Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trần Văn Nhạc
Khoa Vật lý - Vật lý Kỹ thuật, Trường ĐH KHTN, ĐHQG-HCM
Tóm tắt
Trắc quang thiên văn là một phần của Thiên văn vật lý nghiên cứu về bức xạ đến được Trái Đất của
thiên thể. Từ các bức xạ điện từ có thể xác định được các đại lượng đặc trưng cơ bản của sao: cấp sao tuyệt đối, cấp sao biểu kiến, độ trưng,... Thông qua quang phổ thu được, chúng ta cũng có thể biết được nhiệt độ bề mặt của sao. Từ đó tính toán được các đặc trưng cơ bản khác như bán kính, khối lượng, khoảng cách của chúng đến Trái Đất. Báo cáo này trình bày một trong những phương pháp xác định bán kính của sao bằng phương pháp trắc quang, dựa vào bức xạ mà ta thu được từ Trái Đất của chúng bằng cách áp dụng định luật Stefan - Boltzmann. Phương pháp này cho kết quả khá chính xác, thời gian quan trắc nhanh và áp dụng được với hầu hết các sao bất kể khoảng cách đến Trái Đất. Đồng thời, tôi cũng áp dụng phương pháp này để tính toán bán kính đối với 20 ngôi sao sáng tiêu biểu. Mặt Trời là một ngôi sao trung bình, nóng sáng ở nhiệt độ bề mặt khoảng 6000K. Mặt Trời cũng tuân theo định luật Stefan – Boltzmann và bức xạ năng lượng với một tốc độ phụ thuộc vào nhiệt độ bề mặt của nó. Nhiệt độ bên trong Mặt Trời lớn hơn 6000K rất nhiều. Song ta chỉ nhìn thấy sự bức xạ từ bề mặt, nên chính nhiệt độ bề mặt xác định độ sáng của nó. Điều này cũng đúng đối với các ngôi sao khác có nhiệt độ bề mặt nằm trong dải từ khoảng 3000K tới 40000K, trừ một số ngôi sao có nhiệt độ bề mặt còn nóng hơn. Nếu biết được nhiệt độ bề mặt và cấp sao tuyệt đối của sao thì ta có thể tính được bán kính của chúng.
FINDING THE RADIUS OF 20 BRIGHTEST STARS IN THE SKY BY STEFAN - BOLTZMANN' S LAW