Phân tích điểm mạnh, điểm yếu của Công ty cổ phẩn Tập đoàn Hoa Sen

Một phần của tài liệu TIỂU LUẬN TÌM HIỂU CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN VÀ ĐƯA RA ĐIỂM YẾU, ĐIỂM MẠNH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN HOA SEN (Trang 51 - 57)

4.2.1. Điểm mạnh

- Thương hiệu của Hoa Sen: được đánh giá là thương hiệu mạnh và thân thiện, được người tiêu dùng tin cậy và có thiện cảm, góp phần duy trì và mở rộng thị phần kinh doanh của Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen. Với thương hiệu mạnh và thân thiện, cộng với hệ thống bán lẻ được phân bố rộng đều khắp cả nước và trên 10.000 khách hàng trưyền thống, đã tạo một lợi thế để Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen đa dạng hoá các sản phẩm vật liệu xây dựng, có thể phát triển thêm hàng chục mặt hàng khác thành công với chi phí rất thấp, có thể tăng doanh thu và lợi nhuận lên gấp nhiều lần trong thời gian ngắn.

- Là Công ty đứng đầu ngành tôn lợp cả nước nên chính sách kinh doanh của công ty có vai trò định hướng thị trường trong nước. Công ty luôn được các nhà sản xuất và kinh doanh thép trên thế giới chọn là đối tác hàng đầu để cung cấp các chính sách ưu đãi về sản lượng và giá cả, qua đó cập nhật kịp thời các xu hướng biến động giá cả trên thị trường thế giới nên công ty luôn chủ động trong các quyết định mua hàng, dự trữ, bán hàng hợp lý để tạo ra lợi nhuận cao nhất và giảm thiểu rủi ro.

- Công ty có được một nội lực vững mạnh, đó là sự trung thực, sự nhiệt huyết, sự đồng tâm hiệp lực của toàn thể cán bộ công nhân viên.

- Quy trình sản xuất khép kín từ khâu nguyên liệu đầu vào là thép cán nóng với các sản phẩm từ nguyên liệu thép, và nguyên liệu bột nhựa đối với các sản phẩm nhựa cho đến việc phân phối sản phẩm cho đến tay người tiêu dùng.

- Với hệ thống phân phối bao gồm 82 chi nhánh bán hàng trải dài từ Bắc vào Nam, giúp cho Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen chủ động trong việc bán hàng ra ngoài thị trường và giảm thiểu được rủi ro kinh doanh khi giá sản phẩm đầu ra biến động theo chiều hướng xấu.

- Công nghệ hiện đại là một yếu tố quan trọng góp phần sự thành công của Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen. Các dây chuyền sản xuất của Công ty đều được thiết kế và lắp đặt theo công nghệ tiên tiến nhất của các nước phát triển như Nhật Bản, Đức, Mỹ.

- Với sức mạnh về tiềm lực tài chính tự có, cùng với việc các Định chế tài chính sẵn sàng tài trợ ưu đãi cho Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen số vốn khá lớn trong thời gian dài, Công ty có thể chủ động trong việc dự trữ nguyên vật liệu, đề phòng biến động giá cả nguyên vật liệu đầu vào, đầu tư trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu sản xuất sản phẩm với chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Vị thế của Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen trong ngành

- Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen là doanh nghiệp có vốn ngoài quốc doanh đầu tiên ở Việt Nam xây dựng nhà máy sản xuất thép cán nguội. Nhà máy sản xuất thép cán nguội của Công ty với công suất 180.000 tấn sản phẩm/năm, giúp Công ty chủ động trong nguyên liệu đầu vào của các dây chuyền mạ và một phần cung cấp ra thị trường. Hiện nay, Việt Nam có hai nhà máy sản xuất thép cán nguội, nhà máy còn lại của Công ty Thép Tấm lá Phú Mỹ với Công suất 405.000 tấn sản phẩm/năm, trực thuộc Tổng Công ty Thép Việt Nam.

- Không giống như các doanh nghiệp cùng ngành khác thực hiện bán hàng qua kênh phân phối truyền thống là nhà phân phối hay đại lý bán hàng, các sản phẩm của Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen được tiêu thụ trên toàn quốc thông qua hệ thống chi nhánh bán hàng của Công ty được phân bố rộng rãi từ Bắc vào Nam.

- Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen chiếm lĩnh phần lớn thị phần tiêu thụ sản phẩm thép tấm, thép lá mạ trong toàn quốc với tỷ trọng năm 2006 là 18,72%, năm 2007 là 16,71%, 06 tháng đầu năm 2008 là 21%. Đối với sản phẩm thép cán nguội được sản xuất và tiêu thụ vào quý 2 năm 2007, Công ty là doanh nghiệp thứ hai và là doanh nghiệp ngoài quốc doanh đầu tiên ở Việt Nam sản xuất được loại sản phẩm này và chiếm thị phần tiêu thụ là 17,69% trong năm 2007; 28,54% trong 6 tháng đầu năm 2008.

- Các sản phẩm nhựa của Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen như hạt nhựa, tấm trần nhựa, ống nhựa cũng được tiêu thụ rộng rãi thông qua hệ thống chi nhánh được trải dài từ Bắc vào Nam. Sản phẩm ống nhựa mang thương hiệu Hoa Sen tuy mới được sản xuất và tiêu thụ vào những tháng cuối năm 2007 nhưng cũng đã có vị thế nhất định trên thị trường.

4.2.2. Điểm yếu

Kế hoạch tiêu thụ

- Do năng lực sản xuất còn hạn chế, trong khi nhu cầu tiêu thụ của thị trường nội địa rất lớn nên Tập đoàn tập trung nguồn lực để khai thác thị trường nội địa. Chính điều này làm cho sản lượng xuất khẩu trong niên độ tài chính 2008 - 2009 chỉ đạt 6.300 tấn

- Phần lớn nguyên liệu của Tập đoàn Hoa Sen đều nhập khẩu từ nước ngoài. Do đó, khi giá cả nguyên vật liệu trên thế giới biến động thì có khả năng ảnh hưởng đến lợi nhuận của Tập đoàn do giá bán thường không tăng tương ứng.

- Hệ số nợ tăng tương đối nhanh dẫn đến chi phí lãi vay tăng, kéo theo chi phí tài chính tăng lên đáng kể.

- Đầu tư các dây chuyền sản xuất mới, các dự án kinh doanh bất động sản nên lượng tiền mặt luôn duy trì ở mức thấp. Khả năng thanh toán thấp hơn nhiều so với mức trung bình đến một lúc nào đó sẽ khiến việc vay vốn khó khăn hơn.

4.2.3. Cơ hội

- Tình hình hiện nay là thời điểm đầu tư tốt nhất cho Hoa Sen. Có thể nói thép là nguyên liệu nền của nền kinh tế sản xuất, tiêu dùng, công nghiệp v.v. đều cần nguyên liệu thép. Cũng do đó, khả năng phát triển của ngành thép phụ thuộc rất lớn vào sức khoẻ của kinh tế thế giới cũng như kinh tế trong nước. Ngành thép Việt Nam hiện nay đã hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, giá thép trong nước và giá thép quốc tế liên thông với nhau. Với sản lượng thép Việt Nam chỉ xấp xỉ 10 triệu tấn, so với sản lượng thép hàng tỷ tấn của thế giới, chúng ta chiếm 1 tỷ lệ rất nhỏ. Nhưng đến thời điểm này, ngành thép thế giới đã tới đáy về sản lượng và tới đáy về giá, khả năng xuống thấp nữa khó có thể xảy ra. Đồng thời, hiện nay nền kinh tế đang có những chuyển biến và nhu cầu tiêu dùng trong ngành xây dựng tăng. Dự báo được cung cầu của thị trường và có chiến lược lưu kho nguyên vật liệu hợp lý sẽ mang đến cho công ty những giá trị tăng thêm do chênh lệch giá trong xu hướng giá thép đang tăng như hiện nay.

- Cùng với đó là các chính sách hỗ trợ từ phía chính phủ để xây dựng và phát triển ngành công nghiệp được xem là trọng điểm của đất nước: chính sách cụ thể về vốn đầu tư, về xuất nhập khẩu phát triển thị trường, giải pháp về phát triển công nghệ, giải pháp về nguồn nhân lực… (Các giải pháp được quy định cụ thể trong Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Thép Việt Nam giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025 của thủ tướng Chính Phủ). Điều này tạo cho ngành nói chung và công ty nói riêng một cơ hội về môi trường phát triển ổn định, lâu dài.

- Đối với công ty, về sản phẩm, thì sản phẩm của công ty được đánh giá là có chất lượng tốt , được sản xuất theo công nghệ dây chuyền hiện đại, tiên tiến đã kép kín quy trình công nghệ, đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, cung cấp dòng sản phẩm có chất lượng cao cho thị trường (sản phẩm mới tôn lạnh, tôn lạnh màu).

- Cùng với chất lượng về sản phẩm được đánh giá cao thì lợi thế tuyệt đối về hệ thống phân phối trực tiếp, bán lẻ đến người tiêu dùng rộng khắp trên cả nước đặc biệt là các tỉnh ở phía Nam ( 82 chi nhánh và hơn 10.000 đại lý trong cả nước).Chính việc tạo ra được chuỗi giá trị từ việc sản xuất và phân phối sản phẩm theo một quy trình khép kín đã tạo ra một lợi thế cạnh tranh rất lớn cho công ty so với các đối thủ khác và mang đến nhiều cơ hội chắc chắn trong tương lai trong việc mở rộng thị phần và chiếm lĩnh thị trường. Một cơ hội khác đó là phát triển triển thị

trường tại miền Bắc, đây là thị trường cần khai thác khi thị trường miền Nam đã được phủ đầy. Hơn hết, với các chính sách hỗ trợ của Chính Phủ và chất lượng ổn định và được kiểm soát theo trình chất lượng cùng với vị thế, thương hiệu Hoa Sen được đánh giá cao trên thị trường thì việc tạo được mối quan hệ chiến lược với nhiều đối tác lớn trong và ngoài nước và mở rộng thị trường, xuất khẩu sang thị trường nước ngoài là có nhiều tiềm năng lớn.

4.2.4. Thách thức

- Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam chính thức hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Cùng với đó là sự gia tăng về cạnh tranh với các công ty và sản phẩm nước ngoài mạnh về tài chính và tiến bộ về công nghệ thâm nhập vào thị trường Việt Nam như các tập đoàn hàng đầu như Nippon Steel (Nhật Bản), Baosteel (Trung Quốc), CSC (Đài Loan) Posco (Hàn Quốc)… … khi họ từ từ xâm nhập vào thị trường Việt Nam.. Đặc biệt là các sản phẩm đến từ Trung Quốc với chiến lược giá rẻ ngày càng trở nên gay gắt. Hơn nữa một số sản phẩm thép theo lộ trình WTO không còn được hưởng ưu đãi và bảo hộ cao về thuế nhập khẩu , tính cạnh tranh với sản phẩm thép nhập khẩu sẽ khốc liệt hơn.

- Bên cạnh đó ngành thép đối mặt với thách thức lớn là cạnh tranh nội bộ ngành, cũng như yêu cầu đầu tư đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp ngày càng lớn. Trong các năm qua, nhà nước vẫn bảo hộ doanh nghiệp ngành thép thông qua điều chỉnh tăng giảm giảm thuế xuất nhập khẩu sắt thép và các nguyên liệu khi biến động của ngành thép bất lợi cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo cam kết hội nhập WTO từ năm 2014, thuế suất thuế nhập khẩu sẽ ổn định (trung bình mặt hàng sắt thép là 13%). Khi đó các doanh nghiệp trong nước phải thực sự lớn mạnh cả về tiềm lực tài chính lẫn công nghệ và chất lượng sản phẩm mới có thể cạnh tranh được với thép nhập ngoại, đặc biệt là thép nhập khẩu từ Trung Quốc.

- Đồng thời, mặt hàng cuộn cán nguội, sức tiêu thụ của thị trường năm 2010 dự tính vẫn ở mức hơn 1 triệu tấn/năm thì công suất các nhà máy hiện có đã là gần 2 triệu tấn. Năm 2010, dự kiến các nhà máy của Tập đoàn Hoa Sen (công suất 400 ngàn tấn/năm), nhà máy Thống Nhất (công suất 300 ngàn tấn/năm) hay của liên doanh Tata Steel và Tổng công ty thép Việt Nam (công suất 200 ngàn tấn/năm) bắt đầu sản xuất thì nguồn cung sẽ gấp 3 lần sức tiêu thụ. Hơn nữa, Chính phủ ban hành chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát, nên các công trình xây dựng lớn sử dụng ngân sách nhà nước hay các dự án của khu vực tư nhân đều dừng triển khai. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của thị trường giảm một cách đột ngột ít nhiều cũng ảnh hưởng đến thị trường tôn thép. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ cung vượt quá cầu và nếu như công ty không có

các chính sách và chiến lược khéo léo từ việc dự trữ nguyên vật liệu và dự báo nhu cầu của khách hàng một cách hợp lý thì sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng lớn đến doanh thu và lợi nhuận của công ty.

Công ty cổ phần tập đoàn Hoa Sen là một doanh nghiệp điển hình cho việc quản trị chiến lược thành công. Từ một công ty non trẻ được thành lập năm 2001, với sự sáng suốt trong xây dựng chiến lược và quyết tâm bền bỉ của đội ngũ quản trị công ty xuyên suốt mười hai năm hoạt động thực hiện chiến lược, Hoa Sen ngày nay ngoài tên gọi thân thuộc nơi người tiêu dùng là “tôn Hoa Sen”, còn là một tập đoàn công nghiệp – xây dựng đứng đầu khu vực, là niềm tự hào của các doanh nghiệp Việt nói riêng, của người dân Việt nói chung.

Thành công hiện tại là bước đầu vẻ vang của công ty Hoa Sen, nhưng con đường phía trước còn đòi hỏi năng lực và quyết tâm nhiều hơn nữa. Kinh tế thế giới vừa chớm thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng suy thoái, nền kinh tế đang phát triển và cần quá trình học hỏi của Việt Nam còn đang chịu dư âm của cuộc khủng hoảng ấy, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải sống chống chọi với sự chọn lọc gắt gao, Hoa Sen cũng không đứng ngoài thử thách ấy. Bài học từ việc xây dựng chiến lược, quản trị doanh nghiệp theo chiến lược trong thời kỳ khủng hoảng đã trở thành bài học quý giá không chỉ cho đội ngũ lãnh đạo công ty Hoa Sen mà còn có ích cho các doanh nghiệp khác.

Về phía các thành viên của nhóm thực hiện bài tập, được trải nghiệm trong quá trình thu thập những thông tin về một công ty Việt Nam xứng tầm khu vực như Công ty cổ phần tập đoàn Hoa Sen là một niềm tự hào, đồng thời cũng là một quá trình học hỏi quý giá qua việc tiếp thu, phân tích về chiến lược của công ty. Những kiến thức này là hành trang vô cùng bổ ích cho quá trình học tập và vận dụng kiến thức của chúng em sau này.

Một phần của tài liệu TIỂU LUẬN TÌM HIỂU CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN VÀ ĐƯA RA ĐIỂM YẾU, ĐIỂM MẠNH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN HOA SEN (Trang 51 - 57)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(57 trang)
w