Thứ nhất: do nền giáo dục ở nước ta còn nhiều hạn chế, chưa đáp úng được nhu cầu của xã hội: giáo trình nặng về lý thuyết, thiếu thực hành, phương cách đào tạo một chiều, thày giảng trò nghe, tạo tính ỷ lại, thụ động cho học sinh từ đó cản trở sự năng động trong công tác sau này.
Thứ hai: Do các tổ chức chưa đặt nhu cầu đào tạo trong mối quan hệ với mục tiêu chiến lược từ đó cũng không có cơ sở để đánh giá hiệu quả công tác đào tạo. Bên cạnh đó, làm cho nhân viên thụ động đối phó, không có định hướng phát triển nghề nghiệp.
Thứ ba: Do nhận thức về vấn đề này của các cán bộ lãnh đạo còn chưa đúng đắn, đầy đủ. Các cán bộ lãnh đạo chưa quan tâm đúng mức nên dành ít chi phí cho hoạt động. Bên cạnh đó chưa có chính sách khuyến khích tinh thần học hỏi vươn lên của người lao động.
Thứ tư: Do nhận thức về vấn đề này của chính người lao động cũng chưa đúng đắn. Đa số người lao động chưa nhận thức được chính bản thân họ cần được đào tạo, phát triển. Từ đó không có những đề xuất kiến nghị về hoạt động này với ban lãnh đạo, chưa gây dựng được phong trào thi đua học tập trong tổ chức.
Thứ năm: Do hoạt động đào tạo bản thân nó còn kém hiệu quả, chưa có hình thức phương pháp phù hợp, chưa đáp ứng đúng nhu cầu chuyên môn, dẫn đến lãng phí.
Thứ sáu: Do ở các doanh nghiệp lại xảy ra hiện tượng "nuôi ong tay áo". Đó là tình trạng nhiều nhân viên của doanh nghiệp sau khi đã được đào tạo và phát triển đến một trình độ chuyên môn nhất định đã không hề luyến tiếc rời bỏ doanh nghiệp. Thậm chí có nhiều người còn thành lập công ty riêng rồi quay lại cạnh tranh với chính doanh nghiệp mà mình đã được đào tạo, và sử dụng vũ khí cạnh tranh là những thông tin kinh doanh, bí quyết công nghệ và quản lý đã bị rò rỉ.