1. Các khái niệm cơ bản:
1.1. Các khái niện về Khoa học và Công nghệ
1.1.1. Khoa học là hệ thống tri thức về các hiện tượng, sự vật, quy luật của tự nhiên, xã hội và tư duy.[12]
1.1.2. Công nghệ là tập hợp các phương pháp, quy trình, kỹ năng, bí quyết, công cụ, phương tiện dùng để biến đổi các nguồn lực thành sản phẩm.[12].
1.1.3. Hoạt động khoa học và công nghệ bao gồm nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và phát triển công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ, hoạt động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất và các hoạt động khác nhằm phát triển khoa học và công nghệ.[12]
1.1.4. Nghiên cứu khoa học là hoạt động phát hiện, tìm hiểu các hiện tượng, sự vật, quy luật của tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo các giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn. Nghiên cứu khoa học bao gồm nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng.[12].
1.1.5. Phát triển công nghệ là hoạt động nhằm tạo ra và hoàn thiện công nghệ mới, sản phẩm mới. Phát triển công nghệ bao gồm triển khai thực nghiệm và sản xuất thử nghiệm.[12]
1.1.6. Triển khai thực nghiệm là hoạt động ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học để làm thực nghiệm nhằm tạo ra công nghệ mới, sản phẩm mới.[12].
1.1.7. Sản xuất thử nghiệm là hoạt động ứng dụng kết quả triển khai thực nghiệm để sản xuất thử ở quy mô nhỏ nhằm hoàn thiện công nghệ mới, sản phẩm mới trước khi đưa vào sản xuất và đời sống.[12].
1.1.8. Dịch vụ khoa học và công nghệ là các hoạt động phục vụ việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; các hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ; các dịch vụ về thông tin, tư vấn, đào tạo,
bồi dưỡng, phổ biến, ứng dụng tri thức khoa học và công nghệ và kinh nghiệm thực tiễn.[12].
1.1.9. Năng lực công nghệ (NLCN): là khả năng lĩnh hội, thích nghi, cải tiến và sáng tạo công nghệ. NLCN bao gồm 3 thành tố: năng lực sản xuất, năng lực đầu tư và năng lực sáng tạo.[dictionary.bachkhoatoanthu.gov.vn]
Năng lực sản xuất là năng lực vận hành, duy trì hoạt động các phương tiện, thiết bị sản xuất theo các thông số công nghệ ban đầu một cách có hiệu quả tuỳ theo sự thay đổi của điều kiện xung quanh và yêu cầu tăng hiệu quả sản xuất.
Năng lực đầu tư là năng lực tăng công suất các phương tiện, thiết bị sản xuất hiện có và tạo ra các phương tiện, thiết bị sản xuất mới. Năng lực đầu tư bao gồm cả năng lực phân tích lập luận chứng khả thi và năng lực tổ chức thực hiện dự án khi tiến hành đầu tư.
Năng lực sáng tạo là năng lực tạo ra và đưa vào hoạt động các quy trình, phương tiện, thiết bị công nghệ mới. Năng lực sáng tạo bao gồm năng lực cải tiến và hoàn thiện công nghệ với các thông số công nghệ vượt trội so với các thông số công nghệ ban đầu.
NLCN là kết quả luỹ tích của quá trình học hỏi công nghệ và thể hiện năng lực của một tổ chức nhất định tại một thời điểm nhất định. Đôi khi, người ta không nhắc đến khả năng lĩnh hội, thích nghi công nghệ mà chỉ chú ý đến khả năng cải tiến và sáng tạo công nghệ. Trong trường hợp này, khái niệm NLCN thường được hiểu đồng nhất với khái niệm năng lực tiếp thu, là khả năng hấp thụ tri thức sẵn có để tạo ra tri thức mới.
NLCN là yếu tố quyết định sự phát triển kinh tế. Các nghiên cứu cho thấy 9/10 tăng trưởng kinh tế Hoa Kì giai đoạn 1909 - 1949 là do năng lực tiếp thu công nghệ tiên tiến mang lại. Nếu tính cho nửa cuối thế kỉ 20 thì tỉ lệ tăng trưởng do NLCN mang lại cho nền kinh tế Hoa Kì là 50%, kinh tế Pháp là 76%, kinh tế Tây Đức là 78% và kinh tế Nhật Bản là 55%.
Đối với các nước đang phát triển, NLCN là động lực phát triển đất nước. NLCN là kết quả của quá trình chuyển giao, du nhập công nghệ nước ngoài cộng với nỗ lực tiếp thu công nghệ của chính nước đang phát triển. Nói chung, công nghệ có hàm lượng trí tuệ cao, đôi khi kèm theo các bí quyết đặc thù, do đó, nếu không có nỗ lực tiếp thu công nghệ (thông qua giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học - phát triển công nghệ) thì không thể lĩnh hội, thích nghi, cải tiến và làm chủ công nghệ được.
1.1.10. Tổ chức nghiên cứu phát triển nhà nước hay còn gọi là Tổ chức khoa học và công nghệ công lập: là các tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R&D), tổ chức dịch vụ KH&CN có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập. Tổ chức KH&CN công lập được tổ chức dưới các hình thức: viện, trung tâm, trạm, trại (nghiên cứu, quan trắc, thử nghiệm) và các cơ sở nghiên cứu và phát triển khác.
1.1.11. Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN (Trung tâm) ở các tỉnh, thành phố cũng là những tổ chức KH&CN công lập, là đơn vị sự nghiệp có chức năng, nhiệm vụ làm cầu nối, tiếp thu và chuyển giao các kết quả nghiên cứu, các kỹ thuật tiến bộ và công nghệ mới vào sản xuất.