Kho bạc Nhà nước Lâm Đồng nói riêng và hệ thống KBNN nói chung cần nghiên cứu nhằm góp phần hoàn thiện phương thức cấp phát NSNN theo dự toán đã được quy định trong Luật Ngân sách Nhà nước, nâng cao chất lượng dự toán cũng như hiệu quả kiểm soát chi theo dự toán. Việc này cần phải dựa trên một số nguyên tắc thực hiện sau:
- Việc thực hiện phương thức cấp phát này phải dựa trên cơ sở xem dự toán chi NSNN sau khi được Quốc hội phê chuẩn là một đạo luật buộc Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải có trách nhiệm tuân thủ nghiêm ngặt.
- Mọi khoản chi NSNN phải có trong dự toán và theo đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Dự toán chi NSNN theo mục lục NSNN đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt là giới hạn tối đa mà các đơn vị được chi kể cả về tổng mức chi và cơ cấu chi. Nguyên tắc này đòi hỏi sự tuân thủ tuyệt đối quy định về mục lục NSNN trong cả chu trình ngân sách từ khâu lập, chấp hành, kế toán và quyết toán NSNN, đồng thời là căn cứ để hoàn thiện các phương thức cấp phát ngân sách hiện hành.
- Việc kiểm soát chi theo dự toán đòi hỏi KBNN phải kiểm tra, kiểm soát một cách chặt chẽ các khoản chi của đơn vị và kiên quyết từ chối thanh toán các khoản chi không có trong dự toán được duyệt, không đúng chế độ tiêu chuẩn, định mức đã được quy định.
- Cần cải tiến về nội dung, quy trình lập, duyệt và phân bổ dự toán NSNN, đảm bảo tính chính xác, chi tiết, đầy đủ và kịp thời. Dự toán NSNN đã được phê duyệt phải là căn cứ pháp lý quan trọng để KBNN tiến hành kiểm tra, kiểm soát quá trình chấp hành và quyết toán NSNN của các đơn vị thụ hưởng. Vì vậy, để việc kiểm soát có hiệu quả, nhất thiết phải có sự tham gia của KBNN vào quá trình xét duyệt dự toán NSNN. Có như vậy mới hạn chế được những tiêu cực hay sử dụng công quỹ lãng phí ngay từ khi bắt đầu chu trình ngân sách và nâng cao chất lượng kiểm soát chi NSNN qua KBNN.
- Song song với việc nghiên cứu và và áp dụng phương thức cấp phát, kiểm soát chi NSNN theo dự toán, cần tăng cường và mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng của phương thức quản lý cấp phát theo kết quả đầu ra của công việc đối với các đơn vị thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính, đơn vị sự nghiệp có thu. Sự kết hợp giữa cấp phát, kiểm soát chi NSNN theo dự toán và khoán chi sẽ ngày càng thuận lợi hơn, tạo cơ chế quản lý NSNN theo kết quả đầu ra thay vì đầu vào như hiện nay.
Tóm lại, thực hiện phương thức cấp phát ngân sách Nhà nước theo dự toán theo đúng nghĩa vốn có của nó sẽ khắc phục được phần lớn hạn chế của các phương thức cấp phát NSNN đã thực hiện như trước đây.