CỦA CÁC DOANH NGHIỆP NGÀNH XÂY DỰNG VÀ BẤT ĐỘNG SẢN 4.1.Khái niệm và vai trò của cơ cấu vối tối ưu

Một phần của tài liệu Lựa chọn cơ cấu vốn tối ưu cho nhóm các công ty ngành xây dựng và bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam (Trang 27 - 33)

a) Khái niệm cơ cấu vốn tối ưu

Hoạch định chính sách cơ cấu vốn liên quan đến việc đánh đổi giữa lợi nhuận và rủi ro, vì sử dụng nhiều nợ làm gia tăng rủi ro công ty, nhưng tỷ lệ nợ cao nói chung được đến lợi nhuận kỳ vọng cao. Rủi ro gia tăng có khuynh hướng làm hạ thấp giá

cổ phiếu, trong khi lợi nhuận cao lại có khuynh hướng gia tăng giá cổ phiếu công ty. Từ đó dẫn tới khái niệm về cơ cấu vốn tối ưu như sau:

Cơ cấu vốn tối ưu là cơ cấu vốn cân đối được giữa rủi ro và lợi nhuận và, do đó, tối đa hóa được giá trị cổ phiếu của công ty.

Tùy vào từng ngành nghề, từng giai đoạn phát triển mà DN sẽ lựa chọn một cơ cấu vốn tối ưu để đảm bảo sự cân bằng giữa lợi nhuận và rủi ro.

b) Vai trò của cơ cấu vốn tối ưu

Cơ cấu vốn tối ưu có những vai trò sau:

- Tiết kiệm chi phí sử dụng vốn.

- Tạo giá trị doanh nghiệp cao nhất, gia tăng giá cổ phiếu trên thị trường, tạo được niềm tin đối với nhà đầu tư và thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong huy động vốn khi cần thiết.

- Kiểm soát được những tổn thất liên quan đến vấn đề người đại diện.

- Tận dụng tích cực đòn bẩy tài chính, đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa khả năng sinh lời và rủi ro cho chủ sở hữu doanh nghiệp.

- Cơ cấu tài chính đảm bảo tính ổn định và linh hoạt.

- Thiết lập được một lá chắn thuế hợp lý cho doanh nghiệp. - Tối thiểu hóa chi phí kiệt quệ tài chính, hạn chế rủi ro phá sản.

Thiết lập cơ cấu vốn tối ưu không chỉ đảm bảo khả năng thanh toán, đạt được hiệu quả sử dụng vốn cao mà còn giúp DN có khả năng vay vốn để phát triển cơ hội đầu tư. Trong mỗi chu kỳ sống của DN nhà quản trị tài chính phải xây dựng một cơ cấu vốn phù hợp với đặc điểm tính chất của ngành, đặc điểm của nền kinh tế và đặc tính riêng của DN nhầm đảm bảo nguồn tài chính đủ cần thiết và ổn định đáp ứng cho mục tiêu trước mắt và lâu dài của DN

4.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn cơ cấu vốn của doanh nghiệp

Khi hoạch định chính sách cơ cấu vốn của doanh nghiệp cần lưu ý các nhân ảnh hưởng như sau:

- Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của ngành: Những ngành có chu kỳ sản xuất dài, vòng quay vốn chậm thì cơ cấu vốn sẽ nghiêng về vốn chủ sở hữu. Ngược lại những ngành có vòng quay vốn nhanh thì cơ cấu vốn sẽ nghiêng về nợ phải trả.

- Sự ổn định của doanh thu: Một công ty có doanh thu ổn định có thể sử dụng nhiều nợ vay hơn.

- Cơ cấu tài sản: Các công ty có tài sản thích hợp như là khoản đảm bảo cho nợ vay sẽ có khuynh hướng sử dụng nhiều nợ vay hơn.

- Đòn bảy hoạt động: Khi các yếu tố khác giống nhau, công ty sử dụng ít đòn bảy hoạt động hơn có khả năng sử dụng đòn bảy tài chính tốt hơn vì công ty này có ít rủi ro kinh doanh hơn.

- Tốc độ tăng trưởng: Các công ty có tốc độ tăng trưởng cao phải dựa nhiều vào nguồn vốn bên ngoài, tức là có xu hướng sử dụng nhiều nợ vay.

- Lợi nhuận: Trong thực tế thường thấy là các công ty có tỷ suất lợi nhuận cao sử dụng rất ít nợ vay. Với tỷ suất lợi nhuận cao như vậy cho phép công ty tài trợ cho các hoạt động của mình bằng nguồn vốn nội sinh của mình.

- Thuế: Lãi vay là chi phí được khấu trừ. Do đó các công ty có mức thuế thu nhập cao sẽ có lợi thế về nợ nhiều hơn.

- Quan điểm của ban giám đốc.

- Quan điểm của người cho vay: Thông thường, người cho vay thích các công ty có cơ cấu vốn mà tỷ trọng vốn chủ sở hữu lớn hơn khoản nợ phải trả. Bởi lẽ, cơ cấu này hứa hẹn sự trả nợ đúng hạn, cũng như sự an toàn cho các đồng vốn cho vay mà người cho vay bỏ ra. Khi tỷ lệ vay quá lớn sẽ làm giảm độ tín nhiệm của người cho vay, do đó chủ nợ sẽ không chấp nhận cho công ty vay thêm.

- Điều kiện thị trường. Điều kiện thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu gặp khó khăn trong ngắn hạn và dài hạn thì sẽ có tác động quan trọng đến cơ cấu vốn tối ưu. Một công ty khi cần vốn buộc phải tìm đến thị trường cổ phiếu hay trái phiếu ngắn hạn bất kể cơ cấu vốn mục tiêu của công ty là như thế nào.

- Sự linh hoạt tài chính.

4.3. Nguyên tắc hoạch định cơ cấu vốn tối ưu

Mỗi doanh nghiệp có điều kiện tài chính khác nhau, tùy vào hoàn cảnh của nền kinh tế mà doanh nghiệp lựa chọn một cơ cấu vốn phù hợp cho từng giai đoạn phát triển. Có một số nguyên tắc chung được xem xét khi hoạch định cơ cấu vốn

a) Nguyên tắc tương thích

Loại vốn sử dụng phải tương thích đối với tính chất của tài sản được tài trợ. Tức là, loại vốn có được phải nhất quán hay hài hòa với loại tài sản hoạt động mà DN đang sử dụng.

- Tài sản cố định, tài sản lưu động thường xuyên tài trợ bằng nguồn vốn thường xuyên dưới hình thức nợ dài hạn hay vốn cổ phần thường.

- Các tài sản lưu động tạm thời tài trợ bằng nợ ngắn hạn có thể nới rộng hay thu hẹp theo các dao động tương ứng trong tài sản.

Việc vi phạm nguyên tắc này sẽ dẫn đến những sai lầm:

- Nếu DN tài trợ cho tài sản cố định hay tài sản lưu động thường xuyên bằng nguồn vốn ngắn hạn sẽ dẫn đến rủi ro thanh khoản: việc thu hồi đầu tư từ tài sản này là một quá trình chậm kéo dài qua nhiều năm, còn việc hứa hẹn trả nợ cho các chủ nợ sẽ đến nhanh hơn do vậy cứ đến mỗi kỳ trả nợ thì DN phải loay hoay để tìm nguồn tái tài trợ. Đây là một sự lựa chọn không khôn ngoan nó tiềm ẩn rủi ro kiệt quệ tài chính.

- Ngược lại, nếu DN tài trợ cho tài sản lưu động tạm thời bằng nguồn vốn chủ sở hữu hay nợ dài hạn sẽ dẫn đến lãng phí vì lãi suất vay dài hạn cao hơn vay ngắn hạn hơn nữa luôn tồn tại một khoản tiền nhàn rỗi nằm trong ngân hàng chưa đi vào sản xuất kinh doanh.

b) Nguyên tắc cân bằng tài chính

Nguyên tắc này xây dựng trên nền tảng của nguyên tắc tương thích. Nguồn tài trợ cho một tài sản cụ thể trong một thời gian không thấp hơn thời gian chuyển hóa của tài sản ấy. Việc xem xét nguyên tắc này cung cấp cho DN một công cụ đo lường vốn luân chuyển, đó là phần vốn dài hạn dùng tài trợ cho tài sản ngắn hạn. Căn cứ trên bảng cân đối kế toán, vốn luân chuyển được xác định bằng công thức:

Nếu vốn luân chuyển là một số dương (>0) hoặc bằng không nghĩa là nguồn vốn dài hạn lớn hơn hoặc bằng tài sản dài hạn. Điều này thể hiện khả năng tài chính của DN tốt, tính thanh khoản cao.

Nếu vốn luân chuyển nhỏ hơn không (<0) nghĩa là nguồn vốn dài hạn nhỏ hơn tài sản dài hạn trong trường hợp này DN có sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để tài trợ cho tài sản dài hạn. Đây là dấu hiệu tài chính không an toàn DN đang đối đầu rủi ro mất khả năng thanh khoản.

Tôn trọng nguyên tắc cân bằng tài chính trong việc tìm kiếm nguồn tài trợ là vấn đề cần quan tâm khi hoạch định cơ cấu vốn của DN giúp DN tránh được tình trạng khó khăn về tài chính.

c) Nguyên tắc giá trị thị trường của DN- Các hàm ý về rủi ro và tỷ suất sinh lợi

Rủi ro và tỷ suất sinh lợi là hai yếu tố luôn được xem xét khi xác lập cơ cấu vốn của doanh nghiệp. Việc sử dụng đòn bẩy tài chính làm gia tăng rủi ro, khi rủi ro tăng thêm vượt quá tỷ suất sinh lợi doanh nghiệp sẽ lâm vào tình trạng kiệt quệ tài chính và ngay cả khi tỷ suất sinh lợi gia tăng vượt qua điểm hòa vốn EBIT làm cho thu nhập trên mỗi cổ phần EPS tăng thì doanh nghiệp vẫn chưa yên tâm để chọn cơ cấu vốn nghiêng về nợ. Vì lý do sử dụng nợ là gia tăng rủi ro, để bù đắp rủi ro gia tăng này các nhà đầu tư trên thị trường sẽ phản ứng bằng cách ấn định một tỷ số giá thu nhập P/E thấp và kết quả là giá cổ phần sẽ giảm đi cho dù EPS có tăng lên bao nhiêu đi chăng nửa.

d) Nguyên tắc sử dụng chính sách tài trợ linh hoạt

Khả năng tài trợ linh hoạt tức là khả năng điều chỉnh nguồn vốn tăng hay giảm đáp ứng nhu cầu vốn trong từng giai đoạn. DN gia tăng khả năng tài trợ linh hoạt bằng việc xây dựng nhiều phương án mở khi cần mở rộng hay thu hẹp tổng vốn sử dụng. Điều này không chỉ cho phép DN sử dụng nguồn vốn sẵn có vào bất kỳ lúc nào mà còn làm tăng năng lực mặc cả khi giao dịch với một nhà cung cấp vốn. Trong trường hợp DN giảm bớt hoạt động, DN thanh lý tài sản và dùng tiền này để thanh toán bớt nợ hay thanh toán tiền đầu tư ban đầu cho các chủ sở hữu ưu đãi. Nợ thì thanh toán vào ngày đáo hạn, để có khả năng điều động như mong muốn, DN cần thỏa thuận với các nhà cung cấp vốn với điều khoản là có thể thu hồi trái phiếu hay cổ phần ưu đãi trước thời hạn.

e) Nguyên tắc thời điểm thích hợp

Đây là nguyên tắc gắn liền với chu kỳ sống của DN. DN trong giai đoạn khởi sự nguồn vốn chủ lực là vốn cổ phần; giai đoạn tăng trưởng nguồn vốn quan trọng là vốn cổ phần, thu nhập giữ lại và có thể sử dụng một phần tài trợ nợ; giai đoạn thịnh vượng DN có thể sử dụng và khai thác tối đa lợi ích của đòn bẩy tài chính. Tuy nhiên, dựa vào chu kỳ sống của DN không chưa đủ mà còn tùy thuộc vào tình hình tăng trưởng của nền kinh tế. Khi nền kinh tế đang trong giai đoạn tăng trưởng, tỷ số giá thu nhập của cổ phần có thể tăng, DN phát hành cổ phần thường trong giai đoạn này sẽ tối thiểu hóa được lượng cổ phần cần thiết để huy động một lượng vốn cho sẵn, tránh tình trạng loãng giá.

Như vậy việc xem xét đầy đủ các nguyên tắc là cần thiết để xây dựng một cơ cấu vốn hợp lý cho DN. Trong thực tế việc lựa chọn nguồn tài trợ là một quyết định cẩn trọng cho DN khi mà nền kinh tế có biến động lớn. Do đó, khả năng dự báo sự phát triển kinh tế góp phần tích cực phát huy hiệu quả của các nguyên tắc xây dựng cơ cấu vốn.

5. ỨNG DỤNG KINH TẾ LƯỢNG TRONG VIỆC LỰA CHỌN CƠ CẤU VỐN

Một phần của tài liệu Lựa chọn cơ cấu vốn tối ưu cho nhóm các công ty ngành xây dựng và bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam (Trang 27 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(91 trang)
w