Chương 3: Biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm bánh kẹo của công ty cổ phần bánh kẹo Hải Hà
3.1. Tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm
Chất lượng sản phẩm tạo nên khả năng cạnh tranh của sản phẩm, nó ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tiêu thụ sản phẩm của Công ty. Chất lượng sản phẩm cao đồng nghĩa với khả năng cạnh tranh cao, mức độ tiêu thụ sản phẩm lớn. Để nâng cao chất lượng sản phẩm ngoài việc đầu tư đổi mới công
nghệ còn phải tăng cường công tác quản lý chất lượng. Hiện nay, Công ty cổ
phần bánh kẹo Hải Hà vẫn đang tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên chất lượng sản phẩm của Công ty chưa được ổn định, việc quản lý chất lượng còn lỏng lẻo. Bởi vậy, tăng cường quản lý chất lượng là hết sức cần thiết đối với Công ty để đảm bảo ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm của Công ty.
Để quản lý chất lượng có hiệu quả, Công ty phải thực hiện các biện pháp cụ thể sau:
* Đảm bảo tốt nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất:
Để đảm bảo chất lượng sản phẩm thì chất lượng nguyên vật liệu cũng phải được bảo đảm đồng thời đảm bảo đúng tiến độ và sự đồng bộ. Nguyên vật liệu dùng cho sản xuất sản phẩm bánh kẹo có tính dễ hư hỏng, không dự trữ được với khối lượng lớn, do đó Công ty cần tính toán số lượng nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất một cách hợp lý, tối ưu có hiệu quả.
* Phải có sự phân cấp quản lý kỹ thuật, chức năng quản lý phải rõ ràng không chồng chéo lên nhau để khắc phục tình trạng việc kiểm tra chưa nghiêm khắc, trách nhiệm không rõ ràng dẫn đến khuyết điểm không phụ thuộc về ai, tạo nên sự vô trách nhiệm trong sản xuất, trong quản lý gây ra ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, giảm mức thị trường và giảm mức cạnh tranh trên thị trường.
* Cán bộ kỹ thuật cần chú trọng theo dõi những khâu then chốt dễ hư hỏng như: pha trộn nguyên vật liệu, nấu kẹo, nướng bánh, bao gói nhằm giảm tỷ lệ bánh kẹo bị hư hỏng, chất lượng không bảo đảm ảnh hưởng đến uy tín về chất lượng sản phẩm, làm giảm khối lượng thị trường. Cần giao quyền cho cán bộ và kỹ thuật viên kiểm tra, theo dõi ở các khâu quan trọng, có kế hoạch phân tích xem xét những thông số kỹ thuật có liên quan ở khâu mình quản lý. Có như vậy mới xử lý kịp thời những sai hỏng trong quá trình sản xuất, tiết kiệm được chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.