Phẫu thuật tuyến giáp hiện nay được thực hiện theo 2 phương pháp: - Phẫu thuật tuyến giáp bằng phương pháp mổ mở.
- Phẫu thuật tuyến giáp bằng phương pháp nội soi.
Trước đây, phẫu thuật tuyến giáp mở thường dùng khâu cầm máu, kẹp clip hay sử dụng dao đốt điện cầm máu gây khó khăn nhiều trong cuộc mổ do mạch máu tuyến giáp nhỏ, mảnh, dễ tổn thương, khó cặp clip và buộc. Trong khi sử dụng dao điện sinh nhiệt cao, dễ gây tổn thương nhiệt các cơ quan lân cận như mạch máu tuyến cận giáp hay dây thần kinh quặt ngược.
Phẫu thuật tuyến giáp bằng phương pháp nội soi có ưu điểm về mặt thẩm mỹ nhưng vần còn nhiều hạn chế so với mổ mở như: khối u to, xơ dính…
Cuối thế kỷ 20, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, dao siêu âm ra đời với đặc điểm là nhiệt độ tỏa ra làm biến tính protein chỉ vào
khoảng 50ºC đến 100ºC trong khi dao điện cần đốt nóng mô lên đến hơn 150ºC – 400 ºC mới có thể cầm máu. Do vậy, sử dụng dao siêu âm sẽ hạn chế tổn thương do nhiệt, sau phẫu thuật bệnh nhân ít đau hơn. Dao siêu âm còn an toàn hơn do không sử dụng nguồn điện truyền vào bệnh nhân, tránh được bỏng điện. Dao siêu âm nhanh chóng được áp dụng rộng rãi trong các loại hình phẫu thuật ở nhiều nước trên thế giới.
Có nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau tuỳ thuộc vào loại mô bệnh học, vị trí u, kích thước u, số lượng u, tuổi và tình trạng di căn như: bóc nhân tuyến giáp, cắt thùy giáp, cắt eo tuyến, cắt tuyến giáp gần toàn phần, cắt tuyến giáp toàn phần.
Trong nghiên cứu này chúng tôi đề cập đến 3 phương pháp phẫu thuật chính là:
- Cắt thùy tuyến giáp: cắt một thùy tuyến giáp và eo tuyến.
- Cắt tuyến giáp gần toàn bộ: cắt toàn bộ thùy và eo chỉ để lại dưới 10% phần sau bên của thùy bên đối diện.
- Cắt tuyến giáp toàn bộ: cắt toàn bộ hai thùy và eo tuyến giáp.