V. Con người, Văn hóa – Xã hội và thời đạ
6. Vì sao phải tăng cường liên minh giữa giai cấp nông dân với giai cấp công nhân trong thời kỳ đổi mới kinh tế đất nước?
- Xuất phát từ những quan điểm lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê nin về tính tất yếu của liên minh công - nông - trí thức trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, và xuất phát từ đặc điểm của nước ta là từ một nước nông nghiệp, đại đa số dân cư là nông dân, trong quá trình cách mạng, đòi hỏi Đảng ta phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề liên minh giai cấp. Liên minh giai cấp ở nước ta cũng là một tất yếu khách quan, bởi cả ba giai tầng đều cùng chung cảnh ngộ mất nước, đều bị áp bức, bóc lột và cùng chung một mục tiêu giải phóng. Quan điểm, đường lối của Đảng ta về tính tất yếu của liên minh công - nông - trí thức được thể hiện từ văn kiện Đại hội II của Đảng lao động Việt Nam (1951): "Chính quyền của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là chính quyền dân chủ của nhân dân ... Lấy liên minh công nhân, nông dân và lao động trí thức làm nền tảng do giai cấp công nhân lãnh đạo" (Đảng cộng sản Việt nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tập12, tr. 437)
Trong "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã
hội" và trong chỉ đạo thực tiễn, Đảng ta đặc biệt coi trọng mối liên minh này và coi đó là nền tảng của nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Đến Đại hội lần thứ IX, Đảng ta tiếp tục khẳng định tính tất yếu và còn đặc biệt coi trọng vấn đề này khi đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đại hội chỉ rõ: "Động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đại đoàn kết toàn dân trên sơ sở liên minh giữa công nhân với nông dân và tầng lớp trí thức do Đảng lãnh đạo" (Đảng cộng sản Việt nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 86).
Ngoài những đặc điểm chung với giai cấp công nhân quốc tế, giai cấp công nhân Việt Nam còn có những đặc điểm riêng:
- Giai cấp công nhân Việt Nam tuy ra đời muộn và chiếm một tỉ lệ ít trong thành phần dân cư, nhưng do kế thừa được truyền thống đấu tranh anh dũng kiên cường của dân tộc mà giai cấp công nhân nước ta luôn tỏ rõ là một giai cấp kiên cường, bất khuất.
- Giai cấp công nhân Việt Nam ra đời trong nỗi nhục mất nước cộng với nỗi khổ vì ách áp bức bóc lột của giai cấp tư sản đế quốc làm cho lợi ích giai cấp và lợi ích dân tộc kết hợp làm một, khiến động cơ cách mạng, nghị lực cách mạng và tính triệt để cách mạng của giai cấp công nhân được nhân lên gấp bội.
- Giai cấp công nhân Việt Nam ra đời trước giai cấp tư sản Việt Nam, lại có Đảng lãnh đạo nên luôn giữ được sự đoàn kết thống thất và giữ vững vai trò lãnh đạo của mình.
- Giai cấp công nhân Việt Nam đa số xuất thân từ nông dân, có mối liên hệ máu thịt với nông dân. Đó là điều kiện hết sức thuận lợi để thực hiện sự liên minh giai cấp, trước hết là đối với giai cấp nông dân. Ngày nay, trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn, sẽ có nhiều nhiều người nông dân vào làm việc ở các cơ sở công nghiệp và trở thành công nhân ở chính ngay quê hương mình ...
Tuy vậy, số lượng công nhân nước ta còn ít, trình độ văn hoá, tay nghề, khoa học kỹ thuật còn thấp, cách thức làm việc có nơi, có chỗ còn tỏ ra tuỳ tiện, manh mún.
Do vậy, để đảm đương được sứ mệnh lịch sử của mình, một trong những điều kiện quan trọng là giai cấp công nhân Việt Nam phải liên minh được với giai cấp nông dân, tầng lớp trí thức và các tầng lớp nhân dân lao động khác.
- Đặc điểm của giai cấp nông dân Việt Nam
Giai cấp nông dân là giai cấp của những người lao động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp bao gồm: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, ngư nghiệp ...
Giai cấp nông dân có nhiều ưu điểm như: lao động rất cần cù, khó chịu, tạo ra lương thực, thực phẩm nuôi sống con người, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp và hàng xuất khẩu. Là lực lượng chiếm số đông trong xã hội, và gắn bó lâu đời với cội nguồn của dân tộc nên có nhiều công lao đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong xã hội cũ, nông dân bị áp bức, bóc lột nặng nề nhất nên họ có tinh thần phản kháng chống áp bức, bóc lột và bất công.
Về hạn chế: Giai cấp nông dân là những người tư hữu nhỏ, tuy nhiên tư hữu của nông dân không đồng nhất với tư hữu của giai cấp bóc lột. Do phương thức sản xuất phân tán nên nông dân không có sự liên kết chặt chẽ cả về kinh tế, tư tưởng và tổ chức. Giai cấp nông dân không có hệ tư tưởng độc lập mà tư tưởng của họ phụ thuộc vào hệ tư tưởng của giai cấp thống trị xã hội. Nên nông dân không thể tự mình giải phóng mình. Muốn được giải phóng, nông dân phải tham gia vào khối liên minh và chịu sự lãnh đạo của giai cấp công nhân.