khoản thu khác tại các đơn vị sự nghiệp hiện nay.
Qua thực tế kiểm toán tại các đơn vị sự nghiệp có thu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhận thấy, các đơn vị có số thu lớn và đóng góp nhiều cho NSNN chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực: Y tế, Giáo dục – đào tạo, Giao thông – vận tải, Văn hóa – thông tin, Thể dục – thể thao, Phát thanh – truyền hình, Lao động – Thương binh – Xã hội, Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, Tài nguyên – môi trường, Thương mại, Khoa học – công nghệ… Trong đó, 02 khoản thu học phí thuộc lĩnh vực Giáo dục – đào tạo và viện phí thuộc lĩnh vực Y tế có số thu lớn và quan trọng đối với NSĐP. Ngoài các đơn vị hoạt động trong các ngành, lĩnh vực kể trên, các đơn vị sự nghiệp có thu còn lại đa phần có số thu thấp hoặc trực thuộc ngành dọc do trung ương quản lý. Một số khoản thu sự nghiệp, phí, lệ phí do các cơ quan quản lý nhà nước như: văn phòng các Sở, nghành, Ủy ban nhân dân các cấp… trực tiếp thu không thuộc đối tượng nghiên cứu của đề tài.
Ngoài nguồn thu từ NSNN như: Kinh phí thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, chương trình mục tiêu quốc gia, các nhiệm vụ đột xuất; Kinh phí thanh toán theo chế độ đặt hàng; Kinh phí cấp để thực hiện tinh giản biên chế; Vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị…, nguồn thu từ các khoản viện trợ, biếu, tặng của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn thu sự nghiệp của các đơn vị sự nghiệp có thu do đơn vị tổ chức thu chủ yếu gồm: Các khoản thu phí, lệ phí thuộc NSNN theo quy định của Pháp lệnh phí và lệ phí, Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí và Thông tư số
63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí; Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002. Nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp có thu chủ yếu là thu phí, thu từ hoạt động sự nghiệp của đơn vị như: sản xuất, cung ứng dịch vụ và một số khoản thu theo quy định khác của pháp luật (thu thanh lý tài sản, lãi tiền gửi…).
Qua thực tế kiểm toán nhận thấy thực trạng về tình hình khai thác, quản lý và sử dụng các khoản thu tại các đơn vị sự nghiệp có thu có một số điểm nổi bật ảnh hưởng đến tình hình thu, chi ngân sách như sau:
2.1.1.1. Đối với các khoản thu phí, lệ phí, thu sự nghiệp, thu từ các hoạt động sản xuất, cung ứng dịch vụ liên quan trực tiếp đến hoạt động sự nghiệp của các đơn vị sự nghiệp có thu.
Đi sâu nghiên cứu, đánh giá trên một số ngành, lĩnh vực có số lượng đơn vị sự nghiệp nhiều và số thu tương đối lớn, cụ thể như sau:
a. Y tế:
Nguồn thu của các đơn vị chủ yếu là thu viện phí, kể cả viện phí do cơ quan Bảo hiểm xã hội và Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo thanh toán thanh toán theo các loại hình dịch vụ khám, chữa bệnh và phục vụ người bệnh được để lại đơn vị sử dụng theo quy định của Nghị định 95-CP ngày 27/8/1994 của Chính phủ và Thông tư liên Bộ số 14/TTLB ngày 30/9/1995 của Liên bộ Y tế - Tài chính – Lao động thương binh và xã hội – Vật giá chính phủ.
Thông tư liên Bộ số 14/TTLB nêu trên không ban hành mức thu cố định, chỉ ban hành khung giá, do đó Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trương ương trên cơ sở khung giá này qua tham mưu của liên ngành Y
tế và Tài chính thực hiện việc ban hành khung giá và mức thu phù hợp với địa phương mình.
Qua thực tế nhận thấy hầu hết các địa phương đều ban hành mức thu viện phí và các khoản thu phí ở mức trung bình trong khung giá quy định của Bộ Tài chính do đời sống của nhân dân còn khó khăn và các chính sách ưu đãi của địa phương dẫn đến số thu thấp không đủ bù đắp chi phí phục vụ cho việc điều trị.
Đối với số thu viện phí từ bảo hiểm y tế, do quy định của cơ quan Bảo hiểm xã hội về thanh toán mức giá trần và thuốc sử dụng điều trị cho đối tượng bảo hiểm y tế dẫn đến việc các Bệnh viện, trung tâm y tế… có số thu từ bảo hiểm y tế không đủ bù đắp các khoản chi phí đã bỏ ra. Bên cạnh đó việc điều trị không đúng tuyến và sử dụng thuốc không đúng quy định nên cơ quan Bảo hiểm xã hội không thanh toán lại cho đơn vị các khoản chi phí đã bỏ ra cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm nguồn thu.
Công tác quản lý thu tại các đơn vị còn chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng trốn viện phí hoặc không có khả năng thanh toán viện phí. Việc buông lỏng quản lý tài chính ở một số đơn vị để sảy ra các hiện tượng tham ô, để ngoài sổ kế toán cũng làm thất thoát số thu viện phí.
Trong công tác hạch toán kế toán một số đơn vị hạch toán chưa chính xác, chưa đúng quy định nên phản ánh không đầy đủ nguồn thu viện phí để bổ sung nguồn kinh phí hoạt động như:
+ Thu bảo hiểm y tế đây là nguồn thu viện phí song các đơn vị thường hạch toán theo dõi riêng mà không hạch toán vào thu sự nghiệp của đơn vị.
+ Một số khoản thu phí, lệ phí các đơn vị thu nộp ngân sách trực tiếp mà không hạch toán kế toán, đồng thời số được để lại sử dụng các đơn vị không bổ sung nguồn kinh phí hoạt động theo quy định.
Đối với một số khoản thu phí, lệ phí khác của ngành y tế được để lại cho đơn vị sử dụng theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí như: Phí y tế dự phòng, phí giám định y khoa, phí kiểm nghiệm mẫu thuốc, phí kiểm dịch y tế, phí kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm, phí thẩm định tiêu chuẩn và điều kiện hành nghề y dược… Nhìn chung, các đơn vị tổ chức thu và quản lý thu theo quy định. Tuy nhiên một số địa phương chưa khai thác đủ nguồn thu này, nguyên nhân chủ yếu là do số thu nhỏ (mức thu thấp), phát sinh không thường xuyên, thiếu hụt biên chế khai thác, đồng thời số được trích lại đơn vị sử dụng cũng không cao nên không khuyến khích các đơn vị quan tâm đến việc tổ chức quản lý và khai thác nguồn thu.
Sau khi Nhà nước thực hiện xã hội hóa khuyến khích các tổ chức và cá nhân huy động các nguồn lực trong nhân dân để cùng tham gia phát triển kinh tế và các đơn vị sự nghiệp có thu thực hiện cơ chế tài chính theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ, các đơn vị trong ngành y tế còn nhiều nguồn thu gắn liền với hoạt động của đơn vị mà chủ yếu là thu từ các hoạt động sản xuất, cung ứng dịch vụ như: khám chữa bệnh theo yêu cầu, dịch vụ giường giá cao, hợp đồng liên kết với tổ chức, cá nhân để đặt máy khám chữa bệnh… Tuy nhiên đối với các khoản thu mang tính chất dịch vụ hầu hết các đơn vị không bóc tách được chi phí cái nào là dịch vụ, cái nào thuộc viện phí đảm bảo (điện, nước, văn phòng phẩm…) do đó làm ảnh hưởng đến việc ghi thu ghi chi ngân sách. Các đơn vị có hoạt động dịch vụ hầu hết chưa kê khai hoặc kê khai không đầy đủ nghĩa vụ với NSNN, đặc biệt đối với các khoản dịch vụ về xã hội hóa được trả về cho các phòng ban chuyên môn đều không thực hiện nghĩa vụ với NSNN, làm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách.
Ví dụ: Hợp đồng dịch vụ đặt máy khám chữa bệnh tại các khoa, theo thỏa thuận của hợp đồng 70% nguồn thu được trả về cho bên đặt máy, 30%
trả về cho các khoa thực hiện. Các khoản chi phí về máy móc do bên đặt máy chịu, các khoa có máy đặt chỉ chịu tiền điện vận hành và công trả cho người vận hành. Tuy nhiên sau khi trả 70% nguồn thu cho bên đặt máy, số còn lại 30% các khoa không tách biệt được chi phí để vận hành máy và không thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước.
Ngoài ra, đối với các khoản dịch vụ phi y tế như: trông xe, căn tin, cho thuê quầy thuốc, phương tiện đưa đón bệnh nhân… các đơn vị chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước theo quy định.
Bên cạnh đó, hàng năm các văn bản hướng dẫn thực hiện dự toán đều yêu cầu các đơn vị có thu đều dành 40% nguồn thu được để lại (riêng ngành y tế dành 35% số thu được để lại để thực hiện cải cách tiền lương sau khi trừ chi phí thuốc, máu, dịch truyền, hóa chất, vật tư thay thế, vật tư tiêu hao) để thực hiện cải cách tiền lương. Tuy nhiên qua thực tế nhiều bệnh viện đã thực hiện trừ các chi phí không phải là vật tư thay thế dẫn đến số phải trích để thực hiện cải cách tiền lương thấp, dẫn đến NSNN phải cấp bù tiền lương nhiều hơn khi thực hiện chế độ tiền lương mới.
b. Giáo dục – Đào tạo:
- Khoản thu sự nghiệp quan trọng nhất của ngành giáo dục – đào tạo là học phí và lệ phí tuyển sinh. Theo quy định của Luật giáo dục năm 2005 “Học phí, lệ phí tuyển sinh là khoản tiền của gia đình người học hoặc người học phải nộp để góp phần bảo đảm chi phí cho các hoạt động giáo dục. Học sinh tiểu học trường công lập không phải đóng học phí. Ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, gia đình người học hoặc người học không phải đóng bất kỳ khoản phí nào khác”. Các đơn vị có thu học phí là các trường học, các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trung tâm dạy nghề, các trường nghiệp vụ trực thuộc các ngành… Hiện nay trên cơ sở mức khung học phí quy định tại Nghị định 49/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 quy định về miễn, giảm học
phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015. Căn cứ vào khung học phí Chính phủ quy định tại Nghị định 49, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức thu học phí cụ thể hàng năm phù hợp với thực tế của các vùng ở địa phương mình.
Nhìn chung các khoản thu về học phí, phí, lệ phí theo quy định, các đơn vị đều tổ chức thu và giải quyết các chính sách miễn giảm theo các quy định của nhà nước và theo mức thu do Ủy ban nhân dân các địa phương ban hành. Tuy nhiên, thực tế tại các đơn vị còn nhiều sai phạm do chủ quan cũng như một số tồn tại khách quan ảnh hưởng đến nguồn thu của đơn vị như sau:
+ Còn để thất thu về học phí do hiện tượng học sinh không đóng đầy đủ theo quy định, trong đó nguyên nhân khách quan là do ý thức chấp hành của một bộ phận dân cư, song không thể chế tài được do các chủ trương chính sách hiện nay của Đảng và Nhà nước là khuyến khích đưa toàn bộ trẻ độ tuổi đi học đến trường… ngoài ra đối với một số đối tượng không thu được nguyên nhân chủ quan là do công tác quản lý kém của các đơn vị dẫn đến hiện tượng chây lỳ, không chịu đóng nhưng không có biện pháp thu hoặc chế tài.
+ Ngoài những khoản thu theo quy định chung, một số đơn vị còn thu một số khoản thu đặc thù của địa phương mình trong đó có các khoản thu được cơ quan thẩm quyền của địa phương cho phép thu như: thu học phí bán trú, cơ sở vật chất bán trú, tiền ăn bán trú, phí nội trú, vệ sinh phí… cũng như các khoản thu đóng góp không có văn bản cho phép thu nhưng lại có tính chất bắt buộc như: thu đóng góp hỗ trợ trường học, thu đóng góp do học trái tuyến dưới hình thức đóng góp sổ vàng, thu tiền giấy thi, thu tiền học phụ đạo, thu tiền quỹ hội phụ huynh học sinh để hỗ trợ đời sống cho giáo viên… Các khoản thu này thường được giao cho bộ phận Công đoàn đơn vị quản lý, sử
dụng mà không đưa vào báo cáo tài chính của đơn vị là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các sai phạm trong quản lý tài chính.
+ Sử dụng biên lai thu của các đơn vị chưa đúng theo các quy định hiện hành của Nhà nước, chủ yếu là sử dụng phiếu thu tiền tự in.
+ Có địa phương ban hành quy định về tổ chức vận động, quản lý và sử dụng nguồn quỹ xã hội hóa giáo dục, trong đó có quy định mức thu bằng tiền trên đầu học sinh phải đóng góp mang tính bắt buộc như một khoản thu học phí, làm tăng gánh nặng cho phụ huynh có con em đang theo học, đồng thời không đúng chủ trương về xã hội hóa cũng như các quy định của pháp luật hiện hành về phí, lệ phí.
+ Một số cơ sở giáo dục – đào tạo sử dụng tài sản của nhà nước để tổ chức các hoạt động liên kết đào tạo với các đơn vị bên ngoài chủ yếu dưới hình thức cho mượn mặt bằng nhưng số thu không thực hiện bổ sung nguồn kinh phí hoạt động của đơn vị nhằm giảm nhẹ gánh nặng của ngân sách mà chuyển cho công đoàn quản lý hoặc hạch toán vào quỹ cơ quan để chi phúc lợi.
Việc tạo ra nhiều nguồn thu nhằm tăng thu cho đơn vị để tăng cường hơn nữa cơ sở vật chất trường học, tăng thu nhập cho cán bộ, giáo viên là hợp lý, tuy nhiên việc đặt ra nhiều khoản thu nhưng không được cơ quan thẩm quyền cho phép là vi phạm pháp luật, không đúng với các chủ trương, đường lối, chính sách hiện nay của Đảng và Nhà nước.
- Đối với các khoản thu từ hoạt động sản xuất, cung ứng dịch vụ: Thực tế hiện nay các đơn vị thuộc ngành giáo dục đào tạo hầu hết đều thực hiện theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, do đó các cơ sở giáo dục – đào tạo thực hiện hợp đồng liên kết với các cơ sở giáo dục khác nhằm đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho địa phương và tạo cơ hội học tập cho
nhiều người trên cơ sở đảm bảo chất lượng, hiệu quả giáo dục, góp phần thực hiện mục tiêu công bằng và xã hội hoá giáo dục, đồng thời cũng tạo nguồn thu cho các cơ sở giáo dục – đào tạo từ đó tăng thu nhập cho cán bộ, giáo viên.
Tuy nhiên nguồn thu của ngành giáo dục chủ yếu là từ ngân sách, do đó đối với các đơn vị sự nghiệp có thu thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo không nên đặt nặng việc tăng thu mà nên chú trọng đến công tác quản lý tài chính, sử dụng kinh phí ngân sách tiết kiệm, tránh lãng phí.
c. Văn hóa, thể thao:
- Các đơn vị sự nghiệp văn hóa thông tin có thu do các địa phương quản lý chủ yếu là các đoàn nghệ thuật, Bảo tàng, Thư viện, Trung tâm thông tin triển lãm, Trung tâm văn hóa, Nhà văn hóa…
Nguồn thu phí, lệ phí hiện hành theo quy định của các đơn vị là rất ít, trong đó chỉ có khoản thu Phí thẩm định nội dung văn hóa phẩm xuất khẩu,