Nghiên cứu xác định các loại rủi ro tín dụng

Một phần của tài liệu MỘT SỐ BIỆN PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ NHẰM HOÀN THIỆN HOẠT ĐỘNG QUẢN TRỊ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI NHNO&PTNT VIỆT NAM CHI NHÁNH BẮC HÀ NỘI (Trang 39 - 41)

Để quản trị được rủi ro, trước hết phải nhận dạng được rủi ro đó. Đó là điều mà cán bộ tín dụng ngân hàng Bắc Hà Nội luôn ý thức được. Ngân hàng muốn xác định và nhận dạng được những rủi ro trước hết tiến hành phân tích hoạt động tín dụng theo các nghiệp vụ và xác định từng loại rủi ro trong mỗi nghiệp vụ đó. Tuy nhiên phạm vi nghiên cứu của đề tài chỉ tập trung vào hoạt động cho vay nên sau đây sẽ đi vào phân tích rủi ro trong hoạt động cho vay. Nghiên cứu xác định các loại rủi ro tín dụng tại ngân hàng Bắc Hà Nội bao gồm các công việc:

Nhận dạng rủi ro: ngân hàng trước hết phân tích cơ cấu cho vay

theo các tiêu thức như thời hạn, khách hàng, phương thức cấp vốn, hình thức tài trợ…và xác định các loại rủi ro có thể có đối với mỗi loại hình và khả năng rủi ro xảy ra của từng loại. Đối với mỗi loại rủi ro thì việc nhận dạng bao gồm theo dõi rủi ro, xem xét rủi ro, nghiên cứu môi trường hoạt động cụ thể nhằm thống kê những rủi ro đã và đang xảy ra đồng thời cố gắng dự báo những rủi ro có thể xảy ra trong tương lai để đề ra những biện pháp kiểm soát và tài trợ phù hợp. Các phương pháp thường được sử dụng là phân tích các báo cáo, phân tích các hợp đồng vay vốn cụ thể và làm việc trực tiếp với các bộ phận có liên quan khi rủi ro xảy ra. Ở ngân hàng Bắc Hà Nội chủ yếu rủi ro được nhận dạng khi đã có những dấu hiệu hay biểu hiện nào đó khi rủi ro đã xảy ra hoặc đã nhìn thấy được nguy cơ. Còn việc nhận dạng rủi ro trong tương lai hay dự đoán rủi ro thực chất chỉ là những phân tích sơ bộ và đưa ra các dự báo chung chung bởi lẽ ngân hàng hiện chưa áp dụng một kỹ thuật cảnh báo và phòng chống rủi ro hiệu quả. Nói chung qua nghiên cứu thống kê những rủi ro trong quá khứ và dự báo xu thế phát triển thì những loại rủi ro ngân hàng Bắc Hà Nội gặp phải là:

Thứ nhất, rủi ro từ môi trường kinh tế: do đối tượng khách hàng chủ yếu của ngân hàng khách hàng sản xuất công nghiệp và thương mại dịch vụ mà hai đối tượng khách hàng này chịu tác động mạnh mẽ bởi môi trường kinh

tế, tình hình cạnh tranh trên thị trường nên những diễn biễn bất thường ảnh hưởng trực tiếp đến khách hàng và gián tiếp gây rủi ro cho ngân hàng. Mặt khác những biến động của nền kinh tế nói chung như tình trạng lạm phát, thị trường chứng khoán suy giảm, giá cả tăng cao cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của ngân hàng. Trong thời gian vừa qua lạm phát tăng với tốc độ phi mã chính là một ví dụ điển hình vì kinh tế vĩ mô đã chỉ ra rằng lạm phát tăng cao trực tiếp gây thiệt hại cho người cho vay.

Thứ hai, rủi ro từ phía khách hàng. Khách hàng của ngân hàng bao gồm cả người đi vay lẫn người cho vay, với vai trò là trung gian ngân hàng phải gánh chịu rủi ro từ cả hai phía. Từ phía người đi vay, chủ yếu là do những diễn biễn bất lợi của thị trường khiến họ gặp khó khăn cũng như xuất phát từ chính hoạt động kinh doanh thiếu hiệu quả khiến họ không trả được lãi vay và gốc vay đúng hạn. Còn về mặt rui ro đạo đức thì ngân hàng Bắc Hà Nội còn yếu kém trong việc xác định rõ những khách hàng có đủ khả năng nhưng cố tình “dây dưa” trả nợ (vì khách hàng không muốn trả đúng hạn thường cố tình đưa ra các bằng chứng chứng minh họ gặp khó khăn để xin ân hạn). Từ phía người cho vay, ngân hàng cũng như bất kỳ tổ chức tín dụng nào đều phải đối mặt với rủi ro thanh khoản khi khách hàng muốn rút tiền trước hạn (nguyên tắc là không được từ chối). Trong giai đoạn vừa qua rủi ro này biểu hiện rõ rệt hơn bao giờ hết. Do nền kinh tế Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, lạm phát tăng, giá cả tăng nên nhu cầu tiền chi tiêu của người dân tăng và số lượng tiền gửi khách hàng muốn rút cũng tăng, mặt khác các doanh nghiệp vay vốn cũng gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ vay , dẫn đến tình trạng ngân hàng thiếu vốn khả dụng và không thanh toán được cho người gửi tiền. Khi ngân hàng gặp kho khăn như vậy thì tâm lý người gửi tiền lại càng lo sợ và muốn rút tiền về cho an toàn, ngân hàng đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Những tháng cuối năm 2007 đầu năm 2008 là khoảng thời gian các ngân hàng nói chung rơi vào tình trạng bị rủi ro thanh khoản mạnh mẽ nhất.

Thứ ba, rủi ro từ chính sách. Những thay đổi trong chính sách, các quy định của luật pháp ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tín dụng ngân hàng.

Đó là những quy định về điều kiện của TSĐB, về tỷ lệ dự trữ bắt buộc, chính sách tiền tệ của ngân hàng Nhà nước áp dụng (linh hoạt hay thắt chặt), v.v

Thứ tư, rủi ro từ cách tổ chức điều hành hoạt động tín dụng cũng như chính sách tín dụng của ngân hàng. Có thể thấy điều này trong chính cung cách làm việc của ngân hàng. Ví dụ như khâu thẩm định khách hàng vay vốn tại ngân hàng do bộ phận thẩm định của phòng kế hoạch nguồn vốn đảm trách, phòng tín dụng cũng có tiến hành nhưng tính độc lập của hai hoạt động thẩm định chưa được đảm bảo nên chưa đảm bảo tính tái thẩm định của hồ sơ vay vốn. Đối với tài sản thế chấp cũng vậy, việc tách bạch giữa khâu đánh giá tài sản thế chấp với bộ phận trực tiếp kinh doanh cũng còn nhiều vấn đề. Nhiều khi chính cán bộ tín dụng tham gia vào việc đánh giá nên có thể nếu họ nhận định hồ sơ của khách hàng rất tốt và rất muốn cho vay thì họ có xu hướng đánh giá tốt TSĐB để hồ sơ được phê duyệt.

Phân tích và đo lường rủi ro: Các loại rủi ro được đã được xác định

sẽ được phân tích và đo lường mức độ để tìm nguyên nhân rủi ro nhằm có phương án đối phó, xử lý phù hợp. Lý thuyết thì như vậy nhưng tại những chi nhánh cấp 1 như ngân hàng Bắc Hà Nội thì rủi ro thường chỉ được phân tích một cách định tính chứ để đo lường mức độ rủi ro thì ngân hàng chưa thực hiện được. Bởi vì ngân hàng chưa áp dụng được các phương pháp đo lường hiện đại nên chỉ tiến hành phân tích thông qua các báo cáo tài chính, dựa trên các chỉ tiêu để xác định nguyên nhân cũng như mức độ ảnh hưởng của rủi ro nhằm tìm biện pháp tác động để hạn chế tổn thất của những rủi ro đó.

Một phần của tài liệu MỘT SỐ BIỆN PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ NHẰM HOÀN THIỆN HOẠT ĐỘNG QUẢN TRỊ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI NHNO&PTNT VIỆT NAM CHI NHÁNH BẮC HÀ NỘI (Trang 39 - 41)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(105 trang)
w