Chủ động xây dựng vốn sản xuất kinh doanh

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tại Công ty Cổ phần Sông Đà 9 (Trang 88)

Là Công ty trong ngành xây dựng thực hiện việc niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội từ năm 2006, SD9 đã tận dụng tốt sự phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khoán giai đoạn 2006-2007 để thực hiện liên tiếp việc trả cổ tức bằng cổ phiếu và 2 lần phát hành thêm quyền mua cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ trong năm 2007. Đến năm 2010, Công ty lại thực hiện huy động vốn tiếp theo bằng nghiệp vụ phát hành quyền mua cho cổ đông hiện hữu. Khối lượng cổ phiếu niêm yết lần đầu vào ngày 20-12- 2006 là 7.000.000 cổ phiếu tương ứng 70 tỷ mệnh giá đến hết năm 2010 số lượng cổ phiếu của SD9 đã tăng lên 29.250.000 cổ phiếu, tương đương 292,5 tỷ mệnh giá. Thực tế vốn CSH của SD9 đã tăng lên gấp đôi từ 241 tỷ năm 2007 lên 494 tỷ năm 2010.

Qua việc Công ty tận dụng tốt việc niêm yết để huy động vốn trên thị trường chứng khoán bổ sung vốn điều lệ, nguồn vốn không chịu chi phí vốn (lãi suất) cho thấy SD9 đã chủ động trong xây dựng nguồn vốn dài hạn của mình phục vụ nâng cao năng lực thi công, bổ sung thêm vốn mở rộng các nghiệp vụ kinh doanh khác.

Đối với nguồn vốn dài hạn thì SD9 đã thực hiện thành công việc huy động, tuy nhiên hiệu quả sử dụng vốn ngoài việc huy động và sử dụng vốn dài hạn thì nguồn vốn ngắn hạn có ý nghĩa vô cùng qua trọng ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Sử dụng linh hoạt đòn bẩy tài chính được hiểu là việc Công ty xác định cho mình một kết cấu nguồn vốn tối ưu. Việc tài trợ đầu tư bằng nguồn nợ phải trả là bao nhiêu, vốn chủ sở hữu bằng bao nhiêu để tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là hợp lý nhất. Việc sử dụng đòn bẩy tài chính có hai mặt của nó. Công ty cần căn cứ vào sự thay đổi chi phí sử dụng vốn và sự thay đổi tỷ suất lợi nhuận trước thuế và lãi vay. Khi tỷ suất này có xu hướng sụt giảm thì Công ty cần điều chỉnh hệ số nợ cho phù hợp. Đồng thời, việc vay vốn luôn cần xem xét với các chỉ tiêu khả năng thanh toán nợ của Công ty để có thể có quyết sách phù hợp :

- Lập kế hoạch về nhu cầu sử dụng các nguồn vốn ngắn hạn và dài hạn phục vụ cho hoạt động của Công ty.

- Trên cơ sở nhu cầu vốn đã lập, Công ty cần lựa chọn nguồn tài trợ tích cực nhất, xác định khả năng vốn có, hiệu quả của doanh nghiệp, số thiếu cần tìm nguồn tài trợ thích hợp đảm bảo cung ứng vốn đầy đủ cho sản xuất, với chi phí sử dụng vốn thấp nhất, hạn chế tối đa rủi ro xảy ra và tạo cho Công ty có cơ cấu vốn linh hoạt.

- Tổ chức và huy động nhằm cung ứng vốn một cách đầy đủ kịp thời tránh tình trạng gây lãng phí vốn hoặc thiếu vốn sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình hoạt động của Công ty qua xác định một cách chính xác nhu cầu vốn tối thiểu cần thiết cho hoạt động hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là nhu cầu thu mua nguyên vật liệu.

- Chủ động phân phối nguồn huy động được sao cho thích hợp cho từng khâu, từng hạng mục trong sản xuất kinh doanh. Khi thực hiện Công ty căn cứ vào kế hoạch huy động và sử dụng vốn sản xuất kinh doanh đã lập, làm cơ sở để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của Công ty.

- Xử lý linh hoạt, đầu tư mở rộng sản xuất, góp vốn liên doanh, cho đơn vị khác vay đảm bảo mang lại hiệu quả kinh tế cao khi có nguồn vốn dài hạn chi phí thấp.

Kế hoạch huy động và sử dụng vốn là một bộ phận quan trọng của kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh. Cũng như đối với các kế hoạch khác, kế hoạch huy động và sử dụng vốn phải được lập sát, đúng, toàn diện đồng bộ dựa trên kế hoạch và chiến lược kinh doanh của Công ty.

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tại Công ty Cổ phần Sông Đà 9 (Trang 88)