2. Ví dụ về Công ty Bóng Đèn Phích Nước Rạng Đông
2.2.3 Công tác quản lý dự trữ hàng tồn kho.
Công tác quản lý dự trữ hàng tồn kho cũng là một vấn đề quan trọng đối với công tác quản lý vốn lưu động của Công ty. Hàng tồn kho bao gồm ba loại chính là: Nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ, thành phẩm và một số loại khác. Hàng tồn kho dự trữ không chỉ có chi phí bảo quản mà còn bao gồm cả chi phí cơ hội của vốn. Việc dự trữ mặc dù có chi phí nhưng cũng mang lại lợi ích cho Công ty. Nếu Công ty dự trữ một lượng sản phẩm lớn thì khi thị trường khan hiếm loại hàng hoá này, Công ty có cơ hội bán sản phẩm với giá cao, thu được doanh thu lớn. Song bên cạnh đó nếu sản phẩm dự trữ quá nhiều mà không bán được thì không những Công ty bị mất chi phí bảo quản lưu trữ mà sản phẩm để lâu sẽ có thể không tiêu thụ được. Nếu Công ty dự trữ nguyên vật liệu quá ít thì sẽ có thể dẫn đến tình trạng ngừng sản xuất do thiếu nguyên vật liệu. Do vậy nhiêm vụ đặt ra cho công tác quản lý dự trữ hàng tồn kho là nên quyết định xem dự trữ với số lượng bao nhiêu thì đủ và hợp lý.
Hàng tồn kho của Công ty tương đối lớn năm 2002 chiếm 34,93% ; năm 2003 chiếm 33,69% ; năm 2004 chiếm 32,75% tổng tài sản lưu động của Công ty. Như vậy hàng tồn kho của Công ty giảm qua các năm nhưng tỷ lệ giảm là không lớn. Đây cũng là điều hợp lý vì Công ty là doanh nghiệp sản xuất nên cuối năm Công ty phải nhập khối lượng nguyên vật liệu lớn phục vụ cho kỳ sản xuất tiếp theo.
Trên đây là các khoản mục chủ yếu tác động đến cơ cấu vốn lưu động của Công ty. Tuy nhiên điều đó chỉ phản ánh về mặt lượng, chưa nói lên được mặt chất trong hoạt động quản lý và sử dụng vốn lưu động của Công ty.