Cảm hứng trong thơ

Một phần của tài liệu Cảm hứng và chất liệu tôn giáo trong thơ Hàn Mặc Tử và Huy Cận (Trang 28)

5. Kết cấu của luận văn

2.2.1. Cảm hứng trong thơ

Cảm hứng là một trạng thái tâm lý đặc biệt của con người khi sức chú ý tập trung cao độ, kết hợp với cảm xúc mãnh liệt tạo điều kiện để óc tưởng tượng hoạt động sáng tạo, tích cực. Giây phút cảm hứng là giây phút toàn bộ tiềm lực tâm lý – tinh thần, sức sống bên trong đã tích tụ của con người được huy động triệt để với tất cả nội dung phong phú và tính tổng thể toàn vẹn của nó. Bất kỳ ngành nghệ thuật nào cũng đều cần có cảm hứng. Cảm hứng là ngọn nguồn của mọi sáng tạo nghệ thuật, là một trong những yếu tố quyết định để người nghệ sỹ cho ra một tác phẩm. Đối với những người làm công tác nghệ thuật nói chung, cảm hứng là một trạng thái hưng phấn cao độ của nhà nghệ sỹ do việc chiếm lĩnh được bản chất đối tượng mà họ phản ánh. Khi ấy tia chớp sáng tạo sẽ làm

bùng cháy những chất liệu hiện thực, đó cũng chính là giây phút quyết định số phận tác phẩm.

Trong văn học, sáng tác văn xuôi cũng cần có cảm hứng nhưng đó là thứ cảm hứng xuất hiện trong một sự cân bằng giữa những rung động của trái tim và suy tư của trí tuệ. Đặc biệt, có những nhà văn bắt đầu sáng tác bằng sự tỉnh táo của lý trí rồi cảm hứng của tâm hồn dần xuất hiện sau đó. Gôgôn nhà văn lớn của Nga có nói: “Những người viết không thể ngừng bút viết được cũng như những người vẽ không thể ngừng bút vẽ được. Tuy viết gì thì viết, mỗi ngày đều phải viết. Cứ gay gắt là bàn tay phải tuyệt đối phục tùng tư tưởng” [24, tr.49].

Xtangdan, trong một đoạn du hý viết ở Italia năm 1804: “Tôi cưỡng bức mình để viết, mặc dù tôi không muốn viết, thậm chí đối với bữa sáng cũng cảm thấy đau đầu. Nhưng cuối cùng tôi đã viết ra một đoạn kịch xuất sắc mà bất cứ lúc nào cũng đòi hỏi tôi phải viết, đó là màn một, cảnh thứ 3, do đó tôi đã có kết luận: cứ quất vào mình mỗi ngày mà viết” [24, tr.49].

Như vậy, trong quá trình cho ra đời một tác phẩm văn xuôi, trái tim nhà văn không phải bao giờ cũng duy trì liên tục trạng thái trào dâng của cảm hứng sáng tạo.

Cảm hứng trong thơ là cảm hứng sáng tạo nghệ thuật ở giây phút hứng khởi mãnh liệt nhất, đó là thời điểm mà Hoàng Trung Thông nói: “ Sức sống bên trong đã tích tụ, ấp ủ lên men sáng tạo, thời điểm mà ngọn lửa thơ ca bùng cháy” [24, tr.49]. Nghĩa là tác phẩm thường ra đời một cách tức thì, bất ngờ, không định trước, khi cảm hứng xuất hiện. Tuy vậy, vẫn có những bài thơ được viết bằng ý chí, bằng suy tư trí tuệ thuần tuý mà không có, không cần cảm hứng, nhưng ít khi thành công và càng không thể trở thành kiệt tác.

Sự xuất hiện của cảm hứng thơ tưởng như là ngẫu nhiên, nhưng thực ra, sự ngẫu nhiên đó lại hàm ẩn một lý do tất yếu bên trong. Nicôlai Ôxtơrôpxki, người viết Thép đã tôi thế đấy nói: “Tôi chỉ tin một điều rằng cảm hứng được sản sinh ra từ trong lao động. Nhà văn cũng nên như kiến nghị của tôi: thành thực công tác, vô luận thời tiết như thế nào, vì lao động đó là thầy thuốc tốt nhất cho mọi cảm hứng” [24, tr.49].

Như vậy, với bất cứ ngành nghệ thuật nào, đặc biệt là với văn học, với thơ thì cảm hứng cũng phải xuất phát từ kết quả của quá trình lao động trí tuệ,

tích luỹ tình cảm hàng ngày. Bông hoa cảm hứng ngỡ như là nở ngẫu nhiên , nhưng thực ra nó là kết quả tất yếu của quá trình cây tâm hồn nhà thơ cắm rễ sâu vào mảnh đất đời sống, đón nắng, đón mưa của thời đại qua bao ngày tháng. Quá trình sức sống bên trong đã tích tụ, ấp ủ ấy là quá trình chuẩn bị âm thầm đợi đến một ngày “lên men sáng tạo” để người nghệ sỹ sản sinh ra những tác phẩm nghệ thuật đích thực.

Nói về cảm hứng và cảm xúc trong thơ, Hoàng Trung Thông có viết: “Cảm hứng là một sự nhất thời nhưng cũng rất lâu bền”. Nhất thời là khi mới nghe, nhìn thì xúc động, một lúc sau có thể sẽ nguội lạnh. Lâu bền là khi những cảm hứng ấy nó đã trở thành nếp cảm xuất phát tự bản thân của nhà thơ. Chỉ cần bắt gặp tín hiệu từ đâu đó ngoài kia bất chợt vỗ vào tâm hồn thường trực ấy thì nhà thơ sẽ ở trong “tâm trạng nhiệt hứng”.

Cảm hứng nghệ thuật chân chính bao giờ cũng xuất phát từ đời sống chân chính, phải “sống hết mình” với cuộc sống thiên nhiên, cuộc sống con người, lao động sản xuất và tư tưởng tình cảm thì mới có được cảm hứng mãnh liệt, sâu sắc và chân thật. Tuy nhiên, cảm hứng tự nó chưa phải là tác phẩm, mà còn phải nhờ vào tài năng của nhà nghệ sỹ: “Biết rút ra cả từ trong một khối kiến thức và ấn tượng những sự việc, những hình tượng, những chi tiết đập vào tâm trí người nhất và phú cho chúng những lời hết sức chính xác, rực rỡ, truyền cảm” (M. Gorki) [22, tr.30].

Những cảm xúc mãnh liệt thể hiện sự nồng cháy trong lòng đã như “một phép màu thiêu đốt những gì người nghệ sỹ đã lấy ở cuộc sống để rồi đem trả lại cho cuộc sống hình ảnh của cuộc sống nhiều lần chân thật hơn cuộc sống” [22, tr.30].

Cảm hứng đưa người làm thơ đến với thơ và rung động thơ thật sự, nhưng người nghệ sỹ không chỉ rung động với mình mà còn phải truyền sự rung động đó đến với người đọc. Nói cảm hứng phải chân thực là bởi vì chỉ có tiếng hát chân thực của trái tim mới tìm được con đường nhanh nhất đến trái tim độc giả mà thôi.

Một phần của tài liệu Cảm hứng và chất liệu tôn giáo trong thơ Hàn Mặc Tử và Huy Cận (Trang 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(73 trang)