Đánh giá quá trình thực nghiệm

Một phần của tài liệu Dạy học tác phẩm ký trong chương trình Ngữ văn lớp 12, trung học phổ thông theo phong cách nghệ thuật tác giả tt (Trang 30 - 33)

Căn cứ và bảng tổng hợp kết quả (tính ra %) của lớp thực nghiệm và lớp đối chứng chúng tôi nhận thấy:

So với các lớp đối chứng, kết quả kiểm tra ở lớp thực nghiệm cao hơn, cụ thể: Ở bài kiểm tra đoạn trích Người lái đò Sông Đà, số học sinh đạt điểm giỏi ( từ điểm 8 đến điểm 10) ở lớp thực nghiệm đạt 17% trong khi ở lớp đối chứng chỉ đạt 12%, số học sinh đạt điểm khá ( từ điểm 6 tới điểm 7)

ở lớp thực nghiệm là 63%, lớp đối chứng đạt 48%. Kết quả bài kiểm tra qua đoạn trích Ai đã đặt tên cho dòng sông? cũng tương tự như trên.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy, kết quả kiểm tra theo hướng trắc nghiệm khách quan đạt kết quả cao hơn so với hướng kiểm tra tự luận. Số học sinh đạt điểm giỏi ở bài kiểm tra trắc nghiệm khách quan về đoạn trích

Người lái đò Sông Đà đạt 17% ( lớp thực nghiệm), 12,5% ( lớp đối chứng) còn số học sinh đạt điểm giỏi ở bài kiểm tra tự luận về đoạn trích Ai đã đặt tên cho dòng sông? chỉ đạt 12,8% ( lớp thực nghiệm), 8% ( lớp đối chứng).

Ngoài ra, qua quá trình dạy học thực nghiệm, người viết cũng như giáo viên dự giờ thực nghiệm nhận thấy: Việc dạy học các tác phẩm kí theo phong cách nghệ thuật tác giả không chỉ giúp học sinh nắm vững được kiến thức mà còn tích cực hóa hoạt động của người học, tạo cơ hội cho học sinh trở thành những chủ thể tích cực, sáng tạo. Các em tỏ ra hứng thú, nỗ lực trong học tập: mạnh dạn phát biểu ý kiến, trình bày những phát hiện, suy nghĩ, cảm nhận của bản thân, trao đổi, đối thoại, thảo luận với giáo viên và các bạn, đem lại một bầu không khí sôi nổi, dân chủ cho lớp học.

Như vậy, kết quả dạy thực nghiệm cho thấy: dạy học các tác phẩm kí theo phong cách nghệ thuật tác giả có tác dụng rất lớn trong việc giáo dục nhận thức, tư tưởng, thái độ cho học sinh. Đây là một hướng dạy học tiến bộ, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học văn hiện nay, và có thể áp dụng cho tất cả các thể loại văn học chứ không chỉ riêng cho thể loại kí.

KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ 1. Kết luận

1.1.. Khi xã hội càng dân chủ thì thể loại kí càng phát triển bởi kí đề cao cái tôi cá nhân, xúc cảm cá nhân của người nghệ sĩ, cho phép người

nghệ sĩ được bộc lộ cá tính sáng tạo trong quá trình sáng tác nghệ thuật của mình. Việc dạy học trong nhà trường phổ thông cần phải góp phần làm bật nên được vai trò đó của thể loại kí văn học.

1.2. Quá trình dạy học môn Ngữ Văn nói chung và thể loại kí văn học nói riêng chỉ đạt hiệu quả cao khi có sự đổi mới toàn diện, trong đó, đổi mới phương pháp dạy học nắm giữ vai trò then chốt. Để góp phần vào nâng cao chất lượng dạy học thể loại kí văn học, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu đề tài: Dạy học tác phẩm kí trong chương trình Ngữ văn 12, trung học phổ thông theo phong cách nghệ thuật tác giả. Ngoài việc tìm hiểu những vấn đề lí luận nói chung luận văn đã cố gắng đưa ra những phương pháp dạy học cụ thể đối với các tác phẩm kí theo phong cách nghệ thuật tác giả và đặc biệt chú trọng đến tính thực hành qua thiết kế giáo án, cách tổ chức những hoạt động dạy học, thiết kế các câu hỏi kiểm tra cuối mỗi bài thực nghiệm, qua phiếu thăm dò ý kiến cho quá trình dạy học các tác phẩm kí...

1.3. Qua quá trình dạy thực nghiệm tại hai lớp 12A1, 12A2 tại trường THPT Nguyễn Khuyến, thành phố Nam Định, chúng tôi nhận thấy: dạy học các tác phẩm kí theo phong cách nghệ thuật tác giả đã đạt được kết quả cao, không chỉ ở kết quả kiểm tra sau mỗi bài học mà còn ở không khí sôi nổi của lớp học, hứng thú học tập của học sinh. Chúng tôi cho rằng, đây là một hướng dạy học khoa học, hiện đại, phù hợp với đặc trưng của thể loại kí, phù hợp với trình độ, lứa tuổi học sinh và hoàn toàn có thể áp dụng cho các thể loại văn học khác cũng như các phong cách nghệ thuật tác giả khác.

2. Khuyến nghị

2.1. Đối với chương trình Ngữ Văn cấp trung học phổ thông, nên bổ sung thêm kiến thức lí luận về thể loại kí văn học, để cung cấp cho học sinh những kiến thức nền tảng trước khi đi vào tìm hiểu từng tác phẩm cụ thể.

Bên cạnh đó, cũng cần tăng thời lượng dạy học cho các tác phẩm kí trong đó nên có 1 tiết học ngoại khóa.

2.2. Đối với giáo viên, cần phải linh hoạt sử dụng các phương pháp dạy học, xây dựng hệ thống câu hỏi phù hợp, vừa sức, tăng cường các hoạt động để phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh,...Bên cạnh đó, cũng cần kết hợp các phương tiện dạy học hiện đại như máy chiếu, mạng Internet; các đồ dùng trực quan ...để tạo hứng thú học tập cho học sinh.

2.3. Đối với học sinh, cần tích cực chủ động trong khâu chuẩn bị bài, ghi ra giấy những câu hỏi, những vấn đề muốn trao đổi tại lớp, tích cực phát biểu ý kiến, tích cực trong hoạt động nhóm.

2.4. Đối với các nhà quản lý giáo dục, cần đổi mới các tiêu chí đánh giá giờ dạy học của giáo viên, khích lệ sự sáng tạo của giáo viên, học sinh trong quá trình dạy học; đầu tư các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho quá trình dạy học.

Quá trình dạy học các tác phẩm kí trong chương trình Ngữ Văn lớp 12 còn có rất nhiều điều cần tìm hiểu, nghiên cứu, với kinh nghiệm và tâm huyết của mình, chúng tôi xin được ra quan điểm, suy nghĩ của cá nhân về việc đổi mới phương pháp dạy học các tác phẩm kí qua đề tài này. Chúng tôi mong rằng sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các thầy giáo, cô giáo, các anh chị đồng nghiệp cho đề tài nghiên cứu của chúng tôi.

Một phần của tài liệu Dạy học tác phẩm ký trong chương trình Ngữ văn lớp 12, trung học phổ thông theo phong cách nghệ thuật tác giả tt (Trang 30 - 33)