Phát triển đô thị bền vững

Một phần của tài liệu Quang Yen town history, situation and orientation for sustainable development (Trang 64 - 66)

8. Kết cấu nội dung luận văn

3.1.2. Phát triển đô thị bền vững

Phát triển đô thị bền vững là sự cụ thể hoá và phát triển của khái niệm “phát triển bền vững” được Uỷ ban Môi trường và phát triển thế giới đề cập vào những năm 1987 với nội dung “sự phát triển đô thị hài hoà về kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường nhằm thoả mãn nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến lợi ích của các thế hệ tương lai”.

Nội dung phát triển đô thị bền vững nhấn mạnh việc giải quyết các mâu thuẫn giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội, giữa phát triển kinh tế và ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên trong quá trình phát triển đô thị. Quan điểm phát triển bền vững được xem xét trên các khía cạnh khác nhau. Một đô thị là bền vững khi nó đồng thời bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường và trong quan hệ bền vững với vùng ngoại vi của nó.

Hình 3.1. Mối quan hệ của môi trường – kinh tế - xã hội trong phát triển bền vững đô thị

Có thể xem phát triển đô thị bền vững như là sự phát triển cân đối, hài hoà giữa các ngành, các lĩnh vực và lãnh thổ. Các nhà sinh thái xem xét vấn đề phát triển bền vững trên theo khía cạnh bảo tồn, tiết kiệm tài nguyên, duy trì hệ sinh thái tự nhiên. Các nhà xã hội học coi trọng vấn đề phát triển ổn định vì con người, vì công bằng xã hội và giảm bớt khoảng cách chênh lệch giữa nông thôn và thành thị. Phát triển đô thị bền vững có liên quan đến các mô hình đô thị với các hướng tiến bộ khác nhau.

Trong một đô thị, có ba loại hình môi trường khác nhau cùng tồn tại: môi trường vật chất (tự nhiên và xây dựng), môi trường kinh tế và môi trường xã hội. Cả ba loại hình này cần phải cùng được xem xét, bởi vì chúng quan hệ rất chặt chẽ với nhau, hoặc đại diện hoặc cùng lúc biểu thị các mục tiêu, phương tiện và khó khăn tới các hoạt động của con người trong đô thị. Một đô thị được coi là bền vững khi tổng hiệu quả tốt của ba hình thái môi trường lớn hơn tổng của các hậu quả xấu.

Sự tác động giữa môi trường kinh tế và môi trường vật chất thường được đặc trưng bằng nhiều yếu tố bất lợi từ bên ngoài. Các ảnh hưởng xấu sinh ra từ các hoạt động kinh tế trong đô thị lên môi trường vật chất rất rõ ràng, có thể xác định là thảm họa về môi trường sinh ra từ đô thị, sự giảm sút của tài nguyên thiên nhiên, tiếng ồn, ô nhiễm nước và không khí, sự thu hẹp của các không gian xanh, tắc nghẽn giao thông và việc sử dụng quá mức năng lượng.

Sự tác động giữa môi trường kinh tế và xã hội làm tăng lên các hiệu quả kể cả thuận lợi và bất lợi. Hiệu quả thuận lợi xuất phát từ các dịch vụ xã hội như giáo dục, sức khoẻ, tiện nghi xã hội và những nghề nghiệp có chất lượng. Ngược lại, các yếu tố bất lợi về kinh tế có thể gây ra các hậu quả xấu về môi trường xã hội.

Sự tác động thứ ba nêu lên những thuận lợi và khó khăn xuất phát từ các môi trường vật chất và xã hội. Các khu cây xanh cho sinh hoạt công cộng là nguồn môi trường tốt cho phúc lợi xã hội. Mặt khác, sự xuống cấp của các công trình lịch sử, sự mất mát của những công trình văn hoá hoặc các vấn đề về sức khoẻ đô thị là những ví dụ về hậu quả của môi trường vật chất lên môi trường xã hội.

Một phần của tài liệu Quang Yen town history, situation and orientation for sustainable development (Trang 64 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)