6. Bố cục của đề tài
2.2.3. Một số nghề tiểu thủ công nghiệp ở huyện Kim Sơn
Tiểu thủ công nghiệp là một trong ba thế mạnh của huyện Kim Sơn. Tuy nhiên, nghề tiểu thủ công nghiệp của huyện vẫn tập trung chủ yếu vào chế biến các mặt hàng từ cói (chiếm 61%), ngành chế biến lương thực, thực phẩm, chế biến hải sản, chế biến gỗ còn chiếm tỷ trọng rất ít.
- Nghề dệt chiếu, mây tre đan
Kim Sơn là vùng có sản lượng cây cói rất lớn, người dân Kim Sơn ngoài thời gian sản xuất nông nghiệp họ còn làm thêm nghề thủ công là dệt chiếu, trước hết là phục vụ cho nhu cầu của gia đình, sau đó là bán ra thị trường để tìm thêm thu nhập. Nghề dệt chiếu ở Kim Sơn rất thịnh hành, vì chất lượng cói tốt, sản phẩm bền và đẹp, nên sản phẩm chiếu của Kim Sơn được nhiều người ưa chuộng. Vì có nguồn nguyên liệu tại chỗ, nên việc lựa chọn những loại cói tốt, vừa đủ độ dai, dẻo, sáng bóng đã giúp cho những sản phẩm chiếu cói ở Kim Sơn có nét riêng biệt làm hài lòng người tiêu dùng. Người dệt chiếu ở Kim Sơn rất nhạy bén, bắt kịp theo nhu cầu của thị trường, cải tiến mẫu mã, dệt chiếu theo đơn đặt hàng, giao hàng tận nơi, đảm bảo uy
tín, chất lượng. Sản phẩm chiếu của Kim Sơn ngoài tiêu thụ ở thị trường trong nước thì còn được tiêu thụ ở thị trường Đông Âu, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn
Quốc…Sản phẩm chiếu ở Kim Sơn chủ yếu là chiếu xe đan, chiếu táp bi,
chiếu in…
Ngoài nghề dệt chiếu, thì việc đan lát các vật dụng cần thiết cho sinh
hoạt và sản xuất nông nghiệp như: thúng, mủng, nong, nia, dần, sàng, cót,
sọt...cũng mang lại thu nhập đáng kể cho nhiều hộ gia đình. Các sản phẩm
trên chỉ trao đổi ở chợ làng, chợ huyện, nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Giai đoạn mới (1986 - 2012) các sản phẩm tết bện từ cói, rơm rạ, tre, nứa lại được thị trường Nhật Bản nhập khẩu nên được phát triển mạnh, đưa lại thu nhập cao cho người lao động.
Nghề dệt chiếu và một số nghề đan lát đã giải quyết việc làm cho một lượng lao động của huyện lúc nông nhàn, tăng thêm thu nhập cho nhân dân, cải thiện cuộc sống. Nghề dệt chiếu ở Kim Sơn hiện nay phát triển ở mức độ cao hơn, nhiều doanh nghiệp sản xuất chiếu được thành lập, nhiều hộ dân dần chuyển sang tập trung vào nghề không làm thêm nông nghiệp, hình thành các làng nghề chuyên dệt chiếu như làng nghề chiếu Kim Chính, Yên Mật, Đồng Hướng.
- Nghề thủ công mỹ nghệ
Hầu hết thời gian nông nhàn người nông dân ở đây sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đặt hàng. Mỗi lao động có thể làm từ 4 đến 8 sản phẩm một ngày chủ yếu là các sản phẩm đan lát, tết bện đã có khuôn mẫu sẵn. Việc sản xuất theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp đã làm cho thu nhập của nhiều hộ dân tăng lên, với thu nhập bình quân đầu người khoảng từ 30 – 50 ngàn đồng/ngày. Nghề thủ công mỹ
nghệ ở Kim Sơn đã tạo những sản phẩm làm từ cói như khay, làn, hộp, đĩa,
cạnh đó người thợ thủ công đã sáng tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ
đẹp phục vụ nhu cầu của phái nữ như đan giày, mũ, túi xách. Các doanh
nghiệp ở đây còn nhận đặt hàng và mẫu mã từ nước ngoài như Đài Loan, Singapo, Hàn Quốc, Trung Quốc. Hiện nay, ngoài những sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ cói, ở địa bàn huyện còn làm thêm nhiều sản phẩm thủ công từ cây bèo tây (cây lục bình) là nguồn nguyên liệu có sẵn ở địa phương, với các tính năng dai, dẻo, bền, dễ tạo hình. Với các sản phẩm có giá trị thẩm mỹ cao như hộp, làn, lẵng, hộp đèn trang trí.
Cùng với nghề dệt chiếu, nghề thủ công mỹ nghệ từ cói đã làm tăng thu nhập cho người dân Kim Sơn, cải thiện đời sống cho nhân dân. Tuy vậy, nghề thủ công mỹ nghệ ở Kim Sơn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của huyện, với nguồn nguyên liệu dồi dào, tay nghề thợ thủ công tốt và bản chất cần cù, chăm chỉ, thông minh, ham học hỏi của người Kim Sơn. Nghề thủ công mỹ nghệ phải phát triển cao hơn nữa, thường xuyên cải tiến mẫu mã, vươn ra thị trường quốc tế, không chỉ ở thị trường truyền thống mà phải tìm kiếm thị trường mới, tiềm năng như thị trường Tây Âu, Mỹ, Nhật Bản…
- Nghề chế biến lương thực, thực phẩm
Kim Sơn là một huyện thuần nông với diện tích đất nông nghiệp lớn, đất đai màu mỡ, năng suất lúa luôn ở mức cao và là vùng sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh Ninh Bình. Thế nhưng nghề chế biến nông sản ở Kim Sơn còn phát triển chậm, chưa có nhiều cơ sở sản xuất, thiết bị, máy móc phục vụ cho chế biến nông sản còn lạc hậu. Ở đây mới chỉ có một số xí nghiệp xay xát gạo với quy mô nhỏ. Ngành chế biến lương thực, thực phẩm chỉ chiếm 13,9% giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp của huyện.
Ngoài ra, ở đây còn có nhiều hộ gia đình chế biến thuỷ hải sản như làm mắm tôm, mắm tép, làm nước mắm, sơ chế tép khô, cá khô. Nguồn nguyên liệu thuỷ sản ở Kim Sơn rất phong phú, nhưng là một nghề đòi hỏi phải mất
nhiều thời gian mới cho ra được thành phẩm, các công đoạn chế biến phức tạp. Vì thế nó chưa được phát triển nhiều, chỉ có một vài cơ sở sản xuất ở vùng Kim Tân, Kim Hải là những vùng ven biển sản xuất thuỷ hải sản.
- Nghề nấu rượu
Nghề nấu rượu ở Kim Sơn rất phổ biến, hầu như gia đình nào cũng biết nấu rượu. Người dân ở đây thường tự nấu rượu mỗi khi gia đình có việc đình đám. Rượu Kim Sơn nổi tiếng bởi được chưng cất từ gạo nếp, men ủ là loại men làm từ thuốc Bắc, nguồn nước dùng để chưng cất là nước mưa, hoặc nước giếng khơi rất trong mát. Mỗi gia đình đều có bí quyết nấu rượu khác nhau, nhưng chất lượng thì phải luôn đảm bảo, nồng độ của rượu phải đạt từ 35 đến 45 độ, mầu rượu nhìn trong suốt như nước mưa, không vẩn đục. Rượu Kim Sơn uống vào cảm thấy rất thơm, êm dịu, không có cảm giác đau đầu, chóng mặt khi uống một lượng nhiều như một số rượu ở vùng khác. Trong giai đoạn đổi mới rượu Kim Sơn được một số người dân di cư vào Nam đưa đi giới thiệu và bán sản phẩm, nhiều đơn đặt hàng với số lượng lớn được ký kết, nhiều hộ gia đình đã tập trung chuyên nấu rượu đề cung cấp cho thương lái đưa đi các nơi tiêu thụ. Nhiều khách du lịch khi về Kim Sơn cũng muốn mua cho mình một ít rượu Kim Sơn làm quà bởi độ thơm, dịu êm của rượu nơi đây.
- Nghề chế biến gỗ
Ở Kim Sơn nghề chế biến gỗ chủ yếu phát triển nghề mộc, chuyên đóng bàn ghế, giường, tủ, cánh cửa hoặc đi sửa chữa một số vật dụng trong gia đình. Ngoài ra người thợ ở đây còn làm các nông cụ bằng gỗ, xẻ gỗ bán sang các làng làm mộc ở các vùng lân cận. Hiện nay nghề mộc trên địa bàn huyện Kim Sơn vẫn còn duy trì nhưng với số lượng cơ sở sản xuất ít, bình quân mỗi xã còn khoảng từ 3 đến 5 hộ sản xuất gỗ với quy mô lớn. Sản phẩm chủ yếu vẫn là giường, tủ, bàn ghế, cánh cửa… đa số các sản phẩm này được tiêu thụ trên địa bàn huyện.