Các nhân tố thuộc môi trường đầu tư bên ngoài KCN

Một phần của tài liệu Tăng cường thu hút và triển khai dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các khu công nghiệp Hà Nội (Trang 28 - 30)

9 Giáo trình, Quản trị dự án và doanh nghiệp FDI, Tr

1.3.4.1. Các nhân tố thuộc môi trường đầu tư bên ngoài KCN

a. Nhân tố chính trị

Sự ổn định chính trị và an ninh là yếu tố cơ bản bảo đảm cho quá trình đầu tư lâu dài. Vì vậy, đây chính là yếu tố đầu tiên khiến các nhà ĐTNN quan tâm khi có ý định đầu tư vào một quốc gia. Đây là điều kiện ảnh hưởng đến mức độ rủi ro của đồng vốn mà nhà ĐTNN ngoài bỏ ra. Những bất ổn về chính trị - xã hội sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng sản xuất và tiêu dùng. Nó làm cho dòng vốn từ nước ngoài đổ vào trong nước sụt giảm và chững lại, thậm chí thúc đẩy dòng vốn từ trong nước đổ ra nước ngoài nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư tốt hơn.

Những sự thay đổi thể chế chính trị sẽ làm đảo lộn phương hướng, chiến lược hay đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh của họ. Sự ổn định về mặt xã hội, tức là nhà ĐTNN được đảm bảo an toàn về con người, về tài sản, hạn chế tối đa các tệ nạn xã hội có thể tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư. Một vấn đề khác cũng được các nhà ĐTNN rất quan tâm là định hướng thu hút FDI của nước sở tại. Các nhà ĐTNN là các TNCs và MNCs, thường có chiến lược kinh doanh dài hạn, nên họ rất cần sự rõ ràng và ổn định trong định hướng ĐTNN của nước sở tại.

Như vậy, sự ổn định về chính trị - xã hội là nhân tố tích cực tác động đến tình hình thu hút ĐTNN và ngược lại, sự bất ổn về chính trị - xã hội là nguyên nhân để các nhà ĐTNN xa lánh.

b. Nhân tố kinh tế

Trình độ phát triển kinh tế của một quốc gia thể hiện ở mức độ phát triển của quản lý kinh tế vĩ mô, cơ sở hạ tầng, chất lượng cung cấp các dịch vụ cho hoạt động kinh doanh của các nhà ĐTNN.

Trình độ quản lý kinh tế vĩ mô có ảnh hưởng lớn đến sự ổn định kinh tế vĩ mô, đến các thủ tục hành chính và nạn tham nhũng. Những nước có trình độ quản lý kinh tế vĩ mô yếu kém thường dẫn đến tình trạng lạm phát cao, nợ nước ngoài nhiều, tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp, các thủ tục hành chính rườm rà…Đây chính là những nguyên nhân gây ra biến động lớn về cung, cầu và sức mua trên thị trường, tác động xấu đến thu hút và triển khai dự án FDI.

Cơ sở hạ tầng là yếu tố vật chất cần thiết để thu hút FDI. Cơ sở hạ tầng bao gồm: Hệ thống kho, cảng, hệ thống giao thông vận tải, hệ thống thông tin liên lạc, bưu chính viễn thông…tốt sẽ giảm bớt chi phí đầu vào và thúc đẩy quá trình lưu thông, tiêu thụ sản phẩm.

Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội phát triển, đồng bộ sẽ giúp cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và lưu thông hàng hóa diễn ra thuận lợi, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình triển khai, thực hiện dự án của nhà ĐTNN. Mặt khác chính sự phát triển của cơ sở hạ tầng sẽ tạo điều kiện cho nước sở tại có thể tận thu được những lợi ích do nguồn vốn nước ngoài đổ vào đầu tư mạng lại, thông qua phí vận chuyển hàng hóa, phí lưu kho, lưu bãi…

Chất lượng các dịch vụ về lao động, tài chính, công nghệ luôn là yếu tố được các nhà ĐTNN cân nhắc kỹ trước khi quyết định đầu tư vào một quốc gia.

c. Nhân tố hệ thống luật pháp về đầu tư

Hệ thống luật pháp là bộ phận quan trọng cấu thành nên môi trường đầu tư của mỗi quốc gia, nó bao gồm không chỉ hệ thống các văn bản pháp luật quy định về ĐTNN, mà bao gồm cả những văn bản quy định về thương mại, chính sách xuất nhập khẩu, thuế suât…Tất cả tạo nên hành lang pháp lý đồng bộ và thuận lợi cho hoạt động thu hút và triển khai các dự án FDI. Các văn bản này phải được ban hành đồng bộ, thống nhất và chặt chẽ, không chồng

chéo, đảm bảo tính bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ngoài hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, mỗi quốc gia còn ban hành hệ thống các chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư, như các chính sách về thương mại, tiền tệ, thuế suất…Các chính sách cần rõ ràng, đơn giản, dễ áp dụng và thông thoáng theo hướng tự do hóa. Chính sách ưu đãi phù hợp sẽ góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng và năng động, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế phát huy được khả năng của mình.

d. Nhân tố văn hóa

Nghiên cứu và xây dựng mô hình đời sống văn hóa đa dạng, phù hợp với thói quen, tâm lý các nhà ĐTNN sẽ tạo ra sức hút mạnh mẽ đối với họ. Ngoài ra, đặc điểm của nền văn hóa xã hội của địa phương cũng sẽ tạo ra sự thuận lợi hay không thuận lợi về ngôn ngữ, tôn giáo, phong tục tập quán để trở thành yếu tố khuyến khích hay kìm hãm việc thu hút các nhà ĐTNN.

Các công trình văn hóa của nước sở tại tại địa phương mà dự án đầu tư nước ngoài triển khai phục vụ lợi ích tinh thần cho các nhà ĐTNN, cho người lao động…đời sống văn hóa, tinh thần phong phú sẽ mang lại hiệu quả làm việc cao cho người lao động và cũng mang lại lợi ích cho nhà ĐTNN.

Tóm lại, qua phân tích trên đây cho thấy môi trường đầu tư bên ngoài KCN có tác động lớn đến hoạt động thu hút và triển khai dự án FDI vào KCN. Nếu môi trường đầu tư thuận lợi sẽ thu hút được nhiều dự án FDI và lượng VĐT lớn, đồng thời giúp các nhà ĐTNN triển khai dự án nhanh chóng, đảm bảo đúng tiến độ đề ra.

Một phần của tài liệu Tăng cường thu hút và triển khai dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các khu công nghiệp Hà Nội (Trang 28 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(93 trang)
w