Nhà nước đóng vai trò là người xây dựng môi trường pháp lý chung, điều chỉnh các quan hệ xã hội, đặc biệt là các mối quan hệ trong kinh doanh. Như vậy, vai trò của Nhà nước trong trường hợp này là đảm bảo cho các quy tắc đã hoàn thiện được tuân thủ nghiêm ngặt, đồng thời sửa đổi bổ sung những quy phạm pháp luật chưa thực sự hoàn thiện và phù hợp để áp dụng thanh toán quốc tế tại Việt Nam.
Đối với những quy định pháp lý đã phù hợp với thông lệ kinh doanh quốc tế như nguồn luật điều chỉnh phương thức thanh toán bằng thư chứng từ L/C- UCP 600, Nhà nước cần đảm bảo giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy định này. Bên cạnh đó, Nhà nước có thể hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các quy định này thông qua các lớp đào tạo ngắn hạn do cơ quan chức năng tổ chức thực hiện.
Với những phương thức còn tồn tại những hạn chế trong áp dụng như Quy tắc thống nhất về nhờ thu chứng từ thương mại – URC (Uniform Rule for Collection), cần nghiên cứu kỹ lưỡng và sửa đổi cho phù hợp với điều kiện kinh doanh của Việt Nam. Trong quá trình ban hành quy định riêng cần quan tâm đến xu hướng áp dụng của các nước trên thế giới để tìm thấy nét tương đồng trong quan điểm của các nước khi xem xét vấn đề, tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp khi tham gia thương mại quốc tế. Ví dụ, với
phương thức chuyển tiền, dù trên thế giới chưa có quy định chung thống nhất và quy định của VN khá chung chung, NHTW cần xây dựng một mẫu thống nhất về lệnh chuyển tiền để tránh tạo thuận lợi cho việc thanh toán nhờ chuyển tiền trong nước, tạo sự đồng bộ khi các ngân hàng VN làm việc với các đối tác nước ngoài. Hay với phương thức ghi sổ, cần hoàn thiện hệ thống luật điều chỉnh để có sự ràng buộc chặt chẽ hơn giữa các bên tham gia.
Với những phương thức như bảo lãnh, Nhà nước nên hỗ trợ các Doanh nghiệp nhỏ nhưng hoạt động tốt và có tiềm năng phát triển trong hoạt động bảo lãnh, tạo điều kiện để Doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.