Độ tin cậy cung cấp điện tuỳ thuộc vào hộ tiêu thụ thuộc loại nào. Trong điều kiện cho phép người ta cố gắng chọn phương án có độ tin cậy cung cấp điện càng cao càng tốt.
* Hộ loại 1: Là hộ tiêu thụ điện mà khi ngừng cung cấp điện sẽ dẫn đến nguy hiểm đối với tính mạng con người, gây thiệt hại lớn về kinh tế ( hư hỏng máy móc, thiết bị gây ra hàng loạt các phế phẩm) ảnh hưởng đến hàng loạt như chính trị, quốc phòng.
Ví dụ hộ tiêu thụ loại 1: Nhà máy hoá chất, sân bay, bến cảng, văn phòng chính phủ, Quốc hội, hệ thống ra đa quân sự, trung tâm máy tính.
Đối với hộ tiêu thụ loại 1 phải được cung cấp điện ít nhất từ hai nguồn điện độc lập, hoặc phải có nguồn dự phòng nóng.
* Hộ loại 2: Là hộ tiêu thụ mà khi ngừng cung cấp điện sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế như hư hỏng một bộ phận máy móc thiết bị, gây nên phế phẩm, ngừng trệ sản xuất.
Ví dụ: Hộ tiêu thụ loại 2. Nhà máy cơ khí, nhà máy thực phẩm, khách sạn lớn, trạm bơm tưới tiêu.
Cung cấp điện cho hộ loại 2 thường có thêm nguồn điện dự phòng tại chỗ. Vấn đề ở đây là phải so sánh giữa vốn đầu tư cho nguồn dự phòng và hiệu quả kinh tế đưa lại do bị ngừng cung cấp điện.
* Hộ loại 3:
Là hộ tiêu thụ điện còn lại như các khu dân cư, trường học, phân xưởng phụ, nhà kho của các nhà máy. Đối với hộ loại 3 cho phép mất điện trong thời gian ngắn để sửa chữa khắc phục sự cố.
Thông thường các hộ loại 3 được cấp điện từ một nguồn tuy nhiên trong thực tế, việc phân loại hộ tiêu thụ không hoàn toàn cứng nhắc mà còn phụ thuộc vào tầm quan trọng của hộ tiêu thụ được xét so với hộ tiêu thụ còn lại. Mặt khác trong một nhà máy, một cơ sở sản xuất dịch vụ, khu dân cư có nhiều loại hộ tiêu thụ nằm xen kẽ vì vậy hệ thống cung cấp điện phải được nghiên cứu kỹ lưỡng đảm bảo việc cung cấp điện an toàn, tin cậy và linh hoạt.