Quan hệ của Việt Nam với WB hiện đang rất tốt đẹp, WB là một trong những nhà tài trợ ODA hàng đầu cho Việt Nam (đứng thứ hai sau Nhật Bản). WB luôn tài trợ dựa trên nhu cầu Việt Nam (Căn cứ chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam), WB cũng là một trong những nhà tài trợ tiên phong trong hình thức tài trợ thông qua các chương trình, với hình thức này, nước đi vay có thể tăng tính chủ động trong việc sử dụng vốn vay.
Tính đến nay, WB đã cung cấp cho Việt Nam các khoản viện trợ không hoàn lại, tín dụng ưu đãi và cho vay với tổng trị giá 13,5 tỷ USD nhằm hỗ trợ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Công ty Tài chính quốc tế (IFC) đã nâng mức hỗ trợ cam kết với Việt Nam từ 62 triệu USD trong năm tài khóa 2007 lên mức hơn 1 tỷ USD năm tài khóa 2011, bao gồm cả dưới hình thức quản lý tài sản.
Bởi vậy, để tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA từ phía WB trong tương lai, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh mối quan hệ với WB theo hướng:
- Xác định cơ cấu cho vay hiệu quả, tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng quy mô lớn; hỗ trợ Việt Nam khắc phục những thách thức sau gia nhập WTO và hội nhập Kinh tế quốc tế, quản lý kinh tế vĩ mô hiệu quả, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, … để thực hiện thành công các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020;
- phối hợp với WB, song song với việc cho vay IBRD, tiếp tục duy trì việc cung cấp vốn IDA cho Việt Nam trong thời gian tới. Văn phòng đại diện WB tại Việt Nam phối hợp với Bộ KH&ĐT cùng các cơ quan liên quan tổ chức giới thiệu, làm rõ các nội dung cơ bản của nguồn vốn này và giới thiệu kinh nghiệm của các nước đi trước trong việc tiếp nhận nguồn IBRD nói trên;
- đề nghị WB tiếp tục ủng hộ phương thức quốc gia điều hành, tăng cường vai trò làm chủ của nước tiếp nhận viện trợ, ủng hộ việc phân cấp mạnh mẽ ngay từ khâu chuẩn bị dự án;
- Tiếp tục đơn giản hoá thủ tục và hài hoà thủ tục giữa Việt Nam và WB theo hướng Việt Nam đang từng bước hội nhập khu vực và quốc tế.