Đặc điểm của chuyển giao quyền yêu cầu trong quan hệ nghĩa vụ

Một phần của tài liệu Chuyển giao quyền yêu cầu trong quan hệ nghĩa vụ dân sự (Trang 28)

dân sự.

Từ việc phân tích khái niệm chuyển giao quyền yêu cầu trong quan hệ nghĩa vụ dân sự ở trên chúng ta thấy nó có một số đặc điểm sau đây :

Thứ nhất, chuyển giao quyền yêu cầu trong quan hệ nghĩa vụ dân sự là sự thỏa thuận về sự thay đổi chủ thể hưởng quyền của người có quyền cho người thứ ba. Người có quyền yêu cầu sau khi chuyển giao quyền yêu cầu đã mất tư cách chủ thể trong quan hệ nghĩa vụ tức là họ không được hưởng lợi ích về quyền yêu cầu đó nữa. Đặc điểm này cũng phân biệt chuyển giao quyền yêu cầu với thực hiện quyền yêu cầu thông qua người thứ ba.Vì thực hiện quyền yêu cầu thông qua người thứ ba là thỏa thuận giữa người có quyền yêu cầu với người thứ ba, theo đó người có quyền yêu cầu ủy quyền cho người thứ ba thay mình thực hiện quyền yêu cầu trước người có nghĩa vụ: Ví dụ Người có quyền yêu cầu đòi nợ ủy quyền cho người thứ ba đòi nợ cho mình. Quyền và nghĩa vụ của người thứ ba được thực hiện theo nội dung ủy quyền. Người có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ trước người thứ ba được ủy quyền. Nếu người có nghĩa vụ không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ thì phải chịu trách nhiệm trước người có quyền. Người thứ ba thực hiện quyền yêu cầu theo sự ủy quyền chứ không phải quyền yêu cầu của chính mình. Người thế quyền cũng thực hiện quyền yêu cầu nhưng là quyền yêu cầu của chính mình.

Thứ hai, đối tượng của giao dịch chuyển giao quyền yêu cầu là một quyền đối nhân. Quyền đối nhân luôn tác động lên người có nghĩa vụ xác định. Việc chuyển giao quyền yêu cầu không mất đi tư cách chủ thể của

người có nghĩa vụ và nội dung nghĩa vụ mà họ phải thực hiện cũng không thay đổi. Người thế quyền cũng chỉ có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ chứ không có đặc quyền đối với bất kỳ tài sản nào khác của người có nghĩa vụ. Trường hợp quyền yêu cầu là yêu cầu chuyển giao một vật cụ thể thì người thế quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ chuyển giao vật cụ thể đó chứ không phải là bất cứ vật nào khác, nếu vật không còn hoặc bị hư hỏng thì người có nghĩa vụ phải thanh toán giá trị của vật.

Thứ ba, khi chuyển giao quyền yêu cầu bên chuyển giao quyền yêu cầu phải thông báo cho bên có nghĩa vụ biết về việc chuyển giao.

Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không được thông báo về việc chuyển giao quyền yêu cầu tức là không có thông tin gì về việc chuyển giao quyền yêu cầu và người thế quyền không chứng minh được về tính xác thực của việc chuyển giao quyền yêu cầu thì bên có nghĩa vụ có quyền từ chối việc thực hiện nghĩa vụ đối với người thế quyền nhưng nghĩa vụ của họ không vì thế mà biến mất, trong suy nghĩ của người có nghĩa vụ thì người này vẫn có nghĩa vụ với người có quyền ban đầu.

Nếu người có nghĩa vụ đã thực hiện nghĩa vụ với người chuyển giao quyền yêu cầu thì người thế quyền không được yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong trường hợp bên có nghĩa vụ do không được thông báo về việc chuyển giao quyền yêu cầu. Người thế quyền trong trường hợp này không được hưởng lợi ích từ việc chuyển giao quyền yêu cầu. Người đã chuyển giao quyền yêu cầu trở thành người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật phải có nghĩa vụ giao trả lại cho người thế quyền. Nếu họ không giao trả thì người thế quyền có quyền khởi kiện người đã chuyển giao quyền yêu cầu. Những thiệt hại xảy ra cho bên thế quyền do bên chuyển giao quyền yêu cầu không thông báo cho bên có nghĩa vụ thì bên chuyển giao quyền yêu cầu phải chịu. Nghĩa vụ thông báo là một nghĩa vụ

đặc biệt trong việc chuyển giao quyền yêu cầu, khác với các giao dịch chuyển giao quyền đối vật. Chuyển giao quyền đối vật là chuyển giao một quyền thi hành trực tiếp trên vật nên không có nghĩa vụ thông báo cho ai. (Việc pháp luật quy định giao dịch phải đănh ký, xin phép, công chứng, chứng thực là khía cạnh khác, vì mục đích là nhằm quản lý hành chính, bảo đảm an toàn cho các giao dịch hoặc có ý nghĩa với người thứ ba).

Thứ tư, có một số quyền yêu cầu không được chuyển giao như : quyền yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín. Căn cứ phát sinh những quyền này là quyền nhân thân của chủ thể và mục đích của những quyền đó là nhằm đáp ứng những nhu cầu cần thiết hoặc bù đắp những thiệt hại, tổn thất của người có quyền yêu cầu đó. Việc thụ hưởng lợi ích từ những người có quyền yêu cầu trên phải do chính họ thụ hưởng không được chuyển giao cho người khác nhằm đảm bảo ý nghĩa của những quyền yêu cầu đó. Ví dụ: Quyền yêu cầu cấp dưỡng là nhằm đáp ứng những nhu cầu tối thiểu cần thiết của người được cấp dưỡng do vậy quyền này không thể chuyển giao cho người khác mặc dầu quyền này có thể trị giá thành tiền.

Bên có quyền và bên có nghĩa vụ có thỏa thuận không được chuyển giao quyền yêu cầu thì quyền đó cũng không được chuyển giao. Thỏa thuận này là sự tự nguyện của các bên, không vi phạm pháp luật cần được tôn trọng và có giá trị bắt buộc. Do vậy khi đã có thỏa thuận trên mà bên có quyền yêu cầu lại chuyển giao cho người khác là không được phép vì ảnh hưởng đến lợi ích của bên có nghĩa vụ.

Như trên đã phân tích có những quyền dù trị giá được bằng tiền nhưng không được chuyển giao trong giao lưu dân sự vậy nó có phải là quyền tài sản không? Câu trả lời là nó vẫn là quyền tài sản nhưng tính chất tài sản của nó không đầy đủ.

Thực ra cái gọi là tính chất tài sản của quyền có các cấp độ khác nhau: đầy đủ, không đầy đủ và không có. Quyền tài sản nói tại Điều 188 BLDS 1995 nay là Điều 181 BLDS 2005 là quyền có đầy đủ tính chất tài sản.Quyền bầu cử, quyền đi lại, quyền được tôn trọng danh dự, nhân phẩm không trị giá được bằng tiền và cũng không thể chuyển nhượng, do đó, không có tính chất tài sản. Còn các quyền được thực hiện dưới hình thức thu nhận các lợi ích vật chất, nhưng lại không thể chuyển nhượng được, thì chỉ có tính chất tài sản không đầy đủ (đúng ra là không hoàn hảo) [8].

Bên có quyền yêu cầu cũng không được chuyển giao quyền yêu cầu trong các trường hợp khác do pháp luật quy định. Tùy thuộc vào các quốc gia khác nhau sẽ có những quy định khác nhau. Ví dụ : ở Việt Nam, Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác (khoản 3, Điều 81 Luật Doanh Nghiệp 2005) mặc dù những cổ phần này cũng là tài sản.

Pháp luật của Pháp quy định một số chủ thể không được tham gia giao dịch chuyển giao quyền yêu cầu với tư cách là nguời nhận chuyển nhượng. Điều 1597 BLDS Pháp quy định :

Thẩm phán, thẩm phán dự khuyết, các thẩm phán giữ quyền công tố, các lục sự, thừa phát lại, luật sư đại diện, luật sư bào chữa, công chứng viên không có quyền thụ nhượng tài sản, quyền, cổ phần tranh chấp trong phạm vi thẩm quyền quản hạt của tòa án nơi họ hành nghề, nếu không việc thụ nhượng ấy bị vô hiệu, họ phải chịu án phí và bồi thường thiệt hại[14].

Điều 1596 BLDS Pháp quy định:

Những người sau đây không được trực tiếp hoặc thông qua trung gian mua, bán đấu giá, nếu không việc mua bán sẽ vô hiệu:- Người

giám hộ, đối với những tài sản của người mình giám hộ,- Người ủy thác, đối với những tài sản mà mình được ủy thác đứng ra bán.- Viên chức hành chính, đối với tài sản của xã hoặc của các công sở giao cho họ trông coi, - Viên chức nhà nước, đối với tài sản quốc gia mà cơ quan họ đứng ra bán[14].

Đối với doanh nghiệp, giao dịch giữa công ty với thành viên hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc phải được đại hội cổ đông hoặc hội đồng quản trị chấp thuận (Điểm b, khoản 1, Điều 120 Luật Doanh Nghiệp 2005). Quy định này nhằm hạn chế các giao dịch do những người quản lý công ty tạo ra với mục đích trục lợi cá nhân gây thiệt hại cho công ty, ảnh hưởng đến lợi ích của các cổ đông.

1.3.3. Phân loại chuyển giao quyền yêu cầu trong quan hệ nghĩa vụ dân sự.

- Căn cứ vào hình thức chuyển giao quyền yêu cầu có thể phân loại thành: chuyển giao quyền yêu cầu bằng văn bản, chuyển giao quyền yêu cầu bằng lời nói, chuyển giao quyền yêu cầu phải đăng ký, xin phép, công chứng hoặc chứng thực.

- Căn cứ vào quyền yêu cầu được bảo đảm hay không được bảo đảm ta có: Chuyển giao quyền yêu cầu có biện pháp bảo đảm kèm theo và chuyển giao quyền yêu cầu không có biện pháp bảo đảm kem theo.

- Căn cứ vào việc có cần sự đồng ý của người có nghĩa vụ hay không ta có: Chuyển giao quyền yêu cầu không cần có sự đồng ý của người có nghĩa vụ và chuyển giao quyền yêu cầu cần có sự đồng ý của người có nghĩa vụ (theo thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định).

- Căn cứ vào đối tượng của quyền yêu cầu ta có: Chuyển giao quyền yêu cầu chuyển giao tài sản, chuyển giao quyền yêu cầu thực hiện một công việc, chuyển giao quyền yêu cầu không được thực hiện một công việc.

- Căn cứ vào việc Người có quyền yêu cầu có cam kết về khả năng thực hiện nghĩa vụ của người có nghĩa vụ hay không ta có: Chuyển giao quyền yêu cầu không phải chịu trách nhiệm về khả năng thực hiện nghĩa vụ của người có nghĩa vụ và Chuyển giao quyền yêu cầu phải chịu trách nhiệm về khả năng thực hiện nghĩa vụ của người có nghĩa vụ.

- Căn cứ vào lĩnh vực phát sinh quyền yêu cầu ta có: Chuyển giao quyền yêu cầu là quyền đòi nợ, chuyển giao quyền yêu cầu trong bảo hiểm tài sản, chuyển giao quyền yêu cầu trong trường hợp thực hiện bảo lãnh, chuyển giao quyền yêu cầu trong trường hợp thực hiện nghĩa vụ dân sự liên đới, chuyển giao quyền yêu cầu là quyền tài sản đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp...

Một phần của tài liệu Chuyển giao quyền yêu cầu trong quan hệ nghĩa vụ dân sự (Trang 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)