- Người nộp thuế tự xác định số thuế được miễn thuế, giảm thuế hoặc không phải nộp thuế và khai báo với cơ quan thuế trong hồ sơ khai thuế.
GIÁM SÁT SỰ TUÂN THỦ 4.1 Quản lý thông tin về người nộp thuế
4.1 Quản lý thông tin về người nộp thuế
4.1.1 Khái niệm Hệ thống thông tin về người nộp thuế
Hệ thống thông tin về người nộp thuế là tất cả các thông tin, tài liệu liên quan đến nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, bao gồm các thông tin định danh, thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh, kê khai, nộp thuế, tình hình tuân thủ pháp luật thuế, giải quyết khiếu nại tố cáo về thuế và các thông tin khác do người nộp thuế và các tổ chức, cá nhân khác tự nguyện cung cấp hoặc cung cấp theo yêu cầu bắt buộc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
4.1.2. Tầm quan trọng của Hệ thống thông tin về người nộp thuế
Thông tin về người nộp thuế là cơ sở để cơ quan quản lý thuế thực hiện: - Đánh giá tác động của chính sách thuế đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình tăng trưởng kinh tế để xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện chính sách thuế, cơ chế quản lý thuế, ngăn ngừa các hành vi gian lận thuế;
- Dự báo, phân tích khả năng thu ngân sách và mức độ động viên, đóng góp nghĩa vụ thuế đối với từng người nộp thuế hoặc nhóm người nộp thuế;
- Báo cáo thống kê phục vụ cho việc chỉ đạo điều hành công tác quản lý thuế và phục vụ cho các mục đích quản lý khác của nhà nước;
- Xây dựng và thực hiện các biện pháp quản lý thuế; các chương trình rà soát đánh giá tình hình kê khai, nộp thuế để ngăn ngừa, phát hiện kịp thời các vi phạm pháp luật về thuế;
- Đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật về thuế của người nộp thuế để áp dụng các biện pháp quản lý, xử lý thuế phù hợp.
Xuất phát từ tầm quan trọng trên, hệ thống thông tin về người nộp thuế phải đảm bảo chính xác và được cập nhật kịp thời. Luật nghiêm cấm hành vi làm sai lệch, sử dụng sai mục đích, truy cập trái phép, lấy cắp thông tin, làm ngừng trệ hoạt động của hệ thống thông tin, phá huỷ hệ thống thông tin về người nộp thuế. Mọi hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng thông tin đều bị xử lý theo qui định của pháp luật.
4.1.3. Nguồn thu thập thông tin
Thông tin về người nộp thuế được thu thập từ các nguồn thông tin sau: - Thông tin, tài liệu do người nộp thuế hoặc tổ chức, cá nhân được người nộp thuế uỷ quyền kê khai, cung cấp;
- Thông tin, tài liệu do cơ quan quản lý thuế thu thập trong quá trình theo dõi đăng ký, kê khai, nộp thuế; giải quyết hoàn thuế, miễn thuế, giảm thuế; xoá nợ; kiểm tra, thanh tra, điều tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý vi phạm về thuế; và quản lý sử dụng hoá đơn của người nộp thuế;
- Thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế; thông tin về chính sách và tình hình phát triển kinh tế; đặc thù ngành
sản xuất kinh doanh của người nộp thuế hoặc nhóm người nộp thuế do bên thứ ba là các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp.
- Thông tin, tài liệu mua từ các tổ chức, cá nhân (nếu có).
4.1.4. Bảo mật thông tin, trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong việc cung cấp và công khai thông tin
- Yêu cầu về bảo mật thông tin: Cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế, công chức quản lý thuế đã chuyển ngành, nghỉ hưu hoặc bị sa thải; tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế phải giữ bí mật thông tin của người nộp thuế theo qui định của pháp luật, trừ trường hợp cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý nhà nước khác theo qui định của pháp luật. Việc tiết lộ thông tin của người nộp thuế không đúng qui định sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
- Trách nhiệm cung cấp, tiết lộ thông tin: Mặc dù phải đảm bảo yêu cầu bảo mật thông tin của người nộp thuế, nhưng cơ quan quản lý thuế vẫn phải có trách nhiệm cung cấp thông tin của người nộp thuế khi có yêu cầu bằng văn bản của các cơ quan sau đây:
+ Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án;
+ Cơ quan thanh tra, cơ quan Kiểm toán Nhà nước;
+ Các cơ quan quản lý khác của nhà nước theo qui định của pháp luật; + Cơ quan quản lý thuế nước ngoài phù hợp với điều ước quốc tế về thuế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam là thành viên.
- Công khai thông tin vi phạm pháp luật thuế: Cơ quan quản lý thuế có quyền công khai các thông tin vi phạm pháp luật về thuế của người nộp thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng trong các trường hợp sau:
+ Trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế, mua bán hoá đơn bất hợp pháp, làm mất hoá đơn, vi phạm pháp luật về thuế rồi bỏ trốn khỏi trụ sở kinh doanh, tiếp tay cho hành vi trốn thuế, tránh thuế. Chây ỳ không nộp tiền thuế đúng thời hạn sau khi cơ quan quản lý thuế đã áp dụng các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế thu nợ thuế.
+ Các hành vi vi phạm pháp luật về thuế của người nộp thuế làm ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ nộp thuế của tổ chức, cá nhân khác như: lập hoá đơn giả giao cho người mua hàng, sửa chữa số liệu trên hoá đơn của người bán hàng và các hành vi khác.
+ Không thực hiện các yêu cầu của cơ quan quản lý thuế theo qui định của pháp luật, như: từ chối cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan quản lý thuế, không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra và các yêu cầu khác của cơ quan quản lý thuế theo qui định của pháp luật.
+ Chống, ngăn cản công chức thuế thi hành công vụ.
+ Các thông tin khác được công khai theo quy định của pháp luật.
4.1.5. Trách nhiệm của NNT trong việc cung cấp thông tin
- Cung cấp đầy đủ thông tin trong các hồ sơ đăng ký thuế; khai thuế, tính thuế; hoàn thuế; miễn thuế, giảm thuế; xoá nợ tiền thuế, tiền phạt theo quy định của pháp luật.
- Cung cấp thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế.
- Thông tin cung cấp cho cơ quan quản lý thuế phải rõ ràng, đầy đủ, chính xác, trung thực, đúng thời hạn qui định.
- Người nộp thuế phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các thông tin cung cấp cho cơ quan quản lý thuế.
4.1.6. Trách nhiệm của tổ chức cá nhân có liên quan trong việc cung cấp thông tin
- Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước: Các cơ quan quản lý nhà nước sau đây có trách nhiệm cung cấp thông tin về người nộp thuế cho cơ quan quản lý thuế đối với các thông tin thu thập được trong quá trình quản lý nhà nước có liên quan đến người nộp thuế:
+ Cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cơ quan cấp giấy phép thành lập và hoạt động;
+ Kho bạc nhà nước;
+ Cơ quan quản lý nhà nước về nhà, đất; + Cơ quan công an;
+ Cơ quan thanh tra;
+ Cơ quan quản lý thương mại;
+ Các cơ quan quản lý khác của nhà nước.
- Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan: Các cơ quan sau đây có trách nhiệm cung cấp thông tin theo định kỳ hoặc theo yêu cầu của cơ quan thuế:
+ Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; + Đại lý thuế, Công ty kiểm toán độc lập, Luật sư;
+ Các tổ chức, cá nhân là đối tác kinh doanh, là khách hàng của người nộp thuế;
+ Thông tin từ cơ quan quản lý thuế nước ngoài; + Phòng thương mại và công nghiệp Việt nam; + Các tổ chức, cá nhân khác.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý thuế không phải thông báo cho người nộp thuế biết trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Ngoài hai nguồn thông tin kể trên, cơ quan quản lý thuế có thể thu thập thông tin từ phương tiện thông tin đại chúng: đài, báo, internet.
4.1.7. Hình thức thông tin cung cấp cho cơ quan quản lý thuế
- Thông tin cung cấp ở dạng văn bản.
- Thông tin cung cấp bằng các tệp tin dữ liệu được tạo lập và tiếp nhận qua hệ thống mạng điện tử.
4.1.8. Trách nhiệm của cơ quan thuế trong việc xây dựng, thu thập, xử lý và quản lý Hệ thống thông tin về NNT
- Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm xây dựng hệ thống thông tin về người nộp thuế thống nhất từ trung ương đến địa phương; đảm bảo cơ sở dữ liệu
tập trung về trung ương; xây dựng chế độ thông tin, báo cáo thường xuyên, định kỳ giữa cơ quan quản lý thuế các cấp, cụ thể:
+ Xây dựng hệ thống các chỉ tiêu thông tin, cơ sở dữ liệu cần thu thập từ người nộp thuế, từ cơ quan quản lý thuế và từ bên thứ ba. Cơ quan quản lý thuế chuẩn hoá mẫu biểu thu thập thông tin, thống nhất mẫu biểu với các tổ chức cá nhân cung cấp thông tin hoặc thu thập thông tin theo định dạng sẵn có của tổ chức cá nhân cung cấp thông tin;
+ Xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, thiết bị truyền tin đáp ứng yêu cầu thu thập, xử lý, lưu trữ, truyền tải, khai thác sử dụng, kiểm soát thông tin trong cơ quan quản lý thuế.
- Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm quản lý hệ thống thông tin về người nộp thuế
+ Xây dựng cơ chế sử dụng thông tin về người nộp thuế để phục vụ công tác quản lý thuế;
+ Xây dựng cơ chế cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý nhà nước phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước;
+ Quản lý cơ sở dữ liệu và đảm bảo duy trì hệ thông thông tin về người nộp thuế
Để phục vụ cho việc xây dựng và quản lý hệ thống thông tin về người nộp thuế, hiện tại Tổng cục Thuế đang triển khai thực hiện dự án PHRD. Mục tiêu của dự án này là nhằm xây dựng một hệ thống thông tin đầy đủ, kịp thời về người nộp thuế, có khả năng tích hợp và phục vụ cho tất cả các chức năng quản lý thuế; đảm bảo dữ liệu tập trung phục vụ kịp thời cho công tác chỉ đạo điều hành ở Tổng cục và thực hiện công tác hành thu ở Cục thuế, Chi cục thuế; đáp ứng yêu cầu trao đổi thông tin và các yêu cầu quản lý khác.