Có rất nhiều cách hiểu về từ phong cách. Chúng ta thường hiểu đó là “tác phong và sự thanh lịch trong hành vi của một người”. Phong cách của một nhà quản lý, một nhà điều hành bao gồm những gì anh ta làm được, và quan trọng hơn, cả những gì anh ta không làm được.
• Phong cách là đối xử với mọi người bằng giá trị nhân phẩm một cách xứng đáng. Nó không phải là đối xử với mọi người như thể họ là mục tiêu của sản phẩm. • Phong cách không liên quan gì đến tình trạng xã hội của bạn. Nó là những hành vi cư xử của bạn.
• Phong cách có nghĩa là không sử dụng những từ ngữ thô tục, thậm chí ngay cả khi bị tấn công. Phong cách nghĩa là có một vốn từ vựng rộng lớn để không tuôn ra những từ ngữ thô lỗ.
• Phong cách giúp mọi người thể hiện sự tự hào về thành công, về bản thân mà không cảm thấy bị coi thường, xem nhẹ.
• Phong cách không có nghĩa là bất thường, lập dị.
• Phong cách là không có ham muốn dục vọng nơi công sở, không đưa ra những dấu hiệu, gợi ý về tình dục đáng xấu hổ với một người nào đó khi cô ấy đứng sát bên. • Phong cách là không nói điều gì xúc phạm đến tổ chức khi thất vọng, bất kể là bạn cảm thấy như thế nào.
• Phong cách là không để những hành động hay lời nói tiêu cực của người khác lôi kéo một ai đó vào điều tồi tệ.
• Phong cách không làm mất đi sự điềm tĩnh của một ai đó. Nó không bao giờ khiến một người mất đi cơ hội xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp.
• Phong cách không hợp lý hóa những sai lầm. Phong cách học hỏi từ những sai lầm và tiến bộ từ đó.
• Phong cách của một nhà quản lý là tập trung vào chúng ta và hạn chế từ tôi. • Phong cách nghĩa là có nhân cách tốt.
• Phong cách nghĩa là tôn trọng một người là nền tảng cho thấy sự tôn trọng những người khác.
• Phong cách nghĩa là không bao giờ hạ thấp đối tác. Sự hạ thấp này cho thấy nhiều điều về người nói hơn là đối tác.
• Phong cách của nhà quản lý là sự trung thành đối với nhân viên.
• Phong cách nghĩa là không tin rằng mình đứng ở vị trí cao hơn những nhân viên còn lại, mà đơn thuần chỉ là có những trách nhiệm khác nhau.
• Phong cách là không phản ứng khi nổi giận mà sẽ đợi đến khi sự bình tĩnh trở lại. Phong cách không phải là sự bốc đồng.
• Phong cách là nhận ra rằng cách tốt nhất để phát triển bản thân là phát triển những người khác.
• Phong cách không quá quan tâm đến việc có được công trạng, danh vọng. Phong cách cũng nhận ra rằng đôi khi một người sẽ có được danh vọng tốt hơn những người khác. Phong cách giúp công bằng hóa mọi việc khi không có sự phong chức tước nào.
• Phong cách có nghĩa là làm việc chăm chỉ để sao cho hành động tương xứng với lời nói.
• Phong cách không phát triển bản thân bằng cách gây tổn thương cho người khác.
• Phong cách lãnh đạo bằng ví dụ.
• Phong cách hiểu rõ vai trò và tầm quan trọng của nụ cười ấm áp.
TỔNG KẾT
Rất nhiều chủ đề khác nhau đã được đề cập trong cuốn sách về cách thức lãnh đạo, nhưng chắc chắn không thể là tất cả những vấn đề bạn gặp phải trong suốt sự nghiệp quản lý của mình – hay thậm chí chỉ trong vài tuần đầu tiên đảm nhiệm vai trò mới.
Cuốn sách không thể bao hàm mọi vấn đề, tình huống, nhưng hy vọng rằng bạn có thể có được kiến thức và hiểu biết về những kỹ thuật quản lý con người để giúp công việc của bạn ý nghĩa hơn, vui vẻ hơn và dễ hiểu hơn. Có thể bạn cho rằng chúng ta đã dành quá nhiều thời gian cho vấn đề về thái độ, cách chúng ta nhìn nhận bản thân cũng như những vấn đề phải đối mặt, nhưng đó chính xác là những gì làm nên thành công hay thất bại của bạn.
Nếu bạn là tuýp người tin rằng mình bị kiểm soát bởi các sự kiện, hành động, vậy kết quả sẽ như thế nào? Bạn sẽ trở thành những con rối bị những kẻ múa rối giật dây. Đó là thực tế. Mặc dù các sự kiện vượt xa tầm kiểm soát có ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống của bạn, nhưng bạn vẫn là người kiểm soát cách nghĩ cũng như những suy nghĩ của mình. Nói cách khác, chính suy nghĩ của bạn sẽ kiểm soát phản ứng của bạn đối với những sự kiện này.
Vấn đề này chưa được nghiên cứu trong Lần đầu làm sếp. Cuốn sách cũng không nói rằng nếu bạn làm việc chăm chỉ và không phạm pháp, bạn sẽ đạt tới đỉnh cao. Tuy nhiên, cơ hội sẽ tốt hơn nếu bạn làm theo những hướng dẫn dưới đây, thay vì lờ đi những gì được coi là chân lý.
Thế giới này không đảm bảo rằng mọi thứ đều công bằng và rằng bạn sẽ luôn nhận được những gì xứng đáng. Không bao giờ là như thế. Nhưng rõ ràng bạn sẽ không có cơ hội đạt được mục tiêu nếu cứ ngồi đó và chờ mọi thứ đến.
Chúng ta phải phát triển. Cuốn sách này được viết ra nhằm hướng dẫn bạn cách thức quản lý con người, nhưng quan trọng không kém là việc bạn phát triển như một con người toàn diện. Sự nghiệp sẽ là yếu tố bổ sung cho sự phát triển toàn diện ấy, bởi đó là một phần quan trọng trong cuộc sống của bạn. Chúng ta không nên làm những công việc mình không thích, nhưng ngược lại, cũng cần nhìn nhận thực tế rằng tất cả mọi công việc đều có những khía cạnh mà chúng ta không thích thú gì. Sự cân bằng cũng rất quan trọng. Nếu hầu hết các công việc đều thú vị, thỏa mãn và nhiều thử thách, thì rõ ràng bạn có thể chịu đựng được những khía cạnh làm bạn chán nản. Nhưng nếu bạn không thích hầu hết những gì mình đang làm, thì rõ ràng bạn đã chọn sai công việc và bạn nên thay đổi. Cuộc sống quá ngắn ngủi để dành thời gian và năng lượng cho một sự nghiệp rồi sẽ hủy hoại bạn.
Bạn chắc chắn đã biết rất nhiều người gắn bó với công việc mà họ hoàn toàn không thích bởi nó sẽ mang đến những phúc lợi hưu trí lớn. Những phúc lợi hưu trí triển vọng tuyệt vời đó sẽ ích gì khi con người đã hủy hoại sức khỏe của chính mình trước khi có thể về hưu? Điều tồi tệ là họ có sẽ không thể sống lâu được đến lúc đó.
Cũng có những người liên tục phàn nàn về công việc của mình, nhưng lại không bao giờ kiếm tìm một công việc khác bởi nỗi sợ thay đổi, sợ việc không có danh vọng còn lớn hơn cả cảm giác ghét bỏ của mình.
Có thể Abraham Lincoln đã đúng khi nói: “Tất cả mọi người đều sẽ hạnh phúc khi họ làm cho tư duy của mình nghĩ như vậy.” Câu nói này cũng chính là tất cả những gì mà cuốn sách muốn đề cập về thái độ.
Có quá nhiều người, khi ở độ tuổi trung niên, bắt đầu nghĩ đến những đóng góp của bản thân cho thế giới. Họ thường bị áp lực bởi họ tin rằng những điều họ làm chẳng quan trọng gì. Họ tự hỏi: “Việc mình làm quản lý trong một công ty sản xuất bu-lông thì có ý nghĩa gì?” Đặt trong bối cảnh đó, dường như nó chẳng liên quan gì. Nhưng câu hỏi lẽ ra nên là: “Tôi có thể tạo được những ảnh hưởng nào đối với những người mà tôi đã gặp gỡ, trong cả công việc lẫn cuộc sống cá nhân?”
Nếu câu trả lời của bạn mang tính tích cực, việc công ty của bạn sản xuất bu-lông hay thuốc chữa bệnh cũng chẳng quan trọng gì. Hệ thống không quan trọng, sản phẩm không quan trọng mà những ảnh hưởng của bạn đối với những người xung quanh mới là yếu tố quyết định. Tương tự, đảm nhiệm một vị trí cao hơn một chút trong tổ chức không có nghĩa là làm cho bạn quan trọng hơn những người khác. Nhà quản lý hay một nhà điều hành là sự kết hợp của một nhà lãnh đạo và một kẻ nô lệ. Không có nhiều nhà điều hành sẵn lòng thừa nhận khía cạnh nô lệ trong nhiệm vụ của mình, bởi nó tác động tới quan niệm cao quý về vị trí của họ.
Thực tế, khi phát triển những hệ thống để nhân viên của mình sử dụng, bạn đang đảm nhiệm vai trò phục vụ họ. Việc duy trì hệ thống đánh giá chất lượng công việc và quản lý tiền lương cũng chính là phục vụ nhân viên. Việc sắp xếp lịch nghỉ dưỡng cho nhân viên sao cho họ có thể tối đa hóa những ích lợi từ việc nghỉ ngơi cũng có nghĩa là bạn đang phục vụ họ. Tuyển dụng và đào tạo nhân sự cho bộ phận của mình cũng chính là phục vụ cho những con người đang làm việc tại đó.
Không có mấy người gặp khó khăn để hiểu rằng vị trí của Tổng thống Mỹ là có quyền lực tối cao – nhưng thực tế, ông ta cũng chỉ là nô lệ, đúng hơn là nô lệ công chúng số một. Cách hiểu tương tự cũng đúng với sự nghiệp quản lý. Luôn có sự kết hợp giữa hai khái niệm gần như trái ngược: quyền lực và trách nhiệm phục vụ. Nếu có thể duy trì sự cân bằng cho hai yếu tố này, bạn sẽ tránh được việc nhìn nhận quá tự mãn về vai trò của bản thân, đồng thời sẽ hoàn thành công việc tốt đẹp hơn.
Bạn không nhất thiết phải trở nên thông minh hơn. Bạn đã có được những trải nghiệm mà rất nhiều người đã phải trải qua hàng loạt sai lầm mới có được. Việc bạn gọi nó là gì không quan trọng, miễn là bạn ngày càng giỏi giang và có ảnh hưởng hơn, và việc đó sẽ đạt được khi bạn trải qua nhiều trải nghiệm khác nhau trong công việc với mọi
người. Bạn sẽ học hỏi được rất ít từ những trải nghiệm giống nhau, trừ một điều là bạn sẽ thực hiện việc đó trơn tru hơn.
Bạn sẽ đạt được rất nhiều điều từ việc phát triển niềm đam mê cho nhân viên. Liệu bạn có thể cảm nhận được mình muốn được đối xử như thế nào nếu bạn ở vào vị trí của họ hay không?
Thành công lớn nhất của bạn là hướng dẫn được mọi người trong công việc – điều chiếm một nửa thời gian cuộc đời của họ. Thành công với vai trò quản lý sẽ bắt đầu từ chính bạn và thái độ của bạn đối với trách nhiệm của mình. Hy vọng rằng cuốn sách này sẽ hỗ trợ bạn mở ra một chương mới mẻ và thú vị trong cuộc đời.