B. NỘI DUNG
1.2.2. Các xu hướng phân hoá tư tưởng ở những người trí thức Tây học
(trong những năm 20 của thế kỷ XX)
Trong quá trình phát triển mỗi quốc gia dân tộc đều có sự kế thừa và chọn lọc những giá trị tinh thần, tư tưởng bên ngoài để phát triển hoà nhập vào trong
tiến trình tiến bộ chung của nhân loại mà vẫn có sắc thái riêng. Lịch sử phát triển tư tưởng Việt Nam cũng thế, nó có quá trình chuyển biến rất phức tạp, từ ý niệm ngây thơ chất phác về vũ trụ nhân sinh của người bản địa, cùng với Nho, Phật, Đạo du nhập từ bên ngoài vào, qua thực tiễn Việt Nam có những bước phát triển mới mang sắc thái riêng. Từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, thế giới quan phương Đông truyền thống, tư tưởng yêu nước truyền thống Việt Nam lúc này tỏ ra bất lực, lúng túng trước những yêu cầu của thực tiễn Việt Nam cuối cùng rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Sau đó có sự chuyển hướng, tiếp nhận văn hóa tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây.
Dưới tác động của điều kiện kinh tế-xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX sang những năm đầu thế kỷ XX, đời sống tư tưởng của trí thức Việt Nam có sự biến đổi phức tạp và phân hoá thành ba nhóm cơ bản:
Nhóm tư tưởng phong kiến bảo thủ, trì trệ: Những người thuộc nhóm này từ chối mọi sự đổi mới duy tân, khư khư giữ lấy cái cũ. Họ muốn giữ nguyên các nguyên lý, mệnh đề từng làm cốt lõi của hệ tư tưởng phong kiến lạc hậu. Trước thực tế sôi động, họ mất dần khả năng thích ứng, co lại từ chối mọi vận động biến đổi, trở nên lạc hậu và phản động. Trong số đó có những người muốn giữ nguyên tư tưởng chuyên chế cũ, trung thành một cách mù quáng với tín điều Nho giáo bất chấp hiện thực đã thay đổi. Thực dân Pháp lợi dụng mang hình thức danh nghĩa truyền bá tư tưởng dân chủ tư sản, nhưng do xuất phát từ quyền lợi nên trong thực tế chúng đã từ bỏ những nội dung lý tưởng tự do-bình đẳng- bác ái tiến bộ để câu kết với các thế lực phong kiến lạc hậu, duy trì và phát triển các tôn giáo cũ và mới nhằm kìm hãm nhân dân ta trong vòng ngu dốt, làm họ mất khả năng đề kháng, khả năng nhận thức chân lý. Nó là lực cản sự phát triển của tư tưởng dân tộc, ngăn cản sự đổi mới đất nước.
Nhóm tư tưởng nô dịch mất gốc: Nhóm này không đứng vững trước những cám dỗ thấp hèn và hoảng sợ trước sức mạnh của kẻ thù. Một số người đã trở nên vong ơn bội nghĩa, cắt đứt quá khứ vẻ vang của dân tộc. Họ cam tâm cúi
đầu làm tay sai cho thực dân Pháp, sùng bái phương Tây một cách mù quáng. Tư tưởng của nhóm này là một trong những chướng ngại đối với sự phát triển của tư tưởng dân tộc.
Nhóm tư tưởng tiến bộ: Tiếp nối truyền thống quật cường của dân tộc, trước năm 1914-1918 tầng lớp sĩ phu yêu nước duy tân đã đứng lên đảm nhiệm sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam, giành độc lập dân tộc và canh tân đất nước. Mọi tâm huyết của họ lúc bấy giờ đều tập trung vào giải quyết vấn đề đó. Họ vượt qua một số hạn chế về thành phần xuất thân, bất chấp mọi khó khăn nguy hiểm để chống lại các lực lượng ngăn cản sự phát triển của tư tưởng dân tộc. Họ cũng là người thu nhận và truyền bá tư tưởng dân chủ tư sản vào trong nhân dân, góp phần đưa trình độ nhận thức của dân tộc chuyển biến và phát triển lên một bước mới, song họ vẫn chịu ảnh hưởng của tư duy truyền thống với Nho, Phật, Lão làm nòng cốt.
Xuất phát từ mục đích chung là cứu nước, giải phóng dân tộc và canh tân đất nước, cùng và tiếp nối các sĩ phu yêu nước là trí thức Tây học yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX đã được lịch sử giao phó cho nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng trong khi chờ đợi giai cấp vô sản đủ trưởng thành để bước lên vũ đài chính trị. Nhưng do hạn chế thời đại của giai cấp phong kiến cũng như hạn chế bản thân là Nho sĩ nên họ có sự phân hoá thành hai xu hướng khác nhau: bạo động và cải lương, với hai phương thức tiến hành khác nhau để đi tới mục đích chung. Hai xu hướng này cùng song song tồn tại và phát triển trong sự tác động qua lại lẫn nhau, tạo thành một cao trào yêu nước chống Pháp trong những thập niên đầu tiên thế kỷ XX. Như trên đã nói, những năm 20 của thế kỷ XX xuất hiện vai trò quan trọng của các trí thức Tây học yêu nước tiếp tục đẩy cao phong trào đấu tranh theo hệ tư tưởng dân chủ tư sản. Tuy ngắn ngủi nhưng thời đoạn này đánh dấu bước chuyển biến trong lịch sử tư tưởng Việt Nam nói chung và tư tưởng Nguyễn An Ninh nói riêng.
Từ sau thế chiến thứ I, các trí thức tiểu tư sản góp phần rất quan trọng cho sự tiếp tục truyền bá tư tưởng dân chủ tư sản vào Việt Nam, song trong khuynh
hướng tư tưởng dân chủ tư sản của các trí thức Tây học cũng có nhiều màu sắc và cấp độ khác nhau. Theo Trần Văn Giàu, ông phân chia trí thức Tây học thành nhiều bộ phận:
- Có bộ phận, lúc đầu ít nhiều có tinh thần dân tộc song dần đã thỏa hiệp
với thực dân. Họ thuộc xu hướng tư tưởng theo chủ nghĩa quốc gia cải lương, bợ đỡ thực dân, dùng báo chí công khai để tuyên truyền, ca ngợi vô nguyên tắc cho “chủ nghĩa Pháp - Việt đề huề”. Đó là Bùi Quang Chiêu với Đảng Lập hiến, Nguyễn Văn Vĩnh với “Đông Dương tạp chí” và Phạm Quỳnh với “Nam Phong”. Nhóm người đó đã xây dựng cơ sở tư tưởng cho tư sản và địa chủ thân Pháp làm vũ khí đấu tranh ngăn cản đường lối cách mạng vô sản và phong trào giải phóng dân tộc trong thời gian sau năm 1930.
- Chủ nghĩa yêu nước ôn hoà nghiêng về tả với các đại biểu như Huỳnh
Thúc Kháng sau 1927, Nguyễn Kim Đỉnh, Trần Huy Liệu, Nguyễn An Ninh... Hòa vào phong trào yêu nước, những người theo xu hướng tư tưởng ôn hoà bằng tư duy, sự nhạy cảm tinh tế về chính trị và thực tiễn đấu tranh cách mạng Việt Nam từ sau 1930 đã không còn giữ được hình thức chính trị ôn hoà như ban đầu. Điển hình như chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng đã thất vọng trên mặt trận Nghị trường đấu tranh công khai ôn hòa, sau năm 1927 từng nói: “Đến thời đại năm châu, chung chợ sáu giống một nhà như bây giờ thì dân tộc nào mà không biết đến nước thì không có thể tồn tại trên trái đất tranh đua dữ dội này được; ấy là cái lệ chung “giỏi được ươn thua” trong lớp tuồng thiên diễn không có chỗ nào tránh khỏi” [14; 465]. Cuối cùng, họ nghiêng về tả đi theo xu hướng tích cực của hoạt động bạo lực hoặc hướng theo tư tưởng vô sản như trường hợp Nguyễn An Ninh, Trần Huy Liệu. Một bộ phận trong họ sẽ thành lập Việt Nam quốc dân Đảng.
- Về Việt Nam quốc dân Đảng là tổ chức là đại diện tiêu biểu cho khuynh hướng dân chủ tư sản đấu tranh bằng bạo lực trong những năm hai mươi. Họ lấy tư tưởng dân chủ tư sản làm chủ nghĩa, đại diện cho chủ nghĩa dân tộc cách mạng. Tuy tổ chức này chưa có đường lối cách mạng triệt để rõ ràng, nhưng nó có tác dụng
quan trọng trong việc góp phần phát triển ý thức dân tộc, tiếp thu truyền bá tư tưởng tự do, dân chủ vào trong nước. Đồng thời, nó cũng góp phần tuyên truyền, chuẩn bị giác ngộ tư tưởng tiến bộ và cách mạng dân chủ tư sản cho nhân dân.
- Trên nền tảng phong trào dân tộc của trí thức tiểu tư sản, những tư tưởng vô sản có điều kiện xâm nhập vào các tầng lớp nhân dân dẫn đến sự ra đời của các tổ chức cách mạng có tư tưởng tiên tiến nhất trong hai thập kỷ 20-30 của thế kỷ XX: Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Tân Việt cách mạng Đảng. Mặc dù hình thành trong cùng một thời gian, đều dựa trên những tiền đề như nhau nhưng các tổ chức này lại có đường lối và khuynh hướng chính trị khác nhau. Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Tân Việt cách mạng Đảng cuối cùng theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa, là tổ chức tiền thân tạo tiền đề cho sự ra đời của các tổ chức Cộng sản sau này. Nó thuộc ý thức hệ của giai cấp vô sản muốn giải phóng dân tộc ra khỏi áp bức thực dân và tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa. Còn Việt Nam quốc dân Đảng chỉ tồn tại trong 1927-1930, sau nhiều lần thay đổi cương lĩnh điều lệ nhưng đường lối chính trị vẫn không thoát khỏi tư tưởng yêu nước mang tính dân chủ tư sản, không vượt khỏi nội dung tư tưởng của cuộc cách mạng dân chủ tư sản kiểu cũ, là chủ nghĩa dân tộc quốc gia với phương pháp cách mạng bằng con đường bạo động. Thanh niên Cao vọng Đảng của Nguyễn An Ninh sáng lập thì có khuynh hướng tả và sau được chuyển giao cho An Nam Cộng sản Đảng.
Như vậy, trong những năm 20 của thế kỷ XX cùng trong tầng lớp trí thức Tây học ở nước ta có rất nhiều khuynh hướng tư tưởng khác nhau, trong đó nổi lên có sự đóng góp của Nguyễn An Ninh - một người thấm nhuần những tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái của các nhà Khai sáng Pháp cuối cùng đã tiến bộ trong tư tưởng đến với lập trường chủ nghĩa Mác- Lênin hòa vào phong trào yêu nước vô sản.
Từ sự biến đổi của kết cấu kinh tế, sự du nhập và đụng độ của hai nền văn minh Đông Tây, sự đan xen giữa các yếu tố tiêu cực với những yếu tố mới nảy
sinh, sự phân hoá và tác động lẫn nhau của các xu hướng bạo động- cải lương, đổi mới-bảo thủ đã có tác động lớn đến sự hình thành và phát triển tư tưởng của Nguyễn An Ninh. Trong tư tưởng của ông có sự tổng hợp, kết hợp của nhiều dòng: tư tưởng yêu nước truyền thống Việt Nam là độc lập dân tộc và cố kết cộng đồng, tư tưởng nhân văn dân bản phương Đông, tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây, tư tưởng Mác-Lênin. Xuất phát từ một trí thức Tây học yêu nước tiến bộ, Nguyễn An Ninh đã có công góp phần tiếp thu truyền bá tư tưởng dân chủ tư sản và chủ nghĩa Mác vào nước ta ngay đầu thập kỉ 20, điều này tạo nên một sắc thái riêng, vị trí riêng trong tư tưởng của ông.