Kiến trúc địa chất và đứt gãy

Một phần của tài liệu Phân tích dị thường từ galăng bằng phương pháp đạo hàm góc nghiêng (Trang 60 - 61)

4.1.2.1. Kiến trúc địa chất

Diện tích nghiên cứu chiếm cánh Đông Bắc của vòm nâng, mà trung tâm của nó là dãy núi Ga-Lăng. Vòm nâng được hình thành bởi batholit granitoid phức hệ Đèo Cả. Cánh Tây Nam của vòm nâng bị hạ thấp, chiếm phần lớn đồng bằng sông Mao. Trục của vòm nâng kéo dài theo phương Tây Bắc – Đông Nam. Batholit granitoid phức hệ Đèo Cả phát triển rộng rãi dưới các thành tạo trầm tích và phun trào hệ tầng Draylinh, hệ tầng La Ngà, hệ tầng Đèo Bảo Lộc và hệ tầng Nha Trang.

Trong diện tích nghiên cứu (cánh đông bắc của vòm nâng) phát triển nhiều cấu trúc vòng trùng hợp với các họng núi lửa và phun nổ thuộc hệ tầng Nha Trang. Các họng có kích thước từ 0,2 đến 0,5 km2 với hình dạng khác nhau (tròn, elip, lưỡi liềm,…). Cấu trúc họng là yếu tố khống chế rất thuận lợi cho sự tích tụ quặng trong quá trình hoạt động nhiệt dịch saumagma (Geosimco (2009) [1]).

4.1.2.2. Đứt gãy

Có thể phân chia thành 4 hệ thống đứt gãy ở trong vùng nghiên cứu là Tây Bắc – Đông Nam, Đông Bắc – Tây Nam, Kinh tuyến và Vĩ tuyến. Trong đó hệ thống đứt gãy Tây Bắc –Đông Nam và Kinh tuyến có mật độ cao hơn cả. Về thời gian thành tạo đứt gãy, có thể chia ra làm hai nhóm là nhóm xuất hiện đồng và sau kề magma (trong

quá trình hoạt động nhiệt dịch) và nhóm xuất hiện ở các giai đoạn phát triển kiến tạo sau.

Nhóm đứt gãy xuất hiện vào thời kỳ đồng và sau kề magma gồm có hệ thống Tây Bắc – Đông Nam và Đông Bắc – Tây Nam. Nhóm đứt gãy này khống chế kiến trúc cánh đông bắc của vòm nâng batholit Ga-Lăng, đồng thời là yếu tố thuận lợi cho sự dẫn và tích tụ quặng trong quá trình hoạt động nhiệt dịch sau magma.

Nhóm đứt gãy xuất hiện vào giai đoạn phát triển kiến tạo trẻ – Kainozoi bao gồm các hệ thống đứt gãy Kinh tuyến và Vĩ tuyến. Chúng đóng vai trò làm dịch chuyển ngang các khối địa chất (Geosimco (2009) [1]).

Một phần của tài liệu Phân tích dị thường từ galăng bằng phương pháp đạo hàm góc nghiêng (Trang 60 - 61)