Để làm tốt công tác phòng chống ma tuý, mại dâm, phòng chống HIV/AIDS trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và các địa phương phải coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài; cần bám sát phương châm “lấy phòng ngừa là chính, tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức là cơ bản, lấy nhân dân làm gốc, gia đình là tế bào quan trọng, lấy cơ quan, đơn vị, xã phường làm điểm tựa và công an làm nòng cốt, đặc biệt là công an các xã, phường, phải xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Các cơ quan, đơn vị, các địa phương, các đoàn thể phải thường xuyên phát động phong trào quần chúng đấu tranh phòng chống tội phạm, phòng chống các tệ nạn xã hội gắn với việc thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, tố giác tội phạm, giáo dục cảm hoá người lầm lỗi và giúp đỡ họ tái hoà nhập cộng đồng. Công tác tuyên truyền phải đa dạng, nội dung sát hợp với trình độ nhận thức của người dân ở các vùng miền. Công tác phòng chống ma tuý, mại dâm, phòng chống HIV/AIDS chỉ đạt hiệu quả cao khi kết hợp các mặt công tác
này với nhau, trong đó công tác phòng chống ma tuý rất quan trọng. Một nhiệm vụ quan trọng có tính chất quyết định là phải chú trọng đến công tác bồi dưỡng, đào tạo, giáo dục, nâng cao phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ làm công tác này. Đi đôi với việc tăng cường tài chính, nguồn lực, cần kết hợp giữa nội lực và ngoại lực thành một sức mạnh tổng hợp vì không một quốc gia nào có thể tự giải quyết được các vấn đề này nếu không có sự hợp tác quốc tế.
Với sự nỗ lực và quyết tâm cao của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các đoàn thể xã hội, công tác phòng chống ma tuý, mại dâm, phòng chống HIV/AIDS ở Tp.HCM đã có những chuyển biến rất quan trọng. Tuy nhiên, các lĩnh vực này vẫn đang gây những bức xúc trong nhân dân và là những hiểm hoạ trong xã hội. Trong những năm qua, nền kinh tế của Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể, đời sống của nhân dân đã được cải thiện, nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, một số mặt của xã hội có chiều hướng xấu đi nhiều so với trước, trong đó có ma tuý, mại dâm, HIV/AIDS, nhất là tệ nạn ma tuý. Đa số người nghiện ma túy đều là những người có trình độ văn hoá thấp, là những đối tượng có tiền án, tiền sự, gái mại dâm, người không có nghề nghiệp, thu nhập không ổn định. Vừa nghiện ma tuý, nhiều đối tượng còn trực tiếp tham gia buôn bán, vận chuyển và sử dụng trái phép ma tuý để kiếm lời. Người nghiện ma tuý còn là lao động trong một số nhóm ngành nghề như lái tàu xe, công nhân cầu đường, hầm mỏ, công nhân lâm trường, giáo viên ở vùng sâu vùng xa và một bộ phận học sinh, sinh viên ăn chơi đua đòi. Nguyên nhân của tình hình này là do ảnh hưởng của tình hình ma tuý trong khu vực và trên thế giới, ảnh hưởng của cơ chế thị trường, sự phân hoá giàu nghèo đi liền với tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm. Về chủ quan, do chưa đánh giá sát tình hình thực tế nên hầu hết các chỉ tiêu đề ra trong công tác phòng chống ma tuý, mại dâm, HIV/AIDS còn quá cao, trong khi đó lại thiếu điều kiện để thực hiện. Lãnh đạo một số cơ quan, ban ngành chưa thật sự quan tâm đến công tác này; Việc triển khai chương trình, kế hoạch còn chậm, nặng về hình thức, ít hiệu quả; Sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan đôi khi thiếu đồng bộ. Mặt khác, một số điểm trong các văn bản pháp quy không còn phù hợp với thực tế, kinh phí dành cho công tác này còn thiếu và nhiều khi chưa được sử dụng đúng mục tiêu.