Để xây dựng được những quy định cụ thể cho một tập đoàn tài chính – ngân hàng tại Việt Nam, chúng ta phải tham khảo những quy định về tập đoàn tài chính – ngân hàng tại một số nước sau đây:
Hoa Kỳ
Đạo luật Gramm-Leach-Bliley (GLB Act) được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua năm 1999 là kết quả của một quá trình hợp nhất các quy định pháp lý đối với thị
trường dịch vụ tài chính trong nhiều thập kỷ. Với việc dỡ bỏ Đạo luật Glass-Steagall quy định từ năm 1933, trong đó hạn chế sự sáp nhập giữa các ngân hàng và các công ty chứng khoán; và sự phân đoạn do Đạo luật Bank Holding Company (BHC Act) ban hành năm 1956, trong đó hạn chế sự sáp nhập giữa các ngân hàng và các công ty bảo hiểm. Đạo luật GLB đã tạo điều kiện cho các ngân hàng đăng ký thành lập các tập đoàn tài chính– ngân hàng đa năng tại Hoa Kỳ thông qua việc mở thêm hoạt động môi giới bảo hiểm. Mặt khác, các công ty chứng khoán và các công ty bảo hiểm cũng có thể chuyển đổi thành các tập đoàn tài chính – ngân hàng nếu họ mua lại một ngân hàng trong trường hợp họ thỏa mãn các điều kiện nhất định.
Các tập đoàn tài chính – ngân hàng ở Hoa Kỳ thường được xây dựng theo mô hình một công ty mẹ nắm giữ vốn cổ phần của các công ty con hoạt động trong các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Hoạt động kinh doanh của các đơn vị thành viên trực thuộc tập đoàn tài chính – ngân hàng được giám sát và điều chỉnh bởi các cấp có thẩm quyền riêng biệt. Hoạt động của các ngân hàng chịu sự điều chỉnh của Cơ quan Giám sát tiền tệ (OCC), Cục Dự trữ Liên bang (FED) và Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC); hoạt động của các Công ty Chứng khoán chịu sự giám sát và điều chỉnh của Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái (SEC); hoạt động của các Công ty Bảo hiểm do Ủy ban Bảo hiểm Quốc gia (SIC) giám sát và điều chỉnh. Một tập đoàn tài chính – ngân hàng (FHC) phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Các yêu cầu về vốn và khả năng quản lý: để có thể được chấp thuận trở thành một FHC, ngân hàng phải chứng thực với FED rằng tất cả các chi nhánh phụ của ngân hàng đều đảm bảo an toàn vốn và được quản lý tốt.
- Yêu cầu về việc tài trợ vốn cho cộng đồng: một FHC chỉ được công nhận khi tất cả các chi nhánh phụ phải được đánh giá ở mức đạt yêu cầu trở lên về tài trợ vốn cho cộng đồng (các hộ gia đình có thu nhập thấp và các cộng đồng thiểu số) theo quy định tại Đạo luật Tái đầu tư Cộng đồng (CRA) được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1977.
- Những yêu cầu trong việc quản lý tập đoàn tài chính: cho dù có sự hiện diện của cấu trúc tập đoàn tài chính, các quy định pháp lý vẫn yêu cầu đơn vị thành viên là ngân hàng phải:
• Xây dựng và thực hiện các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp của riêng NH; • Có Hội đồng Quản trị riêng và;
• Tuân thủ những điều kiện kinh doanh (tỷ lệ an toàn vốn, quy tắc cho vay, quản lý rủi ro và các phương thức hạch toán kế toán theo thông lệ).
Chính những khác biệt trong quy định đối với lĩnh vực ngân hàng và một loạt các dịch vụ tài chính khác như bảo hiểm, môi giới chứng khoán, bất động sản, tín thác, thẻ tín dụng, cho thuê tài chính đã làm tập đoàn tài chính trở nên một mô hình rất phức tạp, đòi hỏi năng lực điều hành, lãnh đạo của chủ tập đoàn phải đủ sức bao quát các hoạt động một cách chuyên nghiệp.
Đài Loan
Tương tự như ở Hoa Kỳ, Đài Loan đã ban hành Đạo luật về Tập đoàn tài chính (Financial Holding Company Act) vào năm 2001 để hỗ trợ việc tập trung vốn trong khu vực dịch vụ tài chính – ngân hàng, đa dạng hóa các dịch vụ tài chính và tăng cường sức cạnh tranh khi Đài Loan gia nhập WTO. Đạo luật nói trên cho phép một tập đoàn có thể đầu tư và sở hữu 100% vốn của tất cả các ngân hàng, công ty chứng khoán và công ty bảo hiểm. Theo đó, các tập đoàn của Đài Loan đều đầu tư tất cả nguồn lực tài chính của mình để sở hữu 100% các đơn vị thành viên, bao gồm ngân hàng, công ty chứng khoán, bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ.
Năm 2005, Đài Loan cũng đã công bố quy định về đảm bảo an toàn vốn cho các tập đoàn tài chính – ngân hàng dựa trên các nguyên tắc đánh giá tách bạch từng chi nhánh của ngân hàng. Đạo luật FHC và các quy định pháp lý về tập đoàn đã tạo điều kiện cho thị trường tài chính Đài Loan củng cố, hợp nhất và hình thành các tập đoàn tài chính – ngân hàng có quy mô tài sản lớn và mức độ đa dạng dịch vụ rất cao thông qua sáp nhập, thôn tính hoặc liên kết chiến lược. Đến nay, Đài Loan đã có rất nhiều tập đoàn tài chính – ngân hàng lớn hoạt động đa năng trên các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm, điển hình là Tập đoàn tài chính– ngân hàng Chinfon.
Trước đây, Luật Ngân hàng thương mại quy định các NHTM Trung Quốc không được phép thực hiện các giao dịch chứng khoán và bảo chứng, không được đầu tư vào những doanh nghiệp phi ngân hàng. Nhưng trước sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc trong hai thập kỷ vừa qua, Trung Quốc đã phải sửa đổi Luật Ngân hàng thương mại theo hướng cho phép các NHTM (công ty mẹ) sở hữu các công ty tài chính (công ty con) theo mô hình tập đoàn tài chính (FHC) khi thiết lập đầy đủ những cơ chế pháp lý thận trọng cần thiết. Bên cạnh đó, Luật Chứng khoán và Luật Bảo hiểm cũng đã được điều chỉnh theo hướng cho phép một cách có điều kiện sự kết hợp cung cấp các sản phẩm tại các NHTM thay vì cô lập các lĩnh vực này như trước kia.
Trên thực tế, mô hình tập đoàn tài chính –ngân hàng với sự phát triển độc lập của hệ thống các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Các tập đoàn đều được thành lập một cách tự nguyện trên cơ sở các liên kết về vốn và hoạt động kinh doanh thực chất nhằm cung cấp trọn gói các sản phẩm, dịch vụ tài chính cho khách hàng và tăng cường khả năng cạnh tranh trước xu thế toàn cầu hóa. Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước, việc xem xét thành lập, giám sát và quản lý các tập đoàn được thực hiện trên cơ sở nền tảng pháp lý, các tiêu chí, điều kiện rõ ràng, minh bạch và tùy thuộc định hướng phát triển thị trường tài chính - tiền tệ tại các nước trong những thời điểm lịch sử cụ thể.