Cốt truyện luận đề

Một phần của tài liệu tính nhân văn trong cảm hứng phê phán của ma văn kháng, tạ duy anh, hồ anh thái (Trang 70)

Cốt truyện luận đề là cốt truyện được xây dựng trên cơ sở con người trong tác phẩm xuất hiện và hoàn tất một quãng đời hay cả cuộc đời mình nhằm chứng minh cho một chân lý nào đó; việc tổ chức các tình tiết, sự kiện theo một trình tự nhất định là để làm sáng tỏ cho quan điểm đã được xác định, được thừa nhận. Người đọc luôn bắt gặp sự luận bàn của nhà văn về các vấn đề thế sự, nhân sinh thông qua người kể chuyện hàm ẩn, qua hành động của nhân vật, qua đối thoại.

Hồ Anh Thái là tác giả sử dụng kết hợp nhiều loại cốt truyện trong sáng tác của mình. Trong một tác phẩm, ta có thể bắt gặp nhiều loại cốt truyện được Hồ Anh Thái sử dụng, đó có thể là sự đồng xuất hiện của cốt truyện luận đề; cốt truyện tâm lý, hồi tưởng và ký ức hay cốt truyện phân mảnh lắp ghép song cốt truyện luận đề được tác giả sử dụng khá nhiều. Chính lối kết hợp linh hoạt, uyển chuyển ấy làm nên sức hấp dẫn đặc biệt trong tác phẩm của anh.

Nghiên cứu các tiểu thuyết về thế sự, đời tư của Hồ Anh Thái: Người và xe

chạy dưới ánh trăng, Cõi người rung chuông tận thế, Mười lẻ một đêm, ta có thể nhận thấy sau mỗi sáng tác, ngòi bút Hồ Anh Thái có sự vận động hết sức mãnh liệt. Nhà văn luôn có ý thức làm mới chính bản thân mình thông qua việc xây dựng kết cấu một cách đa dạng, biến hóa. Người và xe chạy dưới ánh trăng có kết cấu theo dòng đời của nhân vật nên cốt truyện không lệ thuộc vào trình tự tuyến tính của thời gian mà chỉ tuân theo những hồi ức, cảm xúc của nhân vật. Đến Cõi người rung chuông tận thế, Mười lẻ một đêm, cốt truyện của Hồ Anh Thái trở nên mơ hồ, mang tính siêu thực, tuân theo tiến trình vận động nội tâm của nhân vật hơn là trật tự thời gian sự kiện.

Ta bắt gặp trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái nhiều luận bàn về nhân sinh, về lẽ đời, về cuộc sống. Trong những tiểu thuyết về đời tư, thế sự ta nhận thấy phong cách viết hoàn toàn mới lạ của Hồ Anh Thái so với những tác phẩm mang tính sử thi trong giai đoạn đầu cầm bút của anh. Viết về cõi nhân sinh, cốt truyện luận đề trong tác phẩm của anh xuất hiện nhiều sự đan xen lời kể, tả và rất nhiều câu mang tính luận đề, triết lý. Người và xe chạy dưới ánh trăng phản ánh đậm nét về cuộc sống và tâm trạng của một thế hệ trẻ trải qua một tuổi thơ nhiều mất mát trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Hoà bình lập lại, họ trở về với cuộc sống riêng của mỗi người nhưng nhìn chung họ đều là những con người có tấm lòng trong veo sáng ngời, có nhân cách, ý chí. Bên cạnh việc miêu tả những con người có phẩm cách cao đẹp, tác phẩm cũng báo động sự xuất hiện của lớp người với lối sống cá nhân, vị kỷ. Thông qua số phận của Toàn, Hiệp, Trang, Khắc, vợ chồng Khuynh - Diệu, Người và xe chạy dưới ánh trăng đặt ra vấn đề xã hội nóng bỏng của xã hội hiện đại đó là: cuộc đấu tranh của con người với cái ác, cái xấu, cái tiêu cực để xây dựng cuộc sống tốt đẹp, chắp bước cho sự đi lên của xã hội lành mạnh. Tác phẩm đưa ra cái nhìn toàn cảnh về cuộc sống, khẳng định con người ai cũng có cái tốt và cái xấu, hãy biết thức tỉnh phần lương tri tốt đẹp trong con người, hãy chăm bón, vun xới cho cái đẹp mãi không bị lụi tàn bằng tình yêu thương con người và niềm tin trong cuộc sống.

Mười năm sau Người và xe chạy dưới ánh trăng ra đời, Cõi người

rung chuông tận thế xuất hiện đã đánh dấu một bước thành công lớn của Hồ Anh Thái. Tác phẩm thu hút đông đảo bạn đọc bởi một giọng điệu, một văn phong rất hiện đại của anh. Tác phẩm là sự luận bàn về cái ác qua lối sống của một hệ thống các nhân vật Cốc - Bóp - Phũ - Yên Thanh và “tôi”. Với cuộc sống dư dả vật chất cộng với sự cưng chiều của gia đình đã làm cho những nhân vật này biến thái thành những con người ăn chơi sa đọa, sống ích kỷ, buông thả và độc ác. Có thể nói đây là những chân dung sinh động nhất của Hồ Anh Thái về con người thành thị, về con người hiện đại. Họ đã bị tác động một cách dữ dội bởi tiền bạc, bởi danh vọng. Tác phẩm gióng lên hồi chuông cảnh báo: “Con người phải tránh xa cái ác, diệt trừ cái ác, đó là công việc muôn đời chừng nào nhân loại còn tồn tại trên trái đất này… Đó cũng là tiếng nói đầy tâm huyết, trăn trở của Hồ Anh Thái” [38, 286 - 287]. Trong

tác phẩm này, những nhân vật như Mai Trừng mang nghĩa biểu tượng là người đi diệt trừ cái ác, Đông mang biểu tượng của con người hướng thiện. Tác giả đã dành cho nhân vật Đông cái nhìn thân thiện, đi sâu vào nội tâm của nhân vật, thông qua nhân vật Đông, Hồ Anh Thái đã thể hiện triết lý về lẽ đời, về con người, về gia đình, xã hội và đặt ra một vấn đề quan trọng trong việc loại trừ cái ác và tin tưởng một điều: Tâm hồn con người sẽ được thanh lọc nếu như con người biết tránh xa cái ác và luôn biết hướng thiện.

Mười lẻ một đêm ra đời năm 2006 với kết cấu cốt truyện hấp dẫn, mới lạ, độc đáo, gợi sự chú ý nhiều lớp độc giả. Có thể nói đây là một tấn bi hài kịch của cuộc đời mỗi con người trong xã hội. Truyện có sức hút bởi tác giả đã tạo ra được một tình huống độc đáo bởi một cặp tình nhân bị nhốt mười một ngày đêm trên tầng 6 chung cư. Từ cảnh huống này, các câu chuyện trong gia đình, bạn bè, ngoài xã hội đều được kể và miêu tả một cách sống động. Người đọc bị choáng ngợp trước những câu chuyện tưởng như phi lý với những nhân vật nghịch dị như Họa sĩ Chuối Hột, nhân vật bà mẹ của Người đàn bà, cặp giáo sư Xí- Khỏa nhưng đâu đó trong sự phi lý ấy ta lại thấy được tất cả giống như hiện thực mà ta đã gặp ở đâu đó trong cuộc sống - một hiện thực xô bồ, hỗn loạn. Tác phẩm được kết cấu theo dạng luận đề: cuộc đời là một chuỗi những bi hài kịch khiến người đọc vừa cười, vừa suy ngẫm về lẽ đời, về hiện thực xã hội. Đưa ra luận đề này trong việc xây dựng tình huống cặp tình nhân bị nhốt với bao câu chuyện được kể ra ở ngoài xã hội, nhà văn đã gióng lên một hồi chuông báo động cảnh tỉnh về cách sống tự do, ích kỷ của con người. Chính kết cấu luận đề đã là một lý do khiến Mười lẻ một đêm trở thành một tác phẩm có chiều sâu tư tưởng nhất của Hồ Anh Thái. Qua tác phẩm này, một lần nữa độc giả thêm hiểu về tinh thần làm việc nghiêm túc, là một con người có tầm nhìn sâu sắc đa chiều, thẳng thắn, dũng cảm, không khoan nhượng trước cái xấu.

Một phần của tài liệu tính nhân văn trong cảm hứng phê phán của ma văn kháng, tạ duy anh, hồ anh thái (Trang 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)