Giáo phái Chân lý Aum được coi là một tân tân giáo, tức là những tôn giáo mới xuất hiện giai đoạn từ sau 1970, nhưng ảnh hưởng xã hội và vị trí của nó ở Nhật Bản không thua kém bất cứ một tôn giáo mới nào. Nếu như Omoto thuộc hệ Thần đạo đặc sắc ở giáo lý, phương thức sử dụng Giáng bút, Soka Gakkai là một phái Phật giáo nổi bật với lượng tín đồ đông đảo cả trong
và ngoài nước, với triết lý dựa vào cái nhìn từ bi bác ái của đạo Phật, cùng quan hệ hậu thuẫn cho một đảng chính trị, thì giáo phái Chân lý Aum có thể tiêu biểu cho khuynh hướng tiêu cực cực đoan của một tổ chức tôn giáo mới. Không chỉ ở Nhật Bản mà trên toàn thế giới, người ta cũng không thể nào quên tội ác kinh hoàng mà giáo phái này đã gây ra tại hệ thống tàu điện ngầm tại thủ đô Tokyo tháng 3 năm 1995. Vụ tấn công đầy tội ác này cùng với sự suy thoái kinh tế đầu những năm 1990 và vụ động đất lịch sử Hanshin tháng 1 năm 1995, càng làm bộ mặt nước Nhật thời điểm đó thêm ảm đạm. Nhưng ít ai biết rằng từ trước sự kiện này, giáo phái Chân lý Aum đã dính líu và tham gia vào nhiều vụ phạm pháp, và chính sự kiện khủng bố này là một trong những nguyên nhân chính đưa đến việc cải cách chính sách tôn giáo Nhật Bản năm 1995.
2.3.1. Sự ra đời của Giáo phái Chân lí Aum
Giáo phái Chân lý Aum thuộc do Asahara Shoko lập ra. Asahara Shoko sinh năm 1955, tên thật là Matsumoto Chizuo - con trai thứ tư của một người làm nghề dệt chiếu nghèo khổ ở tỉnh Kumamoto (Nhật Bản). Ngay từ khi còn nhỏ, Chizuo đã ấp ủ một mong ước duy nhất là trở nên giàu có. Chính tham vọng đó sau này đã dẫn dắt Chizuo lún sâu vào những suy nghĩ và hành động vô cùng tàn bạo. Do bị hỏng một mắt bẩm sinh nên Chizuo phải sống trong một trường nội trú đặc biệt chuyên dành cho trẻ em khiếm thị. Nhiều người kể lại rằng, ở đó, Chizuo đã trêu chọc, bắt nạt các bạn bị mù hai mắt và bắt họ phục dịch.
Chizuo từng thi vào Đại học Tokyo, trường đại học danh giá bậc nhất ở Nhật Bản. Tuy nhiên do thi trượt, Chizuo trở về quê, làm việc trong một tiệm mát xa và ngay sau đó bị bắt vì tội hành hung người khác. Năm 23 tuổi, Chizuo lên Tokyo sinh sống và kết hôn với Tomoko, một nữ sinh. Tomoko đã thuyết phục gia đình đầu tư tài chính cho phòng khám do Chizuo làm chủ. Tại
đây, Chizuo chữa bệnh bằng kỹ thuật châm cứu và mở rộng các bài tập về sức khỏe cho các khách sạn hàng đầu. Do có sai phạm trong khi hành nghề, Chizuo lại bị xử phạt, song lần này chỉ là 1.000 USD - số tiền quá ít ỏi so với khoản lợi mà ông ta kiếm được là 200.000 USD.
Trong quá trình làm ăn ở Tokyo, Chizuo bắt đầu quan tâm đến tôn giáo, luyện khí công, học bói toán và gia nhập một tôn giáo mới có tên là God Light Association. Năm 1981 qua việc luyện Yoga ông ta tuyên bố đã cảm nhận được một sự thức tỉnh năng lượng sinh mệnh được truyền đến cơ thể, trí óc và dẫn tới sự phát triển về tinh thần gọi là Kundalini. Năm 1982 ông ta gia nhập A hàm tông (阿含宗- Agonshu) và nhờ đó ông ta có được những kinh nghiệm trong hoạt động tôn giáo về sau. Năm 1984, ông ta rút khỏi Agonshu và mở một trung tâm tập Yoga mang tên là “Hội Aum” (Aum no Kai- オウム の 会) tại Shibuya, Tokyo. Cũng trong năm 1984, Chizuo đổi tên thành Asahara Shoko (nghĩa là ánh sáng trong thung lũng cây gai dầu).
Tháng 12 năm sau đó ông ta tuyên bố từng tự bay lên khỏi mặt đất. Cùng năm đó ông ta còn tuyên bố đã nhận được thiên khải, trong đó thần linh giao nhiệm vụ cho ông trong việc tạo dựng một thế giới lý tưởng được gọi là vương quốc Shambhala. Tháng Tư năm 1986 ông ta lập ra “Hội Thần tiên Aum” (Aum shinsen no Kai- オウム神仙の会) có khoảng 15 hội viên [20, tr.90]. Asahara tiếp xúc được với Pema Gyalpo, đại diện của chính phủ lưu vong Tây Tạng tại Nhật Bản, qua đó được tiếp kiến với Đạt lai Lạt ma đời thứ 14 của Tây Tạng vào ngày 24 tháng 2 năm 1987 và ngày 6 tháng 7 năm 1988 ở Ấn Độ. Asahara đã cho chụp ảnh, thu băng video tỷ mỉ cuộc hội đàm giữa hai bên, quảng bá rộng rãi rằng Đạt lai Lạt ma thứ 14 đã chỉ thị cho ông ta “mở rộng Phật giáo thực thụ ở Nhật Bản” để tuyên truyền cho hoạt động của Giáo phái Chân lý Aum. Khi về nước, Asahara cho ra đời cuốn sách đầu tay với tiêu đề “Bí quyết phát triển sức mạnh tinh thần”. Về sau, cuốn sách này
trở thành sách gối đầu giường của các tín đồ giáo phái Aum. Nội dung của sách chứa đựng các bí mật như khả năng đọc được ý nghĩ, thăng thiên, nhìn thấu tương lai và phát triển tầm nhìn X-quang. Trong đó, Asahara tự nhận mình là cứu tinh của loài người. Kết quả là những bài giảng của Asahara thu hút rất đông người nghe, bởi vì ông ta tự nhận có thể “truyền năng lượng thần thánh của mình” sang những tín đồ sùng đạo bằng cách đặt tay lên trán họ. Tháng 6 năm 1987 Asahara đổi tổ chức mới thành lập của mình thành Aum Shinrikyo (オウム真理教), tức Giáo phái Chân lý Aum. Tháng 11 năm đó, chi bộ giáo phái ở New York cũng được thành lập. Ngày 25 tháng 8 năm 1989, giáo phái này chính thức trở thành một tôn giáo có tư cách pháp nhân. Giáo phái Chân lý Aum có chi nhánh trên khắp Nhật Bản và mở các trung tâm luyện tập tại nhiều tỉnh, đặt chi nhánh ở cả Nga và Srilanka. Năm 1995, Giáo phái Chân lí Aum tuyên bố có khoảng 9000 thành viên tại Nhật Bản và 40.000 thành viên trên toàn thế giới [63, tr.3]
2.3.2. Một số điểm căn bản trong giáo lý và sự phát triển của Giáo phái Chân lý Aum
Giáo huấn và nghi lễ của Aum phát triển từng bước cùng với quá trình phát triển của tổ chức. Lúc đầu giáo phái này tập trung vào việc tập luyện để đạt được năng lượng siêu nhiên thông qua kỹ thuật yoga. Chính vì vậy nó thu hút được rất nhiều tín đồ là những thanh niên, những người muốn có được những năng lực siêu nhiên. Dần sau đó giáo phái tiến tới chú ý vào tín điều giác ngộ từ Phật giáo nguyên thuỷ, đặc biệt là những kỹ thuật tập luyện rất bí hiểm để đạt được sự giác ngộ. Theo giáo phái Chân lý Aum thì tư tưởng từ bỏ thế giới này và việc tự tách mình ra khỏi thế giới đó được nảy sinh chính từ việc thiền định, và những thanh niên đã mất niềm thích thú thế giới này sẽ cảm thấy thú vị, đam mê bởi giáo huấn của Chân lý Aum. Việc giác ngộ và được giải thoát sẽ diễn ra nhanh hơn nếu tuân theo sự trợ giúp của giáo chủ
Asahara Shoko. Việc luyện tập cũng được thực hiện theo những cách rất kỳ dị như tập ngâm ngụp mình xuống dưới nước, hay chui vào một thùng kim loại rồi chôn xuống đất càng lâu càng tốt [20, tr.91]. Khi số người tham gia luyện yoga và rèn luyện để được giác ngộ ngày một đông thì giáo phái này phát triển về mặt tín ngưỡng. Giáo phái dạy rằng bên ngoài thế giới chúng ta đang sống tồn tại một thế giới nguyên nhân quy định những hiện tượng của thế giới của chúng ta và trên thế giới. Nguyên nhân đó là trật tự của Đại thừa Phật giáo hay Đại Niết bàn.
Giáo lý Aum cho rằng nhờ vào tu hành sẽ vượt qua được từng ham muốn, khát khao, giải phóng được khổ não. Trong thuyết giáo của Matsumoto, người được gọi là “người giải phóng cuối cùng và duy nhất cho bản thân Nhật Bản”, căn bản chính là là “Vô thường” và “Phá vỡ ham muốn”.
“Con người phải chết, chắc chắn phải chết, tuyệt đối phải chết, cái chết là không thể trốn chạy được”, đặc trưng những lời Matsumoto nói là áp dụng theo thế giới quan Phật giáo, coi tất cả mọi thứ trong thế giới này đều Vô thường. Theo đó, tất cả những hạnh phúc chỉ là ghé thăm và sẽ kết thúc bất kỳ lúc nào, việc cố nắm giữ những vui sướng ham muốn sẽ làm phát sinh những đau khổ tất yếu. Ngược lại, tự mình vượt qua những ham muốn, tới trạng thái đạt được vô thường, đó là “Niết bàn”, sẽ được vui sướng tuyệt đối, hạnh phúc tuyệt đối, tự do tuyệt đối. Và hơn nữa, khi không có việc gì còn vướng bận, sẽ đạt tới trạng thái “Đại Niết bàn”, dẫn dắt được đến trạng thái tuyệt đối vui sướng, tuyệt đối hạnh phúc, tuyệt đối tự do hoàn toàn linh hồn, và cuối cùng dẫn được tới trạng thái “Đại tuệ Niết bàn” [63, tr.6].
Poa (ポア) được định nghĩa là “sự chuyển hoán ý thức sang một thế giới
cao”. Điều này giải thích là sự yếu đi của nhân tố dục vọng trong ý thức mà không liên quan tới sống hay chết trong thực tế. Trong cái được gọi là “poa” như vậy, điều quan trọng nhất là ngay sau khi chết đi con người sẽ chuyển ý
thức sang một trạng thái trung gian, cái đó sẽ quyết định đích đầu thai của cuộc sống tiếp theo. Theo đó, “poa” có nghĩa hẹp là sự chuyển đổi của ý thức trong khi chết. Theo đó, cách làm đặc thù gọi là đưa ý thức sang một thế giới cao hơn như vậy bằng việc đem đến cho người ta cái chết là việc làm được coi là có ý nghĩa tích cực. Đây là một lập luận nhằm chính thức hóa việc sát nhân dưới danh nghĩa của “poa” và cũng là cơ sở lí luận của Giáo phái Chân lý Aum trong quá trình liên tục hành phạm giết người.
Giáo phái Chân lý Aum coi thần chủ của mình là Đại thần Shiva. Trong giáo lý của Aum, Đại thần Shiva có nghĩa là “ý thức tối cao”, là thể tập hợp linh hồn của những người cứu thế sống trong “Đại Niết bàn”, và cũng đồng nghĩa với “Đại Niết bàn”. Tuy đồng nghĩa với thần Shiva trong Hindu giáo nhưng Shiva trong Hindu giáo chỉ là hóa thân của Đại Shiva mà thôi. Hơn thế nữa, Asahara Soko là đệ tử của vị thần này nên cũng được coi là một hoá thân của thần Shiva. Giáo lý của Aum du nhập cả kỹ thuật của Mật giáo Tây Tạng, cả cơ sở của Phật điển Pali, cơ sở Phật giáo nguyên thuỷ và Yoga nguyên thuỷ [63, tr.6]. Với quan niệm tôn giáo là con đường tu hành, Giáo phái Chân lí Aum được được coi là bao gồm một phần vũ trụ quan của Phật giáo và Yoga. Giáo phái Chân lí Aum lấy phương châm là tìm kiếm chân lí bao hàm các tư tưởng tôn giáo thần bí như Nho giáo, Đạo giáo, Kitô giáo, Bái hỏa giáo. Kết quả là thu nhận vào giáo lý của mình những quan điểm về sự huỷ diệt của thời đại, như là một trong những chu kỳ lặp đi lặp lại của “sáng tạo- duy trì- phá hủy” mang tính Phật giáo, hay thuyết tận thế của Kitô giáo. Phương pháp tu hành hướng tới những người tu hành xuất gia, cụ thể là 36 đạo phẩm và 7 khoa của Phật giáo Thượng tọa bộ. Giáo phái này còn sử dụng cả Lục Ba La Mật (6 lối lên Niết bàn) của Phật giáo Đại thừa, sử dụng Yoga và nhiều phương thức khác nữa để lôi kéo những kẻ tu hành tại gia.
Năm cột trụ cơ bản của Aum giáo được đưa ra và được cường điệu là “Tôn giáo thực tiễn” là:
* Có người hướng dẫn về mặt tâm linh để đi đến địa điểm cuối cùng. * Giáo lý chính xác dựa trên sự Vô thường.
* Phương pháp tu hành có thể dựa vào kinh nghiệm bản thân đối với giáo lý.
* Có người tu hành tiên phong bằng việc thực hành giáo lí trong thực tế. * Cần có sự khai tâm để tiến tới tu hành.
Nội dung tu hành của Aum giáo có thể chia làm 3 hay 4 chủng loại: Tiểu thừa (Hinayana), Đại thừa (Mahayana)... Ở đây được biểu lộ bằng 4 hệ thống tu hành. Và những định nghĩa của giáo đoàn dưới đây, cũng khác với định nghĩa của Phật giáo thông thường.
- Hinayana (Tiểu thừa): Hinayana là con đường sự xa rời thế giới ngoại
cảnh, hướng tới sự thanh tịnh hóa và hoàn thiện bản thân. Hinayana là nền móng của toàn bộ.
- Mahayana (Đại thừa): Mahayana là con đường đạt đến Niết Bàn
không chỉ cho bản thân mình mà còn là sự cứu thế, tế độ cho nhiều người khác nữa. Giáo đoàn được coi là Mahayana. Tuy nhiên, nếu không hoàn thành Hinayana, hay tự kỷ chưa hoàn toàn thanh tịnh thì ý nghĩa chân chính của Mahayana cũng chưa được hoàn thành. Cơ quan xuất bản của Aum cũng mang tên Mahayana.
- Tantorayana (Mật thừa): Tantorayana chỉ cách tu hành mang tính
Mật giáo như tụng Mật tông (マントラ). Trong kiến giải chính thức của giáo đoàn thì những bộ phận được coi là phi đạo đức, phi luân lí đã bị phủ nhận.
- Vajirayana (Kim cương thừa): Vajirayana là con đường hình thành
trong quan hệ 1 đối 1 giữa đệ tử và người thầy. Người thầy đột phá những ham muốn nội tại trong đệ tử, tạo ra những hoàn cảnh có thể lý giải những
khổ não, dục vọng. Để vượt qua những ham muốn đó, phải dủng cả những phương pháp khắc nghiệt như là Mahamu Dora (マハームドラー).
Trong giáo lý của Vajirayana, cũng có cái được gọi là “Ngũ Phật pháp tắc”(五仏の法則), được giải thích là “pháp tắc của thiên giới, không có ở thế giới nhân gian”. Đây được coi chính là những hành động, ngôn từ không còn dục vọng, toàn tâm lợi tha phản ánh trong giới luật nói chung.
Đáng chú ý là giáo phái này giải thích rằng, việc tàn sát để cứu những linh hồn đang ngày một chất chồng ác nghiệp, hay là cướp đoạt tài sản để cứu giúp những linh hồn đang ngày càng nhiều thèm muốn xấu xa, hay như việc hướng dẫn chân lý bằng cách sử dụng sự dối trá… được lí giải như là sự tu hành như của Bồ Tát ở Thiên giới. Giáo lý Vajirayana của giáo phái Chân lý Aum chính là lí luận nhằm làm chính đáng hóa những việc như tàn sát, cướp đoạt …của nó bị xã hội lên án. Cục Cảnh sát Nhật Bản cũng cho rằng giáo đoàn hiện nay vẫn dựa vào cốt cán của giáo lý này [63, tr.7].
Tín đồ giáo phái chia ra làm tín đồ tại gia và tín đồ xuất gia. Tín đồ tại gia vừa không thực hiện những sinh hoạt đời thường, vừa tham gia những hội thuyết pháp vừa tu hành theo hướng của các nơi tập luyện của các chi bộ. Và cũng mở những buổi Semina tập trung vào các kỳ nghỉ.
Về cấp độ tu hành, giáo phái này cũng chia ra các cấp độ khác nhau để chỉ mức độ tinh tiến về tinh thần. Các cấp độ có khác nhau theo từng thời kỳ, tại thời điểm năm 1995, đối với người xuất gia, có các trình độ như “Tập kiến Samana, Samana, Trưởng Samana, Sư bổ (師補), Sư (gồm Tiểu sư, Ái Sư,
Ái Sư trưởng bổ, Ái Sư trưởng, Bồ Sư, Bồ Sư trưởng bổ, Bồ Sư trưởng), Chính Hộ Sư (gồm Chính Hộ Sư, Chính Hộ Sư trưởng bổ, Chính Hộ Sư trưởng), Chính Đại Sư. “Sư” là người đã đạt được “Kundalini- Yoga, Chính Hộ Sư là người đạt được “Mahamu Dora” tương đương với “A La Hán” (Arakan- 阿羅漢) của Phật giáo (cấp độ tu hành cao nhất của Phật giáo).
Chính Đại Sư là người được coi là đạt được “Yoga của Đại thừa”, từ đó theo cấp độ trong giáo phái mà quyết định chức vụ, vị trí.
Trong số những nhân vật phụ trách của Aum, có rất nhiều người tốt nghiệp từ các đại học hoặc có học vấn cao điển hình như luật sư Aoyama Yoshinobu, kế toán viên Shibata Toshiro, bác sĩ Hayashi Ikuo, bác sĩ Nakagawa Tomomasa…
Như đã đề cập, Giáo phái Chân lý Aum không chỉ tồn tại ở lãnh thổ Nhật Bản mà còn có các chi nhánh của giáo hội ở nước ngoài. Năm 1991, lần đầu tiên Asahara Shoko thăm Nga. Tại Matxcova, Asahara đã tiếp xúc với những chính khách cao cấp như nguyên phó tổng thống Nga Aleksandr