Rừng trên núi đá vôi
Rừng trên núi đá vôi là sinh cảnh đặc trưng ở các bản trong toàn xã. Địa hình núi đá vôi có độ cao trung bình từ 700 - 800 m, thuộc kiểu địa hình cacxtơ xâm thực, vách đá nhiều chỗ dựng đứng; thảm thực vật phong phú, độ che phủ khá lớn; khe đá, kẽ đá giàu mùn do lá cây rụng xuống và có độ ẩm tương đối cao. Ngoài ra, rừng trên núi đá vôi là nơi ít chịu ảnh hưởng từ con người so với các sinh cảnh khác. Chính vì vậy đây là nơi lý tưởng để nhiều loài ốc cạn sinh sống.
Đất trồng cây lâu năm
Sinh cảnh này cũng gặp ở hầu hết các bản, tập trung ở các sườn đồi, chân núi. Do tính chất đất phù hợp nên người dân trồng các loại cây công nghiệp như cà phê hay các cây ăn quả dài ngày như xoài, nhãn, vải và cả tre để lấy măng làm thực phẩm. Với độ ẩm không cao, thảm thực vật kém đa dạng và có sự tác động của con người trong quá trình canh tác như sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên sự đa dạng của nhóm ốc cạn ở sinh cảnh này kém hơn so với rừng trên núi đá vôi.
Đất trồng cây ngắn ngày
Sinh cảnh tập trung ở các đồi đất và trong vườn của các hộ gia đình, thường trồng chủ yếu là các cây lương thực như cây ngô, lạc, sắn,…. Các loại cây này có thời gian sinh trưởng và phát triển ngắn từ 4 - 5 tháng và sau đó đất lại để hoang nên độ che phủ và độ ẩm trung bình phủ thấp, bên cạnh đó cùng với các loại phân bón, hóa chất sử dụng trong canh tác dẫn đến thành phần loài ốc cạn ở đây cũng thấp.
Khu dân cư
Sinh cảnh này chịu sự tác động mạnh mẽ nhất từ con người do đây là nơi diễn ra các hoạt động của đời sống xã hội như sinh hoạt, kinh doanh, sản xuất,…
Ngày nay, với tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu về đất đai làm nhà ở, xây các công trình xã hội,…đã làm thay đổi thảm thực vật một cách sâu sắc theo hướng nghèo nàn, dẫn tới giảm độ che phủ, độ ẩm thấp do đó làm giảm sự đa dạng và phong phú của các loài ốc cạn bởi nguồn thức ăn và nơi phân bố của các chúng ngày càng bị thu hẹp.