Tình hình phát triển dịch vụ IPTV tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Nghiên cứu giải pháp mạng ngang hàng cho hệ thống truyền hình theo yêu cầu (Trang 76)

Quay trở lại với khái niệm Video on demand (VoD), khái niệm này thường được hiểu và nhìn nhận dưới góc độ của truyền hình qua mạng Internet IPTV (Internet Protocol Television). Thực tế thì lĩnh vực ứng dụng của Video on demand còn rộng lớn hơn, riêng đối với IPTV thì VoD chỉ là một trong số các dịch vụ chính bên cạnh truyền hình quảng bá (broadcast TV) và truyền hình tương tác (interactive video). Khả năng phát triển của các dịch vụ VoD (cùng với IPTV) là rất lớn, thậm chí được dự đoán là còn nhiều hứa hẹn hơn cả truyền hình cáp hiện nay.

Ưu điểm về tính tương tác và phục vụ theo yêu cầu là những yếu tố quan trọng khiến cho IPTV được nhìn nhận là truyền hình thế hệ mới và có khả năng thay thế truyền hình truyền thống. Rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn trên thế giới đang triển khai thăm dò IPTV và xem như một cơ hội mới để thu lợi nhuận từ thị trường hiện có của họ. Tại thị trường Việt Nam, kể từ năm 2003 IPTV đã bắt đầu được thử nghiệm cung cấp với một số dịch vụ cơ bản. Đây được xem như là cơ hội kinh doanh mới của các nhà cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, khi mà cơ sở hạ tầng cho mạng băng rộng đang phát triển mạnh mẽ cùng với sự đòi hỏi nhu cầu của khách hàng ngày càng cao.

Hình 4.1-1: Ảnh chụp màn hình iTV, lấy từ địa chỉ www.iTV.vn

Trong giai đoạn ban đầu đã ghi nhận sự xuất hiện của một loạt các website thử nghiệm cung cấp chương trình truyền hình trực tuyến như www.vtc.com.vn (VTC), www.vnntelevision.net (VDC), www.vietnamnet.tv …. Riêng về xem phim theo yêu

cầu cũng có một số trang như www.tera-movie.com, www.loadphim.com, www.phimtap.com, www.ephim.com, vod.enet.vn,... Vào thời điểm mới ra mắt, những website này đều có số lượng truy cập khá lớn, cho thấy sức hấp dẫn của dịch vụ này đối với công chúng. Tuy nhiên tính đến nay, sau khoảng 4-5 năm xuất hiện, sự phát triển của loại hình dịch vụ này vẫn tỏ ra hết sức chậm chạp. Một số trang thì đã biến mất chỉ sau một thời gian ngắn xuất hiện. Hiện mới chỉ có FPT Telecom là doanh nghiệp viễn thông đầu tiên chính thức bước vào khai thác và cung cấp dịch vụ IPTV thông qua hệ thống iTV (www.iTV.vn). Ngoài FPT, một vài doanh nghiệp khác như VNPT, VTC, Viettel vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị.

Sự phát triển của IPTV tại Việt Nam, rõ ràng đã không được như mong đợi. Mặc dù rất có triển vọng nhưng có một thực tế có thể thấy rõ là hiện nay các dịch vụ của IPTV (đặc biệt là VoD) vẫn chưa có đủ sức hấp dẫn để cạnh tranh với các loại hình dịch vụ truyền hình trước đây. Lý do căn bản là chất lượng dịch vụ hiện nay còn nghèo nàn, độ phân giải video còn ở dưới mức tiêu chuẩn TiVi, chi phí cho dịch vụ không rẻ và khả năng phục vụ số lượng lớn người dùng của hệ thống còn hạn chế. Nguyên nhân chính được các nhà phân tích nhìn nhận là do cơ sở hạ tầng mạng hiện nay của ta chưa có đủ khả năng đáp ứng, trong đó "băng thông đường truyền là thách thức lớn" (theo ông Bùi Thiện Minh, phó tổng giám đốc tập đoàn VNPT) [31].

Hình 4.1-2: Tốc độ truyền dữ liệu IPTV và các công nghệ DSL

Nếu so sánh tốc độ kết nối tiêu chuẩn và tốc độ kết nối hiện có, các gói dịch vụ ADSL cá nhân tại Việt Nam hiện chỉ có tốc độ ở vài trăm Kbps. Trong khi đó, chuẩn MPEG phổ dụng với các dịch vụ VoD cấp thấp thường yêu cầu băng thông đạt tốc độ tối thiểu 1,5Mbps. Phiên bản 2 của MPEG mang lại chất lượng cao hơn đòi hỏi băng thông từ 3-5 Mbps, với H.264 nằm trong khoảng 2-2.5Mbit/s. Còn MPEG 4 cho chuẩn HD (High Definition) đòi hỏi băng thông trong khoảng 12-15 Mbit/s.Với năng lực

đường truyền hiện tại, phổ biến là các nhà cung cấp phục vụ các dòng streaming với bit rate khoảng 200-500 kbps. Với bit rate này thì rất khó hy vọng đạt được chất lượng video ở mức tiêu chuẩn TiVi, cho dù có áp dụng những công nghệ nén mới nhất.

Không chỉ có vấn đề băng thông cho client, với cách tiếp cận của các hệ thống hiện nay (chủ yếu sử dụng phương thức đơn phát unicast cho các dịch vụ VoD) thì băng thông của server cũng là vấn đề cần phải xem xét. Lấy ví dụ đơn giản, với một server có băng thông truy cập 100Mbps và phát hình ở tốc độ 500Kbps thì server chỉ có thể phục vụ khoảng 200 truy cập đồng thời. Nếu như phát video với chất lượng cao hơn thì số truy cập mà hệ thống có thể phục vụ còn thấp hơn nữa. Và khi đã đạt tới mức giới hạn các truy cập có thể đáp ứng thì server sẽ từ chối tất cả các yêu cầu truy cập khác mới đến. Chính vì vậy khả năng người dùng không thể xem phim vào những giờ cao điểm hoặc những bộ phim được nhiều người yêu thích là điều dễ xảy ra. Ba giải pháp mà các nhà cung cấp dịch vụ hiện nay thường áp dụng để tăng cường khả năng đáp ứng của các hệ thống là: sử dụng chuẩn nén video mới nhất, mở rộng băng thông server và tổ chức hệ thống theo cơ chế cân bằng tải. Tuy nhiên, theo như nhận định của tác giả, việc sử dụng các chuẩn nén tiên tiến chỉ giúp giảm bit rate yêu cầu cho mỗi dòng streaming, qua đó tăng số lượng truy cập có thể đáp ứng của server chứ không giúp giải quyết vấn đề một cách triệt để. Vì theo thời gian thì số lượng người dùng cũng ngày một tăng lên và nhu cầu chất lượng dịch vụ cũng ngày càng cao (mà có thể trong tương lai không xa việc xem phim HD qua mạng sẽ là một nhu cầu tất yếu) thì các server vẫn có khả năng bị quá tải. Các giải pháp mở rộng băng thông server hay thực hiện cân bằng tải đều có nhược điểm là tốn kém nhiều chi phí. Hơn nữa, chi phí cho việc server truyền một lượng lớn dữ liệu tới các client cũng thường không nhỏ.

Chính vì vậy, để nâng cao chất lượng dịch vụ thì các nhà cung cấp dịch vụ ở nước ta hiện nay sẽ còn cần phải vượt qua nhiều thách thức về mặt công nghệ, mà trong đó yếu tố kiến trúc hệ thống cũng cần phải được tính đến chứ không chỉ duy nhất là vấn đề cải thiện hạ tầng mạng.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu giải pháp mạng ngang hàng cho hệ thống truyền hình theo yêu cầu (Trang 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(86 trang)