V. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
5.1. Sự hài lòng đối với công việc của nhân viên trạm y tế
Tỷ lệ hài lòng đối với công việc của các nhân viên trạm y tế được điều tra ở mức độ thấp (58,3%). Tỷ lệ này ở Hà Đông cao hơn Thanh Oai lần lượt là 65,6% và 53,8%.
Theo nghiên cứu của Lê Thanh Nhuận & CS tiến hành tại Vĩnh Phúc năm 2008 thì tỷ lệ hài lòng đối với công việc đạt 71,1%, cao hơn tỷ lệ này trong nghiên cứu của chúng tôi [14].
Theo kết quả nghiên cứu thể hiện ở Bảng 4.2, trung bình điểm số hài lòng của nhân viên trạm y tế về các đặc điểm của cơ quan đều thấp hơn4. Mức độ hài lòng đối với mức thu nhập (lương, thưởng, phụ cấp) hiện nay của các nhân viên trạm y tế là thấp nhất (2,59), và mức độ hài lòng về đoàn kết nội bộ giữa các nhân viên là cao nhất (3,84).
Nghiên cứu của tác giả Trần Quỵ về sự hài lòng nghề nghiệp của điều dưỡng, hộ sinh tại 12 tỉnh, thành trong toàn quốc, với thang điểm từ 0 đến 4, cho thấy có đến 4/6 yếu tố có điểm dưới mức hài lòng (điểm 2); lương và thu nhập từ nghề nghiệp (điểm trung bình là 0,93), giá trị nghề nghiệp (1,49), điều kiện lao động (1,56). Có hai yếu tố có mức điểm trung bình trên mức hài lòng: sự hỗ trợ của gia đình (2,08) và quan hệ với đồng nghiệp (2,11) [18].
Không có sự khác biệt về mức độ hài lòng của nhân viên trạm y tế quận Hà Đông và huyện Thanh Oai về một số đặc điểm của cơ quan như trang thiết bị phục vụ chuyên môn, đánh giá đền đáp của người dân, thu nhập, sự đoàn kết nội bộ của nhân viên (Bảng 4.2).
Tuy nhiên, các nhân viên trạm y tế quận Hà Đông có mức độ hài lòng về điều kiện cơ sở vật chất của trạm cao hơn so với các nhân viên trạm y tế huyện Thanh Oai tương ứng là 3,47 và 2,94, điều này có thể do thành thị được đầu tư về điều kiện cơ sở vật chất cao hơn nông thôn, ngược lại mức độ hài lòng về công tác đào tạo nghiệp vụ chuyên môn của trạm y tế ở Thanh Oai cao hơn so với các nhân viên trạm y tế quận Hà Đông (p của Mann-
Withney test < 0,05).
Theo thống kê của Bộ Y tế năm 2006 cho thấy đang có một sự quá tải tại các bệnh viện, công suất sử dụng giường bệnh chung toàn quốc lên đến 103,1% [4]. Mặc dù cơ sở hạ tầng cho ngành y tế đã và đang được đầu tư, nhưng nhìn chung cơ sở vật chất, trang thiết bị các đơn vị y tế cơ sở đang là một vấn đề cấp thiết và chưa đáp ứng được yêu cầu hoạt động chuyên môn.
Kết quả nghiên cứu ở Biểu đồ 4.2 cũng cho thấy: tỷ lệ nhân viên y tế hài lòng với mức thu nhập hiện tại là thấp nhất chiếm 26,6%, tiếp đến là điều kiện trang thiết bị và điều kiện cơ sở vật chất tại trạm lần lượt là 36,5% và 52,4%; tỷ lệ hài lòng với quan hệ với đồng nghiệp là cao nhất 84,9%.
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu của Lê Thanh Nhuận & CS tiến hành tại Vĩnh Phúc năm 2008 cho thấy điểm trung bình hài lòng của nhân viên y tế đối với các yếu tố đều thấp hơn mức điểm hài lòng. Tỷ lệ nhân viên y tế hài lòng với từng yếu tố không cao: thấp nhất là yếu tố về lương và phúc lợi (32,4%); yếu tố cơ sở vật chất (39,4%); yếu tố học tập và phát triển, khẳng định (52,2%); cao nhất là yếu tố mối quan hệ với đồng nghiệp(67,6%) [14]
Theo nghiên cứu của tác giả Trần Quỵ cho thấy: những khía cạnh làm cho điều dưỡng, hộ sinh kém hài lòng đối với công việc là thu nhập thấp trong khi công việc vất vả (53,8%), đóng góp nhiều nhưng không được xã hội tôn trọng (23,4%), chưa được xã hội đánh giá đúng mức (15,4%), thiếu trang thiết bị làm việc và bảo hộ lao động (4,6%) và ít có cơ hội học tập và nâng cao trình độ [18].
Nghiên cứu của tác giả Marjolein Dieleman [35] về sự hài lòng đối với cán bộ y tế tuyến huyện và xã thuộc một số tỉnh miền Bắc nước ta cũng cho thấy các cán bộ được điều ra cũng ít hài lòng nhất đối với thu nhập.
Năm 2003, nghiên cứu của tác giả Lưu Hoài Chuẩn cho thấy 80% bác sỹ công tác tại các tuyến xã gặp khó khăn trong cuộc sống [9].
Nghiên cứu của Lưu Hoài Chuẩn cho thấy 60% bác sỹ công tác tại trạm y tế xã cho là họ thiếu trang thiết bị y tế để phục vụ công tác khám chữa bệnh [9].
Nghiên cứu của Marjolein Dieleman tại miền Bắc Việt Nam cho thấy những yếu tố mà nhân viên y tế cơ sở chưa hài lòng với công việc theo thứ tự là: thu nhập thấp, giao thông khó khăn, không cập nhập thông tin (tuyến huyện) và thiếu kiến thức (tuyến xã), quá tải công việc ngoài kế hoạch [35].