chủ đề, ta thấy nổi bật hơn trong nghệ thuật kết cấu đối lập của bài thơ điều tác giả định nói. Thông qua hệ thống câu hỏi (hai hoặc ba câu) GV định hướng để HS tự tổng kết rút ra đặc sắc giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm và giúp các em chắt lọc, tự ghi lại nội dung cơ bản nhất của phần tổng kết.

Như vậy, vai trò của GV trong phần hướng dẫn đọc - hiểu văn bản là vừa hướng dẫn, vừa tổ chức cho HS hoạt động tìm hiểu, và còn là thư kí chắt lọc - ghi lại kết quả tự tìm hiểu của từng cá nhân - tập thể lớp, giúp đỡ HS với tinh thần góp thêm một cách hiểu để định hướng và làm phong phú thêm kết quả cảm thụ cho các em.

Một phần của tài liệu Dạy học phần đọc thêm các tác phẩm thơ trữ tình trong chương trình Ngữ văn lớp 12 theo hướng tự học có hướng dẫN TT (Trang 25)