8 Kết cấu của luận văn
1.3.2 Ph.Ăngghen phát triển nhận thức luận mácxít trong nghiên
khoa học tự nhiên
Vào những năm cuối của thế XIX tình hình chính trị, xã hội và sự phát triển khoa học tự nhiên trên thế giới có những đặc điểm nổi bật. Xã hội ở Đức những năm 70 xuất hiện những trào lưu tư tưởng phi mácxít đại diện là Látxan, Đuyrinh. Họ biểu hiện những quan điểm sai lầm về triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội, công kích thậm tệ chủ nghĩa Mác, hướng phong trào công nhân Đức theo chủ nghĩa cải lương. Trước tình hình cấp bách trên Ăngghen đã viết tác phẩm “Chống Đuyrinh” nhằm bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác, chống lại những quan điểm sai lầm xuyên tạc chủ nghĩa Mác. Đặc biệt, vào cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX khoa học tự nhiên đã đạt được những thành tựu quan trọng mang tính vạch thời đại. Đó là ba phát minh lớn: định luật bảo toàn vả chuyển hóa năng lượng, thuyết tế bào và thuyết tiến hóa. Để hệ thống hóa những thành tựu của khoa học tự nhiên, chứng minh tính chất biện chứng của nó, chứng minh cơ sở tự nhiên của triết học Mác, Ăngghen đã viết “Biện chứng của tự nhiên”. Trong khi trình bày một cách rõ ràng và có hệ thống những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác ở cả hai tác phẩm “Chống Đuyrinh” và “Biện chứng của tự nhiên”, những nội dung về lý
luận nhận thức đã được bổ sung và phát triển trong những hình thức mới bên cạnh những nội dung về phép biện chứng duy vật và quan điểm duy vật lịch sử cơ bản.
Trước hết, Ăngghen đề cập đến quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng vềnguồn gốc và bản chất của nhận thức trong “Chống Đuyrinh”. Theo Ăngghen nhận thức là quá trình phản ánh hiện thực khách quan vào trong đầu óc con người: “Tất cả những ý niệm đều rút ra từ kinh nghiệm, chúng là sự phản ánh của hiện thực, những sự phản ánh trung thành hoặc méo mó”[17, tr.892]. Nguồn gốc của sự nhận thức là thế giới bên ngoài “chứ không phải nảy sinh ra trong óc như một sự vật của tư duy thuần túy”[18, tr.59]
Áp dụng quan điểm đó vào trong lĩnh vực toán học, chống lại quan điểm của ông Đuyrinh khi ông này cho rằng có thể trực tiếp rút toàn bộ môn toán học thuần túy từ đầu óc con người một cách tiên nghiệm mà không cần đến kinh nghiệm của thế giới bên ngoài “theo ông ta, trong toán học thuần túy lý tính phải đụng chạm tới “những sản vật mà bản thân nó đã sáng tạo và tưởng tượng ra một cách tự do”; những khái niệm về số và hình là “đối tượng đầy đủ của toán học và do bản thân toán học sáng tạo ra”, và vì thế toán học “có một ý nghĩa độc lập đối với kinh nghiệm đặc biệt và đối với nội dung hiện thực của thế giới”[18, tr.58] Ăngghen đã chỉ rõ các khái niệm toán học cũng phải được rút ra từ thế giới bên ngoài chứ không phải từ tư duy thuần túy: “Toán học thuần túy có ý nghĩa độc lập đối với kinh nghiệm đặc biệt của mỗi cá nhân, điều đó tất nhiên là đúng, nhưng điều đó cũng đúng với tất cả các sự thực đã được xác định một cách vững chắc của mọi khoa học, thậm chí còn đúng với tất cả các sự thực nói chung (……) Nhưng cũng hoàn toàn không đúng khi nói rằng trong toán học thuần túy, lý tính chỉ đụng chạm tới những sản vật mà bản thân nó đã sáng tạo và tưởng tượng ra. Những khái niệm về số lượng và hình dáng không thể rút ra từ đâu khác, mà chỉ là từ thế giới hiện thực mà thôi (….) Khái niệm về số lượng cũng như khái niệm về hình dáng cũng hoàn toàn rút ra từ thế giới bên ngoài, chứ không phải nảy sinh ra trong
đầu óc như một sự vật của tư duy thuần túy…Đối tượng của toán học thuần túy là những hình không gian và những quan hệ số lượng của thế giới hiện thực, tức là một chất liệu rất hiện thực”[18, tr.58-59]
Sau khi trình bày rõ quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng về nhận thức là hoàn toàn đối lập với cách hiểu của các nhà duy tâm cả chủ quan lẫn khách quan, Ph.Ăngghen tiếp tục làm rõ nguyên tắc cơ bản về nhận thức để xác định tính chất duy vật và biện chứng của nhận thức, đó là khẳng định khả năng nhận thức thế giới của con người. Trong khi phê phán các quan điểm sai lầm, phản mácxít về sự phủ nhận khả năng nhận thức được thế giới của con người Ăngghen đã bổ sung vào đây những nội dung mới, làm sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng về những quan điểm làm nền tảng cho quá trình phản ánh thế giới của con người.
Trong “Chống Đuyrinh” Ăngghen cho rằng nhận thức của con người vừa vô hạn vừa có hạn, là vô hạn nếu xét theo xu hướng lịch sử, là có hạn nếu xét theo sự thực hiện thực tế. Ông viết: “Ở đây chúng ta lại thấy cũng cái mâu thuẫn đã gặp ở trên kia, mâu thuẫn giữa tính chất nhất thiết phải được coi là tuyệt đối của tư duy con người và việc thực hiện nó trong những cá nhân tư duy hạn chế. Mâu thuẫn đó chỉ có thể giải quyết được trong quá trình tiến lên vô tận, trong sự nối tiếp trên thực tế và vô hạn- ít nhất là đối với chúng ta- của các thế hệ loài người. Theo ý nghĩa đó thì tư duy của con người vừa vô hạn vừa có hạn. Tối cao và vô hạn là xét theo bản tính, sứ mệnh, khả năng và mục đích lịch sử cuối cùng; không tối cao và có hạn là xét theo sự thực hiện riêng biệt và thực tế trong mỗi thời điểm nhất định”[18, tr.126-127]
Bàn đến thực tiễn với tư cách là một nội dung quan trọng của lý luận nhận thức, Ph.Ăngghen cho rằng, mọi tri thức khoa học của con người suy đến cùng đều sinh ra từ nhu cầu của thực tiễn, khẳng định vai trò của thực tiễn là cơ sở và động lực của nhận thức. Ông viết: “Cũng như tất cả các khoa học khác, toán học sinh ra từ những nhu cầu thực tiễn của con người: từ việc đo diện tích các khoảnh đất và việc đo dung tích của những bình chứa, từ việc
tính toán thời gian và từ cơ học. Nhưng cũng như trong mọi lĩnh vực của tư duy, đến một trình độ phát triển nào đó, những quy luật được rút ra bằng con đường trừu tượng hóa từ thế giới hiện thực, cũng bị tách khỏi thế giới hiện thực, bị đem đối lập với thế giới hiện thực như là một cái gì độc lập, như là những quy luật từ bên ngoài mà thế giới phải thích ứng theo”[18, tr.59]
Trong “Biện chứng của tự nhiên” Ph.Ăngghen nhấn mạnh rằng, chính việc con người cải biến tự nhiên là cơ sở chủ yếu nhất và trực tiếp nhất của sự phát triển trí tuệ của con người. Sự hình thành các ngành khoa học cũng do sản xuất quy định: “Cần thiết phải nghiên cứu sự phát triển tuần tự của riêng từng ngành khoa học tự nhiên. Trước hết là thiên văn học, một ngành đã vì thời tiết mà tuyệt đối cần thiết cho những dân tộc chăn nuôi và làm ruộng. Thiên văn học chỉ có dựa vào toán học mới phát triển được. Do đó mà người ta phải nghiên cứu cả toán học. Sau đó, đến một giai đoạn phát triển nhất định của nông nghiệp và trong những khu vực nhất định (đưa nước lên để tưới ruộng ở Ai Cập), và nhất là cùng với sự phát triển của thủ công nghiệp thì cơ học cũng phát triển theo. Chẳng bao lâu, cơ học lại trở nên cần thiết cho hàng hải và chiến tranh. Cơ học cũng cần sự giúp đỡ của toán học và do đó thúc đẩy toán học phát triển. Như thế là, ngay từ đầu sự phát sinh và phát triển của các ngành khoa học đã do sản xuất quy định”[15, tr.659]
Trong khi phê phán các nhà khoa học tự nhiên chưa được rèn luyện về lôgích và phép biện chứng nên khi số lượng và sự thay đổi của các giả thuyết gạt bỏ lẫn nhau thì sẽ rất dễ tạo ra cho họ “cái quan niệm cho rằng chúng ta không thể nhận thức được bản chất của sự vật. Điều đó không phải chỉ riêng đối với khoa học tự nhiên, vì nhận thức của loài người phát triển theo con đường cong rất quanh co và những học thuyết cũng loại trừ nhau ngay cả trong những bộ môn lịch sử, kể cả triết học, song không ai căn cứ vào điều ấy mà kết luận rằng logic hình thức, chẳng hạn là một điều vô nghĩa. Hình thức cuối cùng của quan điểm ấy “vật tự nó”[15, tr.733]. Đứng trên quan điểm lịch sử và trong những điều kiện của thời đại Ph.Ăngghen khẳng định khả năng
nhận thức sự vật của con người trong “chừng mực những điều kiện ấy cho phép”. Ông viết: “Sự khẳng định cho rằng chúng ta không có năng lực nhận thức được vật tự nó, thì một là, thoát khỏi lĩnh vực của khoa học và chuyển vào lĩnh vực của ảo tưởng. Hai là, nó hoàn toàn không mang lại gì thêm cho tri thức khoa học của chúng ta, vì nếu chúng ta không có khả năng nghiên cứu các sự vật, thì chúng không tồn tại đối với chúng ta. Và ba là, sự khẳng định ấy chỉ là một câu rỗng tuếch và không bao giờ có thể áp dụng được trong thực tế”[15, tr.733-734]
Nhấn mạnh vai trò của tư duy đối với khả năng nhận thức Ph.Ăngghen cho rằng: “Cái mà tư duy của chúng ta có thể nhận thức được, là căn cứ cho chúng ta thấy tư duy đã nhận thức và hàng ngày đang nhận thức. Và như thế là đủ cả về mặt lượng lẫn thể chất. Trái lại, việc nghiên cứu những hình thức của tư duy, những phạm trù lôgíc là một nhiệm vụ rất có ích và cần thiết”[15, tr.732]
Chân lý cũng là một trong những nội dung quan trọng của nhận thức luận mácxit được Ph.Ăngghen làm rõ trong hai tác phẩm. Trước hết,
Ph.Ăngghen khẳng định tính cụ thể của chân lý, ông viết: “ Vả chăng, chúng ta chẳng việc gì phải hoảng sợ khi thấy rằng trình độ nhận thức của chúng ta hiện nay cũng vẫn chưa phải đã là tột đỉnh hơn với tất cả những trình độ trước đây. Trình độ hiện nay đã bao quát được một khối lượng tư liệu nhận thức to lớn và đòi hỏi người nào muốn thật sự nắm được một ngành khoa học nào đó thì phải chuyên nghiên cứu rất sâu về ngành ấy”[18, tr.132]
Về mối quan hệ giữa chân lý tuyệt đối và chân lý tương đối: Ăngghen đã phê phán quan điểm siêu hình của Đuyrinh cho rằng chân lý là bất biến, không phụ thuộc vào không gian và thời gian. Ăngghen nói rằng mọi nhận thức của con người về sự vật chỉ đạt đến chân lý tương đối. Tuy nhiên, Ăngghen lại cho rằng xét về bản tính, về sứ mệnh lịch sử thì nhận thức của con người có thể đạt đến chân lý tuyệt đối, có nghĩa là phản ánh hoàn toàn đầy đủ và đúng đắn sự vật. Do vậy chân lý vừa có tính tương đối vừa có tính
tuyệt đối. Chân lý tuyệt đối sẽ đạt được trong sự phát triển vô hạn nhận thức của con người, trong sự kế tiếp của các thế hệ người: “Tư duy của con người vừa là tối cao vừa là không tối cao, và khả năng nhận thức của con người vừa là vô hạn vừa là có hạn. Tối cao và vô hạn là xét theo bản tính, sứ mệnh, khả năng và mục đích lịch sử cuối cùng; không tối cao và có hạn là xét theo sự thực hiện riêng biệt và thực tế trong mỗi thời điểm nhất định”[18, tr.127]
Bàn thêm về chân lý vĩnh cửu (chân lý tuyệt đối) ông viết: “Về những chân lý vĩnh cửu thì cũng vậy. Nếu nhân loại đạt tới chỗ chỉ vận dụng toàn những chân lý vĩnh cửu, những kết quả của tư duy có giá trị tối cao và có quyền tuyệt đối về chân lý, thì điều đó có nghĩa là nhân loại đã đạt tới một điểm mà tính vô tận của thế giới tri thức đã cùng kiệt xét về mặt hiện thực cũng như về mặt tiềm năng, và như thế là đã thực hiện được cái điều thần kỳ nổi tiếng là đếm được hết con số vô hạn”[18, tr.127]. Ăngghen khẳng định cần phải có quan điểm biện chứng về chân lý. Giữa chân lý và sai lầm chỉ phân biệt nhau trong những giới hạn nhất định, nó có thể chuyển hóa cho nhau nếu vượt qua giới hạn đó: “giữa chân lý và sai lầm, cũng giống như tất cả những phạm trù lôgíc học vận động trong những cực đối lập, chỉ có giá trị tuyệt đối trong một phạm vi cực kỳ hạn chế”[18, tr.132]
Có thể thấy rằng, cùng với sự phát triển của khoa học và những thành tựu của khoa học tự nhiên cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, lý luận nhận thức mácxít đã thực sự khẳng định được vai trò và sức mạnh to lớn của nó trong việc nhận thức thế giới và giải thích đúng đắn những thành tựu mới của khoa học. Đến giai đoạn này những nguyên tắc cơ bản thuộc nội dung của lý luận nhận thức như nguyên tắc duy vật khẳng định nhận thức là sự phản ánh thế giới khách quan vào trong bộ óc con người, là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan; quan điểm cho rằng nhận thức trên cơ sở thực tiễn; cùng với vấn đề về bản chất của nhận thức đã được Ph.Ăngghen làm rõ trong sự phê phán những quan điểm sai trái, phản khoa học của Đuyrinh, trong mối liên hệ chặt
chẽ với khoa học tự nhiên, điều này cũng có nghĩa rằng mỗi thành tựu của khoa học không thể tách rời với mỗi bước phát triển của tư duy lý luận.
1.3.3 C.Mác và Ph.Ăngghen phát triển học thuyết về nhận thức trong một số tác phẩm khác
Câu hỏi: “Con người có thể nhận thức được thế giới hay không ?” đã trở thành nội dung cốt yếu trong nhiều học thuyết triết học. Việc trả lời cho câu hỏi trên sẽ quy định khuynh hướng, tính chất của mỗi trường phái triết học. Giải quyết được vấn đề cơ bản này cũng có nghĩa là sẽ tiếp tục xác lập nguyên tắc cơ bản của lý luận nhận thức duy vật biện chứng. Đây không phải là lần đầu tiên Ăngghen bàn đến nội dung nguyên tắc này, nhưng trong tác phẩm “Lútvích Phoiơbắc và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức” nó đã được trình bày kèm theo những mục đích rõ ràng là nhằm thể hiện những quan điểm của ông và Mác đối với triết học Hêghen và nhất là đối với triết học của Phoiơbắc.
Điều đầu tiên ông khẳng định: “Vấn đề cơ bản của triết học, đặc biệt là của triết học hiện đại, là vấn đề quan hệ giữa tư duy và tồn tại”[23, tr.403]. Tiếp nữa là mối liên hệ giữa tư duy và tồn tại với khả năng nhận thức của con người “vấn đề quan hệ giữa tư duy và tồn tại còn có một mặt khác: những suy nghĩ của chúng ta về thế giới xung quanh ta có quan hệ như thế nào với bản thân thế giới ấy? Tư duy của chúng ta có thể nhận thức được thế giới hiện thực không? Trong các quan niệm và các khái niệm của chúng ta về thế giới hiện thực, chúng ta có thể phản ánh được một hình ảnh đúng đắn hiện thực không?”[23, tr.405]
Căn cứ vào câu trả lời những câu hỏi trên như thế nào, các nhà triết học chia thành hai phái, những người thừa nhận sức mạnh và năng lực của con người có thể nhận thức, khám phá những bí mật của thế giới khách quan và những người không thừa nhận khả năng nhận thức thế giới của con người hay ít nhất cũng không nhận thức được thế giới một cách đầy đủ. Ăngghen viết “Tuyệt đại đa số các nhà triết học trả lời vấn đề có một cách khẳng định.
Chẳng hạn như ở Hêghen, sự khẳng định đó tự nó đã rõ ràng: trong thế giới hiện thực, cái mà chúng ta nhận thức được chính là nội dung mang tính chất ý thức, chính là những gì mà nhờ đó thế giới thành ra sự thực hiện dần dần ý