Để luật thuế TNDN cũng như chính sách ưu đãi thuế TNDN thể hiện được tốt vai trò của mình đối với nền kinh tế cũng như đối với xã hội, chúnh ta cần xác định rõ vai trò chính của chúng trong từng thời kì cũng như từng giai đoạn phát triển của đất nước và chỉ chú tâm vào các vai trò chính này, không ôm đòn nhiều mục tiêu quá làm cho luật thuế TNDN cũng như chính sách ưu đãi thuê TNDN trở nên quá phức tạp dàn trải và chồng chéo với nhiều luật khác. Muốn vậy cần phải:
- Đơn giản hóa thủ tục cấp ưu đãi thuế TNDN. Nhưng đơn giản là để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn khi được ưu đãi, tránh việc do thủ tục rắc rối không thu hút
được đầu tư, gọi là ưu đãi mà thực ra chẳng ưu đãi được gì. Điều đó không có nghĩa là đơn giản đến mức dễ dãi, để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp “xỏ mũi”. Thậm chí xuất hiện một lo sợ rằng nếu đơn giản quá về thủ tục các doanh nghiệp sẽ đăng kí rất nhiều, thậm chí chia nhỏ dự án đầu tư ra để đòi quyền ưu đãi thuế thu nhập. Như vậy thì các doanh nghiệp sẽ mãi là vừa và nhỏ, không có sự đầu tư về chất xám công nghệ để nâng cao tầm vóc của mình mà chỉ quanh quẩn với mấy dự án đầu tư bé nhỏ để chờ ưu đãi.
- Việc ưu đãi thuế đối với các KCN, khu kinh tế và các trường hợp đặc biệt khuyến khích đầu tư vẫn được ưu đãi như trước, nhưng cách làm sẽ được minh bạch hơn. Các vấn đề ưu đãi của Luật thuế TNDN liên quan đến hoạt động xuất khẩu, trái với quy định của WTO cũng được bãi bỏ và sắp xếp lại cho phù hợp. Các khoản ưu đãi mang tính chất trợ cấp xuất khẩu (ưu đãi bổ sung về thuế TNDN gắn với thành tích xuất khẩu, hoặc khuyến khích sử dụng trong nước...) đều được bãi bỏ. Cần rà soát lại những nội dung về chính sách ưu đãi trong thuế TNDN với các luật liên quan.
- Thực tiễn nước ta trong thời gian vừa qua cũng như kinh nghiệm của các nước cho thấy: mặc dù chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam có mức ưu đãi hấp dẫn hơn so với nhiều nước nhưng nếu như không sửa đổi để thu hút đầu tư có lựa chọn thì hiệu quả thu hút đầu tư trong nước cũng như nước ngoài để khuyến khích phát triển nền kinh tế sẽ rất khó có thể đạt được theo định hướng của Nhà nước. Để tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong việc hưởng ưu đãi đầu tư và thực hiện cơ chế tự tính, tự khai, tư nộp cần thiết phải nghiên cứu, sửa đổi các quy định về ưu đãi thuế thu nhập DN đảm bảo tránh phức tạp và dàn trải theo hướng: Có cơ chế ưu đãi minh bạch, thiết thực, phù hợp với xu thế chung về cải cách thuế của các nước trên thế giới ; chuyển từ ưu đãi theo diện hẹp (miễn, giảm thuế) sang cơ chế hạ mức thuế suất phổ thông. Do vậy, tôi hoàn toàn đồng tình với việc hạ thuế suất từ 28% xuống 25% như quốc hội đã quyết định, cũng như những chính sách ưu đãi thuế TNDN mới đã được thông qua và sẽ được ban hành vào đầu năm 2009 (xem phụ lục 5) để khuyến khích cả nền kinh tế, đồng thời sắp xếp lại ưu đãi (miễn, giảm thuế) tập trung vào một số lĩnh vực mũi nhọn và địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Các ưu đãi nhằm thực hiện các mục tiêu xã hội như: miễn thuế cho phần thu nhập từ hoạt động kinh doanh dành riêng cho người tàn tật, từ hoạt động dạy nghề dành riêng cho
người tàn tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng tệ nạn xã hội, từ hoạt động dạy nghề cho người dân tộc thiểu số; giảm thuế cho doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người dân tộc thiểu số. Việc bỏ bớt các ưu đãi này sẽ giúp thực sự đơn giản, đồng thời, tránh việc lợi dụng để trốn hoặc tránh thuế. Tất nhiên, cùng với việc thực hiện đề xuất này, cần chuyển việc thực hiện chính sách ưu đãi, giúp đỡ các đối tượng này sang các hoạt động khác của Nhà nước như chi ngân sách, tín dụng ưu đãi…
- Qua tham khảo các nước trong khu vực và trên thế giới cho thấy xu hướng gần đây của các nước đã chuyển từ ưu đãi theo ngành sang ưu đãi theo diện rộng, khuyến khích tổng thể nền kinh tế bằng chính sách điều tiết thuế TNDN hợp lý, thu hẹp phạm vi ngành và chỉ tập trung cho rất ít ngành mũi nhọn và vùng đặc biệt khó khăn. Ví dụ, Trung Quốc đã hạ thuế suất 33% xuống còn 25% đồng thời với việc xoá bỏ (theo lộ trình 5 năm) hầu hết các ưu đãi thuế, kể cả ưu đãi đối với FDI đã cấp trước đây. Về lĩnh vực, Trung quốc chỉ còn ưu tiên cho DN có công nghệ cao đồng thời là công nghệ mới nhưng họ dành ưu đãi thuế cho các DN đầu tư vào các vùng tự trị và khó khăn ở phía Tây.
- Đồng thời theo kinh nghiệm quốc tế cho thấy các chính sách về ưu đãi đầu tư cần phải: i) được lựa chọn ở mức độ vừa phải và được xây dựng một cách thận trọng; ii) dựa trên cơ sở hiệu quả; iii) được thiết kế càng đơn giản và càng rõ ràng càng tốt; iv) việc thi hành được dự trên các quy tắc chứ không dựa trên các quyết định mang tính tùy nghi; và v) phải được thực thi một cách công bằng và minh bạch. Chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam cần phải hoàn thiện hơn nữa để đáp ứng được được những tiêu chí này.
- Một trường hợp khác là tại một số tỉnh cũng xuất hiện một số hiện tượng “xé rào” trong ưu đãi như Tỉnh Bình Định quy định: Dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch sẽ được ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% thuế TNDN những năm đầu thực hiện dự án, hỗ trợ 50% thuế TNDN 3-30 năm; với dự án đầu tư nước ngoài: hỗ trợ 100% tiền thuê đất 3-30 năm. Bình Thuận dùng ngân sách hỗ trợ tái đầu tư 50% thuế TNDN mà DN phải nộp trong 2-10 năm. Tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Nghệ An, Thanh Hoá, Lào Cai, UBND tỉnh đều dùng ngân sách hỗ trợ DN thông qua thuế TNDN. Theo các chuyên gia kinh tế, tình trạng “tiền trảm hậu tấu” kiểu này diễn ra từ những năm 1999, đã được chấn chỉnh, nhưng vài năm gần đây lại tái diễn. Xét cho cùng, những sự linh hoạt trên là cần thiết, bởi vì mỗi vùng, mỗi địa
phương trong nước ta có những điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau, do đó, nếu cùng áp dụng một nội dung ưu đãi như nhau sẽ gây nhiều khó khăn và thiếu công bằng trong việc thực hiện thu hút đầu tư. Chính vì thế mà một số địa phương đã tự tạo ra hướng đi cho mình nhằm phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Có linh hoạt trong ưu đãi thì mới thu hút được đầu tư vào những vùng khó khăn. Còn những nơi có điều kiện tốt, ví như KCN Quang Minh ( Tỉnh Vĩnh Phúc) thì thu thêm phí, DN vẫn đầu tư nhiều. Tuy nhiên, việc các địa phương “xé rào” trong chính sách ưu đãi cũng đã thể hiện rõ một hiện trạng là thực tiễn đã đi trước luật, chính sách luật hiện tại không đáp ứng được với nhu cầu cũng như thực tiễn phát triển của kinh tế - xã hội.
Do vậy, trong thời gian tới nên nghiên cứu thí điểm phân cấp cho địa phương cấp tỉnh trong việc định chính sách ưu đãi thuế TNDN trên cơ sở TW qui định sàn thuế suất ưu đãi; thời hạn và mức ưu đãi tối đa.
Đây là một sự phát triển tất yếu khi mà các địa phương có nhu cầu tự mình chủ động trong việc thu hút đầu tư chứ không ngồi chờ cấp trên đưa xuống hay các nhà đầu tư chủ động tìm đến. Cũng như một số nước phát triển khác, chẳng hạn như nước Mỹ, tuy đã có một bộ luật chung cho cả nước nhưng mỗi bang vẫn có những luật riêng của mình. Và các bang này vừa áp dụng luật riêng của bang mình vừa áp dụng luật chung của cả nước. Tuy nhiên, muốn phân cấp như vậy thì cần phải có một bộ máy nhà nước có trình độ quản lý rất cao mới có thể hướng dẫn và kiểm soát được tình hình thực hiện. Với hiện trạng chất lượng quản lý của bộ máy công quyền còn yếu, thêm vào đó là sự tùy tiện, lạm quyền của công chức thì nếu không cẩn thận áp dụng có thể không những không thu hút được đàu tư mà còn làm cho nhà đầu tư tránh xa vì thủ tục chồng chéo, luật không nhất quán, cán bộ hướng dẫn thì không rõ ràng; hoặc dẫn đến tình trạng cạnh tranh giữa các địa phương dựa trên hạ thuế suất ưu đãi và kéo dài thời gian ưu đãi làm ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế - xã hội. Nhưng muốn đổi mới bộ máy công quyền đòi hỏi phải có thời gian khá dài và cần tới những chính sách quyết liệt hơn.