Đánh giá chung về những thuận lợi, khó khăn của huyện Tam Nông

Một phần của tài liệu Nghiên cứu sử dụng Viễn thám (RS) và Hệ thống thông tin địa lý (GIS) để đánh giá xói mòn đất huyện Tam Nông tỉnh Phú Thọ (Trang 80)

II. GTSX theo giá

3.1.4Đánh giá chung về những thuận lợi, khó khăn của huyện Tam Nông

Qua việc điều tra thực tế, phân tích về tình hình tự nhiên, kinh tế - xã hội của huyện Tam Nông có thể đưa ra một số đánh giá như sau.

3.1.4.1 Thuận lợi

- Huyện Tam Nông có vị trí địa lý, địa hình có cả đồng bằng, trung du và miền núi mang lại cho huyện nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp tổng hợp và đa dạng hóa cây trồng. Vùng đồng bằng thuận lợi cho việc phát triển cây lương thực, nuôi trồng thủy sản, trồng cây công nghiệp ngắn ngày (lạc, đậu tương), vùng gò đồi thấp và một số bãi bồi ven sông thuận lợi với việc chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa (bò hướng nạc, bò hướng sữa).

- Hệ thống giao thông của huyện khá thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu, vận chuyển hàng hóa, nông sản, vật tư phục vụ đời sống và sản xuất của người dân.

- Huyện có hệ thống kênh mương cấp 1, 2 và kênh mặt ruộng (cấp 3) đã được kiên cố hóa tạo điều kiện cho việc chủ động tưới tiêu cho phần lớn diện tích canh tác.

- Địa bàn huyện có 3 con sông lớn chảy qua nên hàng năm các vùng bãi ngoài đê được bồi đắp thêm một lượng phù sa lớn làm tăng độ màu mỡ cho đất, thuận lợi cho việc trồng các loại cây hoa màu.

- Do ít chịu tác động về môi trường nên trong việc sử dụng đất canh tác luôn đảm bảo về năng suất và sản lượng của cây trồng.

Ngoài ra, Tam Nông còn có một lực lượng lao động nông nghiệp dồi dào với truyền thống canh tác nông nghiệp lâu đời, cần cù chịu khó. Đồng thời, huyện lại nằm trong khu vực phân lũ của Trung Ương nên được ưu tiên đầu tư nhiều hơn trong việc sản xuất nông nghiệp.

Tất cả những thuận lợi trên đã tạo điều kiện cho Tam Nông những tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội.

3.1.4.2 Khó khăn

Mục tiêu phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp vẫn là một trong những mục tiêu hàng đầu của Huyện. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống cây trồng của huyện Tam Nông chưa đa dạng về chủng loại, chưa thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao trong cơ chế thị trường. Khu vực đất đồi trên địa bàn huyện Tam Nông hầu hết là nghèo chất dinh dưỡng, đặc biệt là chất hữu cơ rất nghèo và đất rất khô hạn.

Hiện tại vườn đồi (trồng cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm) và đất đồi có khả năng kết hợp sản xuất nông, lâm nghiệp chiếm diện tích tương đối lớn trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, thực tế địa phương còn chưa chú trọng các biện pháp bảo vệ đất dốc, ít sử dụng cây trồng xen và sử dụng vật liệu che phủ đất để bảo vệ, duy trì và làm tăng dinh dưỡng đất, độ ẩm đất cho vườn đồi, vì vậy hiệu quả sử dụng đất chưa cao. Diện tích đất sản xuất theo mô hình nông - lâm kết hợp chưa nhiều.

Hiện trạng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất vùng đồi (điện, thủy lợi) còn khó khăn, điều kiện đầu tư còn hạn hẹp. Chế độ canh tác trên đất dốc của người dân hiện còn nhiều hạn chế dẫn đến đất đai bị xói mòn, rửa trôi mạnh về mùa mưa và khô hạn về mùa khô, nghèo kiệt dinh dưỡng, năng suất cây trồng thấp. Do vậy, hiệu quả kinh tế của các loại hình sử dụng đất đồi như hiện nay còn thấp và việc đưa một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao lên vùng đồi của huyện còn gặp rất nhiều khó khăn.

Tập quán canh tác của một bộ phận nhân dân còn lạc hậu, chưa có sự nhạy bén trong việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Kinh tế hàng hóa phát triển chưa cao, sản phẩm làm ra chưa có nơi tiêu thụ ổn định. Sản phẩm nông lâm nghiệp chủ yếu là sản phẩm thô chưa qua chế biến nên giá trị thấp.

Đời sống của một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn. Mức thu nhập thấp nên việc đầu tư cho phát triển sản xuất chưa được quan tâm đúng mức. Đó chính là những thách thức lớn cho việc khai thác tiềm năng đất đồi huyện Tam Nông.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu sử dụng Viễn thám (RS) và Hệ thống thông tin địa lý (GIS) để đánh giá xói mòn đất huyện Tam Nông tỉnh Phú Thọ (Trang 80)