TỪ VỰNG TIẾNG VIỆT

Một phần của tài liệu Hướng dẫn ôn tập và thi tốt nghiệp môn tiếng việt và PPGD tiếng việt ở tiểu học hoàng tất thắng (chủ biên) (Trang 28)

I. NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Để có thể tiếp thu những kiến thức về từ vựng tiếng Việt, học viên cần nắm vững những kiến thức khái quát về ngôn ngữ đã được cung cấp trong học phần tiếng Việt 1 (dẫn luận ngôn ngữ), cụ thể là những nội dung về tín hiệu – về hệ thống tín hiệu ngôn ngữ - các quan hệ trong ngôn ngữ (quan hệ ngữ đoạn, quan hệ liên tưởng,…)

2. Các nội dung cần nắm trong từ vựng học tiếng Việt:

2.1. Các khái niệm: Khái niệm từ vựng, khái niệm từ, khái niệm cấu tạo từ, phân loại từ theo đặc điểm cấu tạo, và những khái niệm từ đơn, từ ghép, từ láy với những tiểu loại của chúng, khái niệm ngữ cố định.

2.2. Phương pháp hệ thống khi nghiên cứu từ vựng.

2.3. Nắm vững các quan niệm về yếu tố cấu tạo từ, phương thức cấu tạo từ và các loại từ phân theo đặc điểm cấu tạo (từ đơn, từ phức (từ ghép, từ láy).

2.4. Các thành phần nghĩa trong nghĩa của từ: + Nghĩa biểu vật

+ Nghĩa biểu niệm + Nghĩa biểu thái + Nghĩa ngữ pháp + Nghĩa liên hội

2.5. Phương thức chuyển nghĩa của từ: Ẩn dụ - hoán dụ 2.6. Hệ thống ngữ nghĩa của từ (các quan hệ ngữ nghĩa) + Quan hệ cùng trường (các trường nghĩa)

+ Quan hệ đồng nghĩa + Quan hệ trái nghĩa + Quan hệ đồng âm

+ Vận dụng lý thuyết trường nghĩa và các quan hệ ngữ nghĩa để nghiên cứu nghĩa của từ trong tác phẩm văn chương.

2.7. Các lớp từ vựng:

+ Thuật ngữ khoa học – từ nghề nghiệp + Từ địa phương

2.8. Từ vay mượn và hệ thống từ Hán – Việt + Khái niệm từ vay mượn- khái niệm từ Hán Việt

+ Các đặc điểm phân hóa ngữ nghĩa và chức năng giữa từ Hán Việt và từ thuần Việt

+ Vấn đề sử dụng từ Hán – Việt.

II. CÂU HỎI VÀ GỢI Ý

Câu 1: Trình bày về phương pháp hệ thống trong nghiên cứu Từ vựng học

Gợi ý:

- Vốn từ của một ngôn ngữ gồm nhiều yếu tố nhưng những yếu tố này không phải là sự tập hợp giản đơn mà giữa chúng có mối quan hệ chặt chẽ làm thành một chỉnh thể. Nghiên cứu từ vựng theo phương pháp hệ thống là phải xét một đơn vị từ vựng trong mối quan hệ với các đơn vị từ khác của hệ thống.

Cần làm rõ các mối quan hệ sau đây:

+ Quan hệ đồng nhất / đối lập: Mỗi từ trong một hệ thống luôn luôn có quan hệ đồng nhất và đối lập với từ khác. Quan hệ đồng nhất xác lập nét đặc trưng chung không phải chỉ riêng một từ mà một nhóm từ. Quan hệ đối lập là quan hệ giúp cho người ta nhận ra từ này khác với từ khác. Hai quan hệ này gắn bó chặt chẽ với nhau. Đồng nhất giả định sự đối lập và ngược lại đối lập trên cơ sở đồng nhất. Có thể dẫn ra một số ví dụ: Các từ tiết kiệm, hà tiện, bủn xỉn, ki bo,… đều có nét nghĩa đồng nhất là tính chất của người luôn có ý thức hạn chế sử dụng của cải, tiền bạc. Nhưng mỗi từ lại mang một nét nghĩa riêng không hoàn toàn giống nhau. Tiết kiện kiệm là hạn chế việc sử dụng tiền bạc, của cải. Cái gì đáng chi tiêu thì chi tiêu, cái gì không cần thiết thì thôi, không phung phí của cải. Hà tiện là ý thức giảm đến mức tối thiểu việc sử dụng của cải – hạn chế dưới mức cần thiết. Bủn xỉn: hà tiện đên mức không dám chi tiêu cả khoản hết sức nhỏ nhặt. Ki bo: khư khư giữ lấy của cải không muốn cho ai hoặc xuất ra cho người khác một tí gì. Như vậy các từ trên phát triển ý nghĩa từ tích cực (tốt) đến tiêu cực (xấu).

+ Quan hệ ngang (ngữ đoạn) / quan hệ dọc (liên tưởng): Các từ khi được sử dụng kết hợp với nhau theo những nguyên tắc ngữ pháp nhất định của một ngôn ngữ tạo thành một chuỗi hình tuyến. Đó là quan hệ ngang (ngữ đoạn). Đặc điểm của quan hệ này là 2 yếu tố không thể cùng xuất hiện mà xuất hiện theo trình tự trước sau trên trục thời gian. Các yếu tố trên trục ngữ đoạn có quan hệ phụ thuộc chi phối lẫn nhau. Lấy ví dụ trong tiếng Việt:

Nói thầm - thầm nói.

Do trật tự sắp xếp trước và sau từ Nói nghĩa của từ Thầm đã thay đổi và do đó nghĩa của cả tổ hợp cũng thay đổi.

Quan hệ dọc hay quan hệ liên tưởng là quan hệ giữa các từ có một hay một nét chung nào đó do kí ức có thể gợi lên. Ví dụ: Buồn có thể gợi lên các từ như sầu, ủ rủ, ảo não (liên tưởng quan hệ ngữ nghĩa) có thể gợi lên những từ như luồn, chuồn, … (liên tưởng do quan hệ ngữ âm).. và trong tư duy của mỗi người đều có những cách liên tưởng khác nhau làm cơ sở cho sự lựa chọn để sử dụng trong trục kết hợp (quan hệ tuyến tính) cho phù hợp với ý nghĩa, phù hợp với ngữ cảnh và phù hợp với sắc thái biểu cảm. Ví dụ câu thơ của Nguyễn Bính:

Dừng chân trước cửa nhà nàng

Thấy hoa vàng với bướm vàng hôn nhau.

Ở vị trí của từ hôn có thể lựa chọn nhiều từ khác như, trêu, giỡn, vờn,… Tập hợp những từ này tạo thành quan hệ liên tưởng.

- Trên đây là những mối quan hệ chung nhất trong tổ chức hệ thống từ vựng của một ngôn ngữ. Ngoài quan hệ chung nhất này ở mỗi phạm vi còn có những mối quan hệ cụ thể hơn, chẳng hạn về ngữ nghĩa có thể có các quan hệ đồng nghĩa trái nghĩa, cùng trường v.v. Như vậy nghiên cứu đơn vị từ trong hệ thống từ vựng luôn luôn phải chú ý đầy đủ các mối quan hệ này.

Sử dụng phương pháp hệ thống trong nghiên cứu từ vựng cần chú ý đến tiêu chí cấp độ. Vốn từ tiếng Việt là một hệ thống chứa trong lòng nó các tiểu hệ thống, mỗi tiểu hệ thống như vậy có nhuáng mối quan hệ riêng làm nên tính phức tạp cho toàn bộ hệ thống từ vựng.

- Hệ thống từ vựng không phải là hệ thống khép kín mà là một hệ thống có tính sản sinh. Nó là một hệ thống động chứ không phải là một hệ thống tĩnh.

Câu 2: Trình bày đặc điểm cấu tạo từ của tiếng Việt.

Gợi ý:

- Cấu tạo từ là hoạt động nhằm sản sinh ra từ mới cho ngôn ngữ. Nghiên cứu cấu tạo từ cần chú ý 2 điểm sau đây:

a. Xác định đơn vị cơ sở cấu tạo từ trong tiếng Việt:

Về vấn đề này hiện nay đang có nhiều quan niệm khác nhau, tiêu biểu là 2 quan niệm sau:

Quan niệm 1: Xem yếu tố cấu tạo từ trong tiếng Việt là tiếng (đó là âm tiết đã được dùng làm đơn vị cấu tạo từ trong tiếng Việt) và nghiên cứu các quan hệ giữa các âm tiết kết hợp với nhau tạo ra đơn vị hoàn chỉnh chính là nghiên cứu cấu tạo từ.

Quan niệm 2: Xem yếu tố cấu tạo từ là từ tố (hình vị), đó là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa và đơn vị này có thể trùng với âm tiết trong tiếng Việt ( âm tiết có nghĩa)

hoặc có thể do hai ba âm tiết tạo thành (là những âm tiết không có nghĩa trong các từ vay mượn hoặc trong các từ song tiết cổ còn bảo lưu lại trong tiếng Việt).

Từ những quan niệm về yếu tố cấu tạo từ như trên, các nhà nghiên cứu có những quan niệm khác nhau về cách phân biệt từ đơn, từ ghép (từ láy thì không có sự khác nhau đáng kể).

Giáo trình của TTĐTTX theo quan niệm thứ 2. Nhưng học viên cũng có thể trình bày theo quan niệm thứ 1, bởi vì đây là quan niệm đang được dùng trong sách Giáo khoa bậc tiểu học. Yêu cầu là cách trình bày phải chặt chẽ có cơ sở.

b. Xác định các phương thức để cấu tạo từ:

+ Phương thức cơ bản: Phương thức ghép, phương thức láy.

+ Phương thức thứ yếu: Phương thức chuyển đổi ngữ nghĩa, phương thức rút gọn.

Lưu ý: Hai loại phương thức thứ yếu có thể không cần trình bày. 3. Phân loại từ về mặt cấu tạo:

Dựa theo một quan niệm về đơn vị cấu tạo từ và phương thức cấu tạo mà bạn chọn và tiến hành phân tiểu loại.

a. Từ đơn: Từ được cấu tạo từ một tiếng vừa độc lập vừa có ý nghĩa (hoặc do một tổ hợp âm tiết được tạo thành từ hiện tượng phiên âm từ vay mượn hoặc do kết quả của hiện tượng mất nghĩa hay âm tiết hóa tổ hợp phụ âm cổ, nếu chấp nhận quan niệm thứ hai về cấu tạo từ thì đây gọi là từ đơn đa âm)

Đối với việc phân loại từ ghép và từ láy cần lưu ý đến cơ sở phân loại và kết quả phân chia các tiểu loại.

b. Từ ghép

Phân loại từ ghép dựa vào quan hệ chức năng giữa các yếu tố

+ Từ ghép Đ-L : là những từ ghép trong đó hai yếu tố có vai trò ngang nhau. Về ngữ nghĩa, hai yếu tố trong từ ghép đẳng lập có các kiểu quan hệ ngữ nghĩa hoặc nghĩa của hai yếu tố hoàn toàn giống nhau (đồng nghĩa) như giảng giải

hoặc nghĩa hai yếu tố gần nhau như học hành, hoặc nằm trong một trường nghĩa như áo quần. Nghĩa của hai yếu tố cũng có thể trái ngược nhau ví dụ như mua bán, ra vào.

+ Từ ghép : C-P :

Từ ghép C-P. Ví dụ: máy bay, tàu hỏa, hoa hồng. Từ ghép P- C. Ví dụ: học sinh, trưởng thôn …

Phân loại từ ghép dựa vào quan hệ ngữ nghĩa giữa các yếu tố

+ Từ ghép hợp nghĩa: là loại từ ghép mà ý nghĩa của từ là ý nghĩa của các yếu tố kết hợp lại. Có thể có các kiểu từ ghép hợp nghĩa như ghép hợp nghĩa tổng

loại, ghép hợp nghĩa chỉ loại, ghép hợp nghĩa bao gộp ( học viên có thể trình bày các tiểu loại hoặc không).

+ Từ ghép phân nghĩa: yếu tố chính là yếu tố chỉ loại, yếu tố phụ là yếu tố cụ thể hóa nghĩa của loại. Ví dụ: hoa hồng, hoa phượng (hoa là yếu tố chỉ loại; hồng, phượng là yếu tố cụ thể hóa loại được nêu ra)

Lưu ý: Từ ghép phân nghĩa có 2 loại: phân nghĩa một chiều, phân nghĩa 2 chiều.

+ Từ ghép phân nghĩa đặc biệt. Loại 1: đó là loại từ ghép mà yếu tố phụ không mang nghĩa cụ thể và xuất hiện trong hệ thống vốn từ tiếng Việt theo một kiểu kết hợp. Đây là từ ghép sắc thái hóa. Loại 2: là loại có nghĩa của từ ghép trùng làm một với nghĩa của yếu tố phân loại. Loại 3: từ ghép phụ gia hóa.

c. Từ láy

- Các tiểu loại của từ láy: - Từ láy hoàn toàn – từ láy bộ phận

Chú ý: Láy là một phương thức cấu tạo từ được cấu tạo từ một từ tố cơ sở do đó trong từ lấy nhiều nhất chỉ có một yếu tố có nghĩa (có thể cả hai yếu tố đều không mang nghĩa). Điều cơ bản của từ láy là quan hệ ngữ âm. Đó là sự lặp lại hoặc phụ âm đầu hoặc phần vần hoặc lặp lại hoàn toàn hình thức ngữ âm của từ tố cơ sở. Phần thanh điệu hòa phối theo 2 nhóm: Ngang-hỏi-sắc và huyền-ngã- nặng.

- Đối với trường hợp có 2 âm tiết có quan hệ ngữ âm mà cả 2 đều có nghĩa thì phải xếp vào loại từ ghép.

- Một số trường hợp từ láy không có hiện tượng hòa phối thanh điệu thành 2 nhóm như đã nói trên. Đó là những trường hợp ngoại lệ.

- Ngoài loại từ láy đôi phổ biến, còn có láy ba, láy tư. Đây là những từ láy giàu sắc thái biểu cảm và thường được dùng trong khầu ngữ hoặc trong phong cách ngôn ngữ sinh hoạt hằng ngày. Ví dụ: Sạch sành sanh, tẻo tèo teo, nhấp nha nhấp nhổm.

- Nghĩa của từ láy: Cũng như từ ghép nghĩa của từ láy phát triển theo hai hướng:

Khái quát hóa: Tạo ra từ có nghĩa tổng quát hơn so với nghĩa gốc như: rau ráng, chim chóc, thịt thà, sách siếc, tiệc tùng, người ngợm…

Cụ thể hóa (sắc thái hóa): Tạo ra ý nghĩa cụ thể, tinh tế. Ví dụ: Nhỏ nhoi, nhỏ nhắn, nhỏ nhen, nhỏ nhặt…

Như vậy, đặc điểm ngữ nghĩa của các từ phân theo đặc điểm cấu tạo phù hợp với sự phát triển của tư duy con người theo hai hướng khái quát hóa và cụ thể hóa.

Câu 3: Nêu các thành phần trong nghĩa miêu tả của từ (thực từ).

Gợi ý:

a. Nghĩa của từ miêu tả bao gồm nhiều thành phần:

+ Nghĩa biểu vật: là ý nghĩa biểu thị loại sự vật mà từ gọi tên. Sự phân chia các phạm trù sự vật tùy thuộc vào từng ngôn ngữ khác nhau. Nghĩa biểu vật là kết quả của sự khái quát hóa và phân tách thế giới hiện thực khách quan của mỗi cộng đồng ngôn ngữ.

+ Nghĩa biểu niệm: Thành phần nghĩa liên quan đến quá trình nhận thức của con người về loại sự vật mà từ gọi tên. Nhận thức của con người là sự phân xuất các thuộc tính của sự vật. Mỗi thuộc tính được xác định đi vào ngôn ngữ trở thành nét nghĩa của từ. Nghĩa biểu niệm là tổ chức các nét nghĩa tạo thành cấu trúc biểu niệm.

Sự miêu tả nghĩa của từ bằng cách cấu trúc hóa các nghĩa vị giúp cho chúng ta xác lập các quan hệ giữa các yếu tố từ vựng tạo ra một chỉnh thể thống nhất. Ví dụ: Nghĩa của các từ cao, thấp; dài, ngắn được cấu trúc hóa từ các nghĩa vị sau:

++ Đặc điểm kích thước của vật.

++ Phương xác định (nằm ngang cho từ dài, ngắn, hoặc thẳng đứng cho từ cao, thấp)

++ Sự đánh giá (hơn hay kém so với mức trung bình) như vậy dài: (tính chất) (thể hiện đặc điểm kích thước của vật) (theo phương nằm ngang) (được đánh giá vượt quá chuẩn)

+ Nghĩa ngữ pháp: Là ý nghĩa quy định loại (sự vật, hoạt động, tính chất, v.v…) của từng nhóm từ. Đây là cơ sở để phân chia từ loại trong một ngôn ngữ không có biến đổi hình thái của từ như tiếng Việt. Nghĩa ngữ pháp liên quan chặt chẽ đến chức năng ngữ pháp của các thành phần cấu tạo câu.

+ Nghĩa biểu thái: Ý nghĩa thể hiện thái độ của người nói. Thông thường nghĩa biểu thái thể hiện rõ nhất khi từ đi vào hoạt động hành chức. Nhưng ngay trong hệ thống từ vựng cũng có một số từ đồng nghĩa nhưng có sự khác biệt về sắc thái biểu cảm. Đó là phương tiện để người sử dụng ngôn ngữ có thể lựa chọn thể hiện sắc thái tình cảm khi nói. (Ví dụ: Từ chết và qua đời hoặc mất)

+ Nghĩa liên hội: Đây không phải là thành phần ý nghĩa thường trực trong nghĩa của từ và không có tính xác định, nhưng trong thực tế sử dụng ngôn ngữ từ ngữ luôn gợi cho ta những khả năng liên tưởng, chính sự liên tưởng này là cơ sở cho những hiện tượng chuyển nghĩa ẩn dụ hoán dụ. Nghĩa liên hội này có vai trò đặc biệt quan trọng trong hình thức ngôn ngữ nghệ thuật (ở cả hai bình diện tạo lập và tiếp nhận văn bản)

Các thành phần nghĩa trong nghĩa của từ có quan hệ gắn bó quy định lẫn nhau. Và chúng tùy thuộc về tâm lý, điều kiện hoạt động và đặc biệt là cách thức tổ chức ngôn ngữ của một cộng đồng ngôn ngữ.

Câu 4: Thế nào là từ nhiều nghĩa? Trình bày hệ thống ngữ nghĩa của từ nhiều nghĩa.

Gợi ý:

a. Khái niệm nhiều nghĩa (đa nghĩa) : Là một từ có thể biểu thị nhiều ý nghĩa (biểu vật hay biểu niệm) và những ý nghĩa này có quan hệ chặt chẽ với nhau.

b. Các nghĩa khác nhau trong từ nhiều nghĩa quan hệ với nhau làm thành một hệ thống ngữ nghĩa. Đây là cơ sở khá quan trọng để phân biệt từ đồng âm và từ đa nghĩa (mặc dù sự phân biệt này không phải khi nào cũng rạch ròi)

- Giữa các nghĩa khác nhau của một từ nhiều nghĩa có một sự thống nhất nào đó, dựa vào một nét nghĩa chung trong cấu trúc biểu niệm của nghĩa cơ bản. Mỗi nét nghĩa này sẽ tập trung chung quanh nó một nhóm từ là kết quả của hiện tượng chuyển nghĩa. Ví dụ: Chân: chân bàn, chân núi, chân trời…

c. Tính nhiều nghĩa của từ bao gồm hai loại:

Nhiều nghĩa biểu vật: là hiện tượng từ chuyển đổi từ định danh loại sự vật này

Một phần của tài liệu Hướng dẫn ôn tập và thi tốt nghiệp môn tiếng việt và PPGD tiếng việt ở tiểu học hoàng tất thắng (chủ biên) (Trang 28)