6. Kết cấu luận văn
2.2.1. Từ một motif phổ biến trong truyện kể
Theo như lời nhận xét của V.Ia.Propp, “motif nhân vật sinh ra một cách thần kì là một trong những motif rất phổ biến trong folklore thế giới và trong truyện cổ tích nói riêng. Nhưng motif này không phải chỉ thấy có trong truyện cổ tích. Theo sự phán đoán hiện nay thì quan niệm về sự thụ thai trinh khiết phổ biến trong mọi tôn giáo trên thế giới – từ những tôn giáo nguyên thủy và xưa nhất cho tới những tôn giáo sau này, kể cả đạo thiên Chúa” [12, tr.655]. Và dĩ nhiên, Phật giáo cũng không nằm ngoài số đó. Do vậy mà việc sử dụng motif này trong một tiểu truyện thiền sư, nhằm thực hiện chức năng tôn giáo, là một điều hoàn toàn có thể lí giải được.
Nằm trong nguồn chung đó, phải khẳng định, Tam tổ thực lục chỉ là một hiện tượng trong vô số những công trình cùng loại. Sự “giao thoa”, “ảnh hưởng”, “tiếp nhận” này phải xét trên hai khía cạnh: về văn hóa (các mô thức thể hiện theo truyền thống Phật giáo) và về văn học (sự thâm nhập vào nhau của các thể loại phát triển song hành) tức dựa trên hai cơ sở: lịch đại và đồng đại. Ở phần trên của chương này, chúng tôi đã tìm hiểu sự ra đời thần kì của các thiền sư trên cơ sở thứ nhất. Ở đây, chúng tôi sẽ trình bày hiện tượng này trên cơ sở thứ hai với tư cách là một motif văn học.
Motif sinh đẻ thần kì có cơ sở dựa trên niềm tin vào sự thụ thai trinh khiết của người phụ nữ mà không cần đến mối quan hệ tính giao với người đàn ông. Niềm tin này phát sinh trong giai đoạn con người còn ở trình độ nhận thức thấp và nó được bảo lưu trong quá trình phát triển tư duy duy lí của con người, đương nhiên kèm theo đó còn có cả quá trình phai nhạt dần tính đáng tin cậy của nó nữa. Sau này, “cùng với sự xuất hiện của vua chúa và thần thánh, sự ra đời thần kì cũng trở thành đặc quyền của tầng lớp thượng đẳng
ấy” [12, tr.660]. Nhiều nhân vật lịch sử có thật đã được thần thánh hóa theo cách này như Đinh Bộ Lĩnh, Triệu Quang Phục, Lý Thái Tổ, Ỷ Lan phu nhân…. Qua quá trình dân gian hóa, các nhân vật trên đã được phủ cho một lớp vỏ bọc màu nhiệm nhằm đạt đến sự thống nhất giữa thần quyền và vương quyền. Sự ra đời của các nhân vật trong Tam tổ thực lục cũng đã được hư cấu theo cách này, nhằm ngụ ý về nguồn gốc siêu nhiên của các thiền sư theo đúng cảm quan tôn giáo, qua đó có thể nhận ra nhiều điểm tương đồng với các truyện kể dân gian.
V.Ia.Propp đã tổng kết những hình thức sinh đẻ thần kì phổ biến trên thế giới như sau: (1) thụ thai do ăn trái cây, (2) sinh đẻ do cầu nguyện, (3) sinh đẻ do uống nước, (4) sinh đẻ do người chết đầu thai lại, (5) sinh ra từ bếp lò, (6) sinh ra từ thức ăn dư, (7) sinh ra từ cá, (8) những con người được tạo ra, (9) nhân vật lớn nhanh như thổi [12]. Tuy nhiên, do đặc trưng văn hóa và vùng lãnh thổ, chúng tôi thấy cần thiết phải bổ sung một số hình thức sinh đẻ thần kì khác vốn rất phổ biến trong truyện kể dân gian người Việt như thụ thai do ứng mộng, thụ thai do ướm vết chân, thụ thai do tiếp xúc với vật lạ, thụ thai do giao cấu với một con vật, sinh ra bọc, trứng hoặc bọc trứng. Các tiểu truyện thiền sư trong Tam tổ thực lục không nằm ngoài phạm vi các hình thức phổ biến này.
Sự ra đời của các thiền sư Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang có một điểm chung là cùng sử dụng một motif sinh đẻ thần kì: thụ thai do ứng mộng. Đây là hình thức sinh đẻ thần kì phổ biến nhất trong các truyện kể dân gian, cụ thể là trong các truyền thuyết là thần tích của các địa phương. Mộng triệu thường có điểm chung là mơ thấy cầu vồng, hào quang sáng ngời, nuốt phải sao, ngọc hoặc mặt trăng, được thần nhân giao cho cất giữ những vật quí như râu rồng hay minh châu, giao long (rồng, ngô công, hổ) diễu quanh người, có người (thần) đến xin đầu thai …. Tam tổ thực lục lí giải sự ra đời của Trần Nhân Tông bằng giấc mộng của Nguyên Thánh Hoàng thái hậu: “Trước đó, Nguyên Thánh Hoàng thái hậu nằm mộng thấy thần nhân đưa cho hai lưỡi kiếm, bảo: “Có lệnh của thượng đế, cho phép ngươi được chọn lấy”. Vì ngẫu nhiên được cây kiếm ngắn, thái hậu bất giác mất vui, do đó có thai” [57, tr.17]. Sự ra đời của Pháp Loa cũng bằng giấc mộng tương tự: “Trước đó, vào tháng 8 năm Quý Mùi (1283), mẹ sư là Vũ Thị, đêm nằm mộng thấy dị nhân
giao cho kiếm thần, bà vui mừng ôm vào lòng, đến khi thức giấc, bà biết có thai” [57, tr.37]. Về phần Huyền Quang, giấc mộng lí giải cho sự ra đời của sư cũng là giấc mộng của người mẹ: “Một hôm, Lê Thị đến núi Chu Sơn hái thuốc, vừa tới chùa Ma Cô Tiên thì gặp lúc trời hè nắng gắt, bà liền nghỉ dưới bóng chùa. Gió đông phe phẩy, nhật gác non tây, chợp mắt mơ màng, bà bỗng thấy một con khỉ lớn, đầu đội mũ triều thiên, mình mặc áo hoàng bào, ôm mặt trời hồng ném vào lòng bà” [57, tr.78].
Cần nhận thấy, theo quan niệm của người viết truyện, việc nằm mộng của những người mẹ có liên hệ trực tiếp đến việc họ mang thai. Những cụm từ “thái hậu bất giác mất vui, do đó có thai” (tiểu truyện Trần Nhân Tông), “đến khi thức giấc, bà biết có thai” (tiểu truyện thiền sư Pháp Loa) đã cho thấy rõ điều đó.
Thông thường, trong các truyện kể dân gian, hình thức thụ thai do ứng mộng thường kết hợp với việc cầu nguyện. Đối tượng hướng tới của sự cầu nguyện đó là trời, ngọc hoàng, tiên, Phật, bụt hoặc một vị thần ở địa phương. Đơn cử như thần tích xã Hạ Cát, Phù Cừ, Hưng Yên “Ba vị đại vương xã Đào Tùng” [63, tr.67-70] kể ở xã Đào Tùng (Hải Dương) có gia đình họ Nguyễn phúc đức nhưng hiếm muộn. Họ lên núi Yên Tử mật đảo cầu con. Nhờ Phật vàng mách bảo, họ về nhà lập đàn tràng giữa sân mà cầu đảo. Ngọc hoàng thấy thế cho ba người con trai xuống đầu thai. Người vợ có mang và sinh một bọc có ba con trai. Ở tiểu truyện thiền sư Huyền Quang cũng thấy có sự kết hợp giữa việc cầu nguyện và sự ứng mộng: “Mẹ tổ là Lê Thị, vốn là người đàn bà hiền đức, chiều chuộng chồng con, kính thờ cha mẹ chồng. Năm 30 tuổi mà chưa có con trai nối dõi, nên thường đến cầu nguyện tại chùa Ngọc Hoàng. Chùa này cầu nguyện thường được linh ứng” [57, tr.78].
Cũng trong truyện Huyền Quang, lại thấy xuất hiện một hình thức sinh đẻ thần kì nữa là sinh đẻ do đầu thai qua giấc mộng của thiền sư Tuệ Nghĩa “thầy trụ trì chùa Ngọc Hoàng là thiền sư Tuệ Nghĩa, sau khi lên chùa tụng kinh trở về liêu phòng, tựa ghế thiền định, ông bỗng mơ thấy các tòa trong chùa đèn chong sáng rực, chư Phật tôn nghiêm, kim cang long thần la liệt
đông đúc. Đức Phật chỉ tôn giả A-nan bảo: “Ngươi hãy tái sinh làm pháp khí Đông đô, và phải nhớ duyên xưa” [57, tr.77-79] và trong năm ấy, Huyền Quang ra đời.
Đối với các truyện kể dân gian, những linh hồn đầu thai thành đứa trẻ thường là các vị thủy thần, sơn thần địa phương, hoặc cũng có thể là tiên đồng, ngọc nữ trên trời, riêng về hình thức sinh đẻ do người chết đầu thai lại thì tương đối hiếm, độ vài ba truyện. Ở trường hợp Huyền Quang là A-nan Tôn giả.
Trong các truyền thuyết, số phận những đứa trẻ sinh ra theo motif sinh đẻ thần kì thường trở thành nhân thần địa phương, là người anh hùng giúp nước. Người mẹ chỉ là trung gian để các thế lực siêu nhiên hiện hữu dưới dạng con người và can thiệp vào cuộc đời. Các nhân vật trong Tam tổ thực lục cũng vậy, họ đã trở thành những thiền sư danh tiếng, những vị tổ đứng đầu một dòng thiền và trở thành những đối tượng “thượng đẳng”, nhận được “đặc quyền” sở hữu một nguồn gốc thần kì qua một motif rất quen thuộc trong văn học dân gian.
(Cần lưu ý, trong Tam tổ thực lục, chỉ có những thiền sư mới có “đặc quyền” ra đời theo cách này. Một nhân vật khác trong truyện Huyền Quang là nàng Điểm Bích, vì là con người thế tục nên không nhận được “đặc quyền” ấy. Sự ra đời của nhân vật này tuy đôi chỗ có thể làm cho người ta hiếu kì nhưng vẫn đậm tính chất trần tục:
Mẹ nàng người Đường An, nhà nghèo, sống một mình, gặp năm hạn hán, đi ăn xin đến huyện Đông Triều, chùa Quỳnh Lâm, dừng chân một đêm tại đó. Đến canh ba, bầu trời quang đãng, sao sáng, trăng trong, bà thấy một thanh niên không biết tên họ là gì, cũng không rõ diện mạo, tới chỗ bà, xin cùng ân ái, xong rồi liền đi. Nhân đó bà có thai, đủ tháng liền sinh một bé gái [57, tr.84].)