Hàng thuỷ sản

Một phần của tài liệu Tìm hiểu thực trạng thương mại hai chiều Việt Nam - Hoa Kỳ (Trang 40 - 43)

III. các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá việt nam sang Hoa Kỳ

3.3.2. Hàng thuỷ sản

Mặc dù được hưởng mức thuế phi MFN chênh lệch không lớn so với mức thuế MFN và luôn là một trong những mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam sang Mỹ (có kim ngạch lớn nhất năm 2000 với 242,9 triệu USD), xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết lợi thế của mình. Ngay cả khi Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ có hiệu lực, thì xuất khẩu thủy sản cũng khó phát huy hết tiềm năng nếu ngành thủy sản không thực hiện những biện pháp thiết thực, mà cụ thể là:

Thứ nhất, cần phải tăng cường đầu tư và nâng cao năng lực quản lý việc đánh bắt cá xa bờ và nuôi trồng thủy sản để một mặt đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, mặt khác đa dạng hóa chủng loại sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Trước tình hình nguồn tài nguyên ven bờ đã cạn kiệt do khai thác quá công suất trong thời gian qua cho nên chủ trương tăng sản lượng khai thác đánh bắt xa bờ là một biện pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề nguyên liệu cho chế biến thủy sản xuất khẩu, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để lựa chọn những loại thủy sản mới đưa và xuất khẩu. Bên cạnh đánh bắt xa bờ, một lợi thế so sánh khác của Việt Nam để tham gia thương mại quốc tế thời gian tới là đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, để có thể giải quyết được những vấn đề liên quan đến vốn, diện tích, kỹ thuật nuôi trồng như giống, thức ăn và những ràng buộc về môi trường sinh thái ngành thủy sản chắc chắn rất cần tới sự trợ giúp của Nhà nước và cộng đồng quốc tế.

Thứ hai, giá hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ nhìn chung là vẫn thấp, chỉ bằng 70% mức giá cùng loại của Thái Lan và Indonesia nhưng vẫn không cạnh tranh được với hàng từ các nước xuất khẩu khác. Sở dĩ như vậy là do kỹ thuật chế biến hàng thủy sản Việt Nam còn hạn chế. Để khắc phục điểm bất lợi này, cần phải tăng cường hợp tác kinh tế - kỹ thuật với nước ngoài trong việc chế biến hàng thủy sản xuất khẩu.

Việc gia nhập Hiệp hội Nghề cá các nước Đông Nam A cũng như gia nhập các tổ chức khu vực và thế giới AFTA, APEC sẽ mở ra cho Việt Nam những cơ hội vô cùng to lớn để tranh thủ nguồn vốn đầu tư, đổi mới công nghệ đánh bắt, chế biến và nuôi trồng thủy sản, cũng như học hỏi những kinh nghiệm trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ khoa học kỹ thuật của các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines, là những nước chế biến thủy sản khá tiên tiến và có sản phẩm thủy sản đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

Thứ ba, song song với việc phấn đấu giảm giá thành để có ưu thế trong cạnh tranh quốc tế thì vấn đề đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh hàng thực phẩm có tầm quan trọng sống còn đối với hoạt động xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam nói chung, hoạt động xuất khẩu sang thị trường Mỹ nói riêng. Tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm HACCP (Hazard Analysis Critical Control Point - Phân tích các nguy cơ và kiểm soát các khâu trọng yếu) là yêu cầu bắt buộc đối với hàng thủy sản Việt Nam khi xuất sang thị trường Mỹ. Để chiếm lĩnh thị trường Mỹ, thì không còn cách nào khác ngoài việc các doanh nghiệp sản xuất chế biến thủy sản Việt Nam phải tranh thủ sự trợ giúp về kỹ thuật, tài chính của Nhà nước và quốc tế để đạt chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP.

Cuối cùng, do thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chiến lược sang thị trường Mỹ cho nên để giúp các doanh nghiệp sản xuất và chế biến thủy sản xuất khẩu đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Mỹ, Nhà nước cần tăng cường các biện pháp khuyến khích xuất khẩu thủy sản. Chẳng hạn, có chính sách hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật cho các doanh nghiệp Việt Nam như tài trợ xuất khẩu thủy sản và thành lập quỹ hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu thủy sản, quỹ tín dụng...

Một phần của tài liệu Tìm hiểu thực trạng thương mại hai chiều Việt Nam - Hoa Kỳ (Trang 40 - 43)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(49 trang)
w