Về căn cơ, chương trình huấn luyện của tôi dựa trên một sự thật đơn giản là những cuộc hôn nhân hạnh phúc đều được xây dựng trên tình bằng hữu thâm giao. Nói thế có nghĩa là giữa hai người luôn có sự hiện diện của lòng tôn trọng và thích ở bên cạnh nhau. Những cặp này chăm sóc nhau một cách chu đáo – họ biết người kia thích gì, không thích gì, những tật xấu cố hữu, những gì bạn đời mình khao khát, ước mơ. Giữa họ luôn có sự quan tâm sâu sắc và cách họ bày tỏ tình yêu thương không chỉ rầm rộ mà còn từng chút một từ ngày này qua ngày khác.
Hãy xem một ví dụ về Nathaniel, người rất đam mê công việc và hiện đang điều hành doanh nghiệp riêng chuyên về nhập khẩu. Mỗi ngày anh đều dành rất nhiều thời gian cho công việc. Ở một gia đình khác, việc này có thể bùng nổ thành một cuộc chiến lớn. Nhưng anh và vợ, Olivia, lại tìm được cách để cả hai vẫn duy trì sự gắn bó. Họ thường trò chuyện với nhau qua điện thoại trong ngày. Khi cô có hẹn đi khám bác sĩ, thể nào anh cũng nhớ gọi điện cho cô hỏi thăm tình hình. Khi anh có buổi họp với khách hàng quan trọng, cô sẽ gọi điện cho anh xem họ phản ứng ra sao. Khi họ ăn bữa tối có món gà, cô sẽ nhường anh cả hai cái đùi vì cô biết đó là phần anh thích nhất. Khi họ làm bánh kẹp dâu rừng cho bọn trẻ ăn vào sáng thứ bảy, anh sẽ làm riêng cho cô phần bánh không có dâu vì anh biết cô không thích. Dù anh không sùng đạo, anh vẫn cùng vợ đến nhà thờ mỗi sáng Chủ nhật vì điều đó quan trọng đối với cô. Và dù cô không hứng thú lắm với những mối quan hệ họ hàng, cô vẫn tìm cách duy trì sự thân thiết với mẹ và các chị em của Nathaniel vì tình cảm đại gia đình đóng vai trò không thể thiếu với anh.
Nếu bạn cho rằng những điều đó nghe nhàm chán và kém lãng mạn, thì không phải đâu. Nhờ những hành động nho nhỏ đó, Olivia và Nathaniel duy trì tình bằng hữu vốn là nền tảng tình yêu của hai vợ
chồng. Và như thế, cuộc hôn nhân của họ vẫn nồng nàn hơn hàng vạn lần so với những cặp thỉnh thoảng cùng nhau tận hưởng kỳ nghĩ lãng mạn, những món quà xa xỉ đắt tiền nhưng lại chẳng chia sẻ với nhau được gì trong cuộc sống thường nhật.
Tình bạn tiếp nhiên liệu cho ngọn lửa yêu thương vì nó bảo vệ hai vợ chồng tránh khỏi cảm giác tiêu cực về đối phương. Nhờ Nathaniel và Olivia biết giữ gìn tình bằng hữu bất chấp nhiều điểm bất đồng và khó chịu trong hôn nhân, nên họ trải nghiệm một thứ có tên gọi chuyên môn là “tình cảm tích cực lấn át”. Điều này có nghĩa là suy nghĩ tích cực của họ dành cho nhau cũng như cho cuộc sống vợ chồng nhiều đến mức họ có xu hướng quên đi những cảm giác tiêu cực. Phải là một vấn đề thật sự nghiêm trọng mới có thể khiến cả hai lung lay. Chính những suy nghĩ tích cực đó khiến họ nhìn người bạn đời và hôn nhân của mình bằng đôi mắt lạc quan; họ tin vào những điều tốt đẹp của nhau và của cuộc sống chung.
Đây là một ví dụ dễ hiểu. Olivia và Nathaniel đang cùng nhau chuẩn bị cho một bữa tiệc tối tại nhà. Nathaniel gọi to, “Mớ khăn ăn đâu rồi?” và Olivia quát lại đầy vẻ cáu kỉnh, “Trong tủ chén đó!” Bởi hôn nhân của họ có nền tảng tình bạn vững chắc, nên gần như anh chẳng hề quan tâm đến giọng điệu của cô mà chỉ chú tâm đến thông tin mà Olivia vừa cung cấp – khăn ăn ở trong tủ chén. Anh cho là cô đang bực dọc chuyện vớ vẩn gì đấy chứ không phải anh – có thể vì cô đang loay hoay mãi không mở được cái nút bần ra khỏi chai rượu vang. Ngược lại, nếu cuộc hôn nhân của họ đang có vấn đề, chắc hẳn anh đã nổi giận mà quát ngược lại, “Thôi khỏi, cô tự đi mà lấy!” Một cách nhìn khác về tình cảm tích cực lấn át này cũng giống như cách bạn “đặt chỉ tiêu” cho việc giảm cân. Theo một giả thuyết được nhiều người biết đến, mỗi người có một trọng lượng “lý tưởng” mà cơ thể sẽ tự nó tìm cách duy trì. Tất cả nhờ vào cơ chế cân bằng tự nhiên, dù bạn có nỗ lực giảm cân đến mức nào đi nữa, cơ thể bạn vẫn luôn có khuynh
hướng tìm về cân nặng lý tưởng kia một cách mạnh mẽ. Chỉ có một cách duy nhất là điều chỉnh lại quá trình trao đổi chất của cơ thể (như tập thể dục thường xuyên chẳng hạn) thì lúc đó việc ăn kiêng mới giúp bạn giảm cân lâu dài. Trong hôn nhân, tính tích cực và tiêu cực cũng tương tự. Một khi bạn “đặt chỉ tiêu” cho mức độ tích cực trong đời sống vợ chồng cao, nó sẽ giúp hai bạn tránh xa những điều tiêu cực có thể gây hại đến mối quan hệ, hơn là khi bạn đặt nó ở mức thấp. Và nếu mối quan hệ của hai bạn bị cảm giác tiêu cực lấn át, khả năng hàn gắn sẽ khó khăn hơn. Phần lớn các cuộc hôn nhân đều khởi điểm với mức tích cực rất cao, cao đến nỗi không ai có thể tưởng tượng rằng mối quan hệ của mình với người bạn đời sẽ đi trật đường rầy. Nhưng hạnh phúc chẳng tày gang. Sau nhiều lần bực bội lẫn nhau, tức tối và giận dữ, đến một lúc nào đó tình bạn giữa hai vợ chồng trở nên mờ nhạt. Họ nói rằng tình bạn giữa họ vẫn được duy trì nhưng thật ra nó đã không còn tồn tại trong cuộc sống thường nhật của hai người. Sau cùng, họ kết thúc mối quan hệ của mình với “cảm giác tiêu cực lấn át”. Mọi thứ được diễn giải ngày càng tiêu cực hơn. Một câu nói bình thường cũng khó được cho qua. Người vợ nhắc, “Đã dặn anh đừng để lò vi ba chạy không rồi mà!” Người chồng xem đó là câu khiêu khích, nên anh phản pháo ngay, “Đừng có lên mặt dạy tôi. Tôi là người đọc quyển hướng dẫn sử dụng chứ ai.” Và thế là cuộc chiến lại bắt đầu.
Khi đã đến nước này, việc bạn muốn tìm lại những lý do tốt đẹp ngày xưa đã mang hai bạn đến với nhau cũng khó khăn không kém gì lội ngược dòng nước lũ. Nhưng Bảy Bí Quyết của tôi sẽ chỉ cho bạn cách củng cố tình bằng hữu ngay cả khi bạn thấy tràn ngập cảm xúc tiêu cực. Khi tìm hiểu những nguyên tắc này, bạn sẽ hiểu sâu sắc hơn vai trò của tình bạn trong hôn nhân, và bạn sẽ biết cách phát triển các kỹ năng giúp duy trì hoặc khơi lại tình bằng hữu giữa hai vợ chồng.