Theo số liệu thống kê, trước 1945, ở Nhật Bản chỉ có 43 tổ chức tôn giáo được nhà nước công nhận, trong đó có 12 tổ chức Thần đạo, 20 tổ chức Phật giáo, 2 tổ chức Kitô giáo. Đến năm 1949, số các tổ chức tôn giáo đã tăng lên gấp 10 lần, tức là 430 tổ chức [20, tr.76]. Đáng chú ý là sự phát triển của các tôn giáo mới ở Nhật Bản từ sau chiến tranh không phải một chiều mà có
những bước thăng trầm khá đặc biệt. Theo các kết quả nghiên cứu cho thấy mặc dù các tôn giáo mới nở rộ sau chiến tranh, nhưng bước vào những năm 1970 chúng có vẻ như chững lại, có học giả cho rằng vào lúc đó các tôn giáo mới đã đạt đến mức bão hoà sau khoảng 25 năm. Điển hình là Soka Gakkai đã có được 7,5 vạn gia đình thành viên vào năm 1970 nhưng sau đó tốc độ tăng giảm nhanh chóng. Trường hợp của Reiyukai, Sekai Kyuseikyo, Seicho no Ie , P.L.Kyodan và Risho Koseikai tuy không có những số liệu thống kê về lượng tín đồ song rõ ràng là có sự tăng trưởng rất chậm, thậm chí không tăng. Một số nhóm khác còn bị mất đi thành viên của mình. Tuy nhiên, bên cạnh đó lại có những giáo phái mới phát triển rất mạnh mẽ bắt đầu cũng từ những năm 1970. Khi phân tích hiện tượng mới này các học giả thường lấy giáo phái Shinnyo-en làm ví dụ. Năm 1965 lượng thành viên chính thức của nhóm này có gần 125 ngàn. Tuy nhiên năm 1975 con số này tăng lên đến 300 ngàn, năm 1985 là 2.596 ngàn (Năm 2004 giáo phái này chỉ còn 806.753 tín đồ) [20,tr.85]. Người ta còn thấy rằng còn có nhiều nhóm khác cũng phát triển nhanh như Shinnyo-en, mặc dù về quy mô thì không bằng, đó là các nhóm như Seikai Mahikari Bunmei Kyodan vốn tách ra từ Shukyo Mihikari năm 1978, Agonshu, Oyama Nezu no Mikoto Shinji Kyokai, Reiha no Hikari Kyokai, Kofuku no Kagaku …Có một số vốn có nguồn gốc từ nước ngoài nhưng khi truyền vào Nhật Bản thì phát triển nhanh như “Hiệp hội tinh thần thiêng liêng vì sự thống nhất thế giới Thiên chúa” (Sekai Kirisutokyo Toistu Shinrei Kyokai) và Chứng nhân Jehovah (Jehovah Witness). Vào khoảng cuối những năm 1970 và đầu 1980 các học giả và các nhà báo đã bắt đầu phân biệt các giáo phái loại này với các giáo phái tôn giáo mới nhưng đã chững lại trong quá trình phát triển và còn gọi chúng là những tân tân giáo. Khái niệm tân tân giáo được một số học giả và nhà báo sử dụng từ những năm từ 1970 ở Nhật Bản để chỉ một giai đoạn mới hay một thời kỳ mới trong sự phát triển
của các tôn giáo mới mặc dù các ý kiến vẫn chưa thống nhất xem liệu quan niệm như vậy có phù hợp với đặc tính của các phong trào tôn giáo mới giai đoạn vừa qua hay không. Trong khi quan niệm về tân tân giáo còn chưa được công nhận rộng rãi thì người ta cũng có thể dễ dàng nhận ra những yếu tố hợp lí đang xuất hiện đằng sau những quan niệm như vậy. Trước hết là một số giáo phái mới đã tăng lượng tín đồ của mình một cách đột biến vào những năm 1970 và có sự thăng tiến về hoạt động và giáo lí làm cho chúng có sự khác biệt trong phạm vi lịch sử các nhóm tôn giáo nói chung. Thông thường, các nhóm tôn giáo này thường đặc trưng và nhấn mạnh vào yếu tố tâm linh và các hiện tượng mang tính thông linh học. Những giáo phái như vậy phải kể đến Sekai Mahikari Bunmei Kyodan; Sukyo Mahikari; Suhikari Koha Sekai Shindan, Agonshu; Shinnyo-en; Reiha no Hikari Kyokai; and Oyamanezu no Mikoto Shinji Kyokai. Phần lớn trong nhóm các giáo phái này đều thể hiện khả năng thu hút những thành viên tương đối trẻ và tăng lượng tín đồ nhanh đột biến trong thời gian ngắn, mặc dù sau đó thì chững lại và suy giảm.
Có vẻ như các nhà nghiên cứu Nhật Bản hầu hết đều không coi các nhóm này giống nhau về chất trong bối cảnh tôn giáo mới nói chung vì các yếu tố tâm linh, ma thuật, huyền bí cũng đã từng xuất hiện vào khoảng cuối thời Minh Trị (1868-1912) cho đến tận thời Taisho (1912-1926). Chính vì vậy mà thuật ngữ tân tân giáo mặc dù được các nhà báo sử dụng khá nhiều, song sự phân biệt giữa “tôn giáo mới” và “tân tân giáo” vẫn là không đủ để phân biệt các loại của phong trào tôn giáo mới trên cơ sở các yếu tố xã hội góp phần vào sự xuất hiện của chúng. Trái lại, cần có nhiều công trình được khảo sát thận trọng quá trình thực tế dẫn đến sự phát triển của các tôn giáo mới.
Đồng thời kể từ những năm 1970 trở đi, công nghệ thông tin, nhất là truyền thông và truyền hình phát triển mạnh mẽ với trình độ cao hơn, các giáo phái tân tân giáo đã chớp lấy thời cơ để biến chúng thành phương tiện quảng
bá, lôi kéo tín đồ thông qua hệ thống truyền thông. Tuy nhiên, cũng có một số lí do để thấy rằng việc tham gia các hoạt động tân tân giáo trong nhiều năm cuối thế kỷ XX có xu hướng giảm và điều này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nữa để có sự lí giải thỏa đáng. Rõ ràng với tác động của cuộc cách mạng về thông tin cùng sự trưởng thành và chuyển biến tất yếu của các tôn giáo mới làm cho sự xuất hiện của khái niệm tân tân giáo là điều có thể hiểu được. Một ví dụ điển hình là các tôn giáo mới đã sử dụng phương tiện thông tin đại chúng mới như tăng cường phát hành các tài liệu truyền bá giáo lí của giáo phái mình thông qua các băng video, các sách truyện tranh manga. Một số nhóm có điều kiện hơn thì sản xuất các băng đĩa, sao băng video và coi đó như những phương tiện trung gian để đưa giáo điều của mình tới các tín đồ. Giáo phái A hàm tông (阿含宗- Agonshu) còn sử dụng cả liên lạc qua vệ tinh
như những phương tiện truyền hình quảng bá các nghi lễ tới các tín đồ trên một phạm vi rộng lớn.
Tôn giáo mới tuyên truyền tiểu sử những nhà sáng lập giáo phái và các giáo huấn của họ thông qua truyện tranh manga, họ đã tận dụng lợi thế bằng hình ảnh tranh vẽ kết hợp với lời thoại ngắn gọn, hàm xúc để tuyên truyền trong tầng lớp trẻ, khắc phục được sự đơn điệu và nhàm chán của việc đọc, nhất là đọc những từ Hán-Nhật. Khuynh hướng kết hợp truyện tranh với băng video phim hoạt hình ngày càng thể hiện xu hướng tăng. Mặc dù vậy, điều này không có ý cho rằng các ấn phẩm truyền thống là có chiều hương suy giảm tác dụng. Các ấn phẩm vẫn được sử dụng trong việc tuyên truyền giáo lí và quảng bá thu hút tín đồ của các giáo phái nhưng đôi khi hình dung về quy mô tín đồ của một giáo phái thông qua số lượng sách trên giá thường lớn hơn lượng có trong thực tế. Việc quảng cáo tên tuổi của giáo phái qua các xuất bản phẩm như tạp chí, báo cũng làm tăng thêm sự công nhận của mọi người
về sự tồn tại của giáo phái. Hoạt động của giáo phái Khoa học hạnh phúc
(Kofuku Kagaku) là một minh chứng như vậy [33, tr. 35].
Một trong những đặc tính ấn tượng nhất trong thời đại thông tin của chúng ta là việc tăng cường chiến thuật quảng cáo giống như kiểu “xây dựng hình ảnh công ty” trong phạm vi rộng rãi các tổ chức và phong trào. Trong khi đã có một số nhóm, tổ chức tôn giáo mới Nhật Bản đã cố xuất hiện như là các sự kiện nhằm hướng vào thỏa mãn nhu cầu giải trí của quần chúng nhưng cũng chưa thấy xuất hiện những “nhân vật thần thánh trên tivi” như đã có ở Mỹ. Điều này cho thấy người dân Nhật Bản cũng có tâm lí, phản ứng tiêu cực đối với việc sử dụng truyền thông với tư cách là phương tiện truyền bá, cải đạo của tôn giáo mới.
Tương tự như vậy, rõ ràng là những nỗ lực cải đạo đại chúng ở Nhật Bản chưa bao giờ có hiệu quả. Trong lịch sử, Kitô giáo với tất cả những nỗ lực và ưu thế vốn có của một tôn giáo gắn liền với công cuộc tìm kiếm văn minh phương Tây, nhưng qua hơn 4 thế kỷ, nay cũng chỉ thu thập được một lượng tín đồ khiêm tốn khoảng 1% dân số Nhật Bản. Chính vì vậy, truyền thông hiện đại có xu hướng được sử dụng để truyền phát những thông điệp cho những người đã cải đạo hoặc cho việc tiếp cận những người quen và thân nhân của các tín đồ.
Mặc dù có một số nhà báo phàn nàn rằng những người trẻ tuổi hiện nay quan tâm tới tôn giáo mới nhiều hơn các giai đoạn trước. Nhưng nhiều nhà nghiên cứu thì cho rằng sự đánh giá này có thể là kết quả của sự phân tích thực tế tình hình không đầy đủ. Trong khi một số thanh niên trẻ quả thật đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến tôn giáo mới và có nhiều người đã tham gia vào các nhóm như vậy, thực tế của sự phổ biến riêng nó không phải là điều đáng chú ý đặc biệt. Nhiều thanh niên trẻ đã tham gia Soka Gakkai vào những năm 1950 và 1960, và tỉ lệ thanh niên trong Soka Gakkai khá cao nhưng sau
này thì không phải là như vậy. Tóm lại chỉ có thể nhận thấy một điều chính xác là những người trẻ tuổi thường tham gia vào các tổ chức tôn giáo mới, nhưng chỉ đông đảo vào lúc ban đầu hơn là khi tổ chức đã trưởng thành, còn việc coi hiện tượng thanh niên trong những thập niên 1990 tham gia vào các tổ chức tôn giáo mới đông hơn trước kia là không có căn cứ vững chắc.
Mặt khác, nhiều nghiên cứu về hiện tượng tôn giáo mới giai đoạn những năm 1980, 1990 cũng cho thấy có không ít thanh niên không thích hoặc tránh tiếp xúc với các tôn giáo mới. Họ cảm thấy hoạt động của tôn giáo mới là cái gì đó đáng ngờ và có tính nguy hiểm. Điều đáng lưu ý là tầng lớp thanh niên vẫn thường bị lôi cuốn bởi cái mới, nhất là các hiện tưọng siêu nhiên, huyền bí. Tỉ lệ những người trẻ tuổi tin vào cuộc sống sau khi chết, tin vào việc tồn tại một tinh thần thế giới… thực sự đã có chiều hướng tăng lên trong những năm từ những thập niên cuối cùng của thế kỷ XX. Nhiều tạp chí và các sách báo thường kỳ đã có những chuyên san dành riêng cho chủ đề như vậy trong những năm 1990. Thế hệ trẻ đã thể hiện sự quan tâm khá sâu sắc đến những bộ phim miêu tả về thế giới sau khi chết, những biểu diễn phép thuật hoặc các hiện tượng tâm linh huyền bí. Mặc dù những sở thích đó không đủ và ngay lập tức liên hệ với sở thích tôn giáo mới song nhiều tổ chức tôn giáo mới đã nắm lấy tâm lí đó để tích cực đưa những yếu tố mà thanh niên ưa thích vào trong các hoạt động của mình. Ví dụ, Kuroda Minoru đã xây dựng giáo huấn của ông ta với việc nhấn mạnh đến những hiện tượng huyền bí, kết cục là nhiều thiếu nữ độ tuổi trung học cơ sở đã bị lối cuốn tìm đến hi vọng các giải pháp cho bản thân. Đáp ứng với thực tế đó, nhiều học giả đã cho rằng ngày nay, tầng lớp trẻ ít quan tâm đến các tôn giáo chính thống hơn là các hiện tượng huyền bí, ma thuật. Nhận định cho rằng có một sự bùng nổ tôn giáo mới thứ ba, thứ tư đã trở nên khá phổ biến vào giai đoạn những năm cuối 1970. Tuy nhiên, những người sử dụng chúng hầu hết là những người làm
công tác báo chí, truyền thông và hầu hết họ không phân tích các khía cạnh một cách thấu đáo và có những bằng chứng đủ độ tin cậy. Thực ra điều này chỉ chính xác một phần khi cho rằng sự bùng nổ tôn giáo mới diễn ra vào khoảng giữa những năm 1970. Chắc chắn là các tôn giáo mới đã đạt được một lượng tín đồ rộng lớn và một số tôn giáo mới đã thể hiện những cung cách hoạt động mới. Tuy nhiên, liệu đó đã phải là sự “bùng nổ” hoặc “làn sóng” hay không thì vẫn còn phải cần tiếp tục tranh luận. Dù sao cũng không nên đánh giá quá cao hiện tượng này. Cần xác định những thay đổi được gọi là “bùng nổ” đó có phải là cá biệt hay là biểu hiện của sự phát triển không liên tục trong bản thân các phong trào tôn giáo mới. Có lẽ cách hợp lí hơn cả là nên nhìn sự thay đổi đang diễn ra trong tôn giáo mới giai đoạn những năm từ 1970 đến 1990 là quá trình chuyển hóa của sự tiến hóa và nó vẫn cứ tiếp tục và điều này có thể thấy khá hợp lí khi nhìn nó trong giai đoạn thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI vừa qua.
Trên thực tế, hiện tượng tôn giáo mới không chỉ là đối tượng quan tâm duy nhất của giới báo chí Nhật Bản, sau đó các nhà khoa học đã lên tiếng và nó trở thành đối tượng của vấn đề học thuật thực sự. Giờ đây, nghiên cứu tôn giáo mới đã trở thành lĩnh vực nghiên cứu chuyên môn hấp dẫn và có nhiều người tham gia của ngành nghiên cứu tôn giáo ở Nhật Bản. Điều này được phản ánh bằng số lượng lớn những nhà nghiên cứu về tôn giáo mới. Một trong những nguyên nhân làm cho việc nghiên cứu này trở nên phổ biến là vì quan niệm rằng tôn giáo mới là sự phản ánh trực tiếp trong đời sống tôn giáo sự thay đổi nhanh chóng đang diễn ra trong lòng xã hội Nhật Bản hiện đại. Nhìn về tổng thể thì tôn giáo mới không có một đặc tính riêng biệt nào để phân biệt nó với lịch sử tôn giáo Nhật Bản nói chung. Người ta nhấn mạnh một số đặc tính của tín ngưỡng tôn giáo trong xã hội Nhật Bản theo những cách ấn tượng nhất. Những yếu tố như tín ngưỡng đa thần, tín ngưỡng hốn hợp, tính hiện
thế.. được coi như điển hình trong các tôn giáo truyền thống nhưng cũng là biểu hiện nổi bật trong các tôn giáo mới.
Đồng thời, các tôn giáo cũng liên quan tới những thay đổi của xã hội hiện hành. Các khuynh hướng thay đổi trong xã hội những năm gần đây được đặc trưng bởi những thuật ngữ như "cuộc cách mạng thông tin”, “trình bày trực quan", và "toàn cầu hóa." Một số tôn giáo mới đang cố gắng thích nghi với những thay đổi đó và định hướng mới cho nghi lễ, giáo lý và các vấn đề tổ chức. Như vậy, có thể nêu đặc tính của tôn giáo mới như là các tổ chức tôn giáo mới tiếp tục dựa vào giáo lí và thực hành của các tôn giáo truyền thống nhưng đang thích ứng với xã hội hiện đại thông qua việc kiên định kiếm tìm những kiểu tồn tại mới với tư cách là những phong trào tôn giáo mới. Đặc tính này tìm tòi những cái “mới nhất” của tôn giáo mới trong lĩnh vực “cải đạo” và tổ chức hơn là trong giáo thuyết và thực hành.
Vấn đề liên quan đến việc các khía cạnh cụ thể nào của sự thay đổi mà các tôn giáo mới đang phải đối mặt hay các tôn giáo mới cố gắng vượt qua các vấn đề cụ thể như thế nào.. là những điểm quan trọng không chỉ đối với định hướng tương lai của tôn giáo Nhật Bản mà cả chiều hướng của xã hội Nhật Bản và văn hóa Nhât Bản nói chung. Chính điều này trở lên hấp dẫn và vì thế chúng ta hiểu vì sao các nghiên cứu về tôn giáo mới đã trở thành một trong những lĩnh vực nổi bật nhất trong nghiên cứu tôn giáo Nhật Bản ngày nay.
Tiểu kết chương 1
Như vậy có thể thấy tôn giáo mới ở Nhật Bản đã xuất hiện từ lâu trước khi kết thúc Thế chiến 2. Tuy nhiên, chỉ có sau chiến tranh thì tôn giáo mới mới có những biểu hiện đặc biệt cả về tính chất và số lượng cũng như tốc độ phát triển nhanh chóng. Những tôn giáo mới ở Nhật Bản sau chiến tranh xuất hiện như một hệ quả tất yếu của sự biến đổi của đời sống xã hội Nhật Bản sau