KHẢ NĂNG TRIỂN KHAI IPTV TRÊN MẠNG VIỄN THÔNG VIỆT NAM
3.2 Nhu cầu sử dụng dịch vụ IPTV tại Việt Nam
Phân tích về thị trường IPTV tại Việt Nam đưa ra tại IPTV Forum VietNam 2007 cho biết, cơ hội của IPTV tại Việt Nam rất cao bởi số dân số trẻ, đối tượng có khả năng đón nhận IPTV chiếm tới gần 70% dân số Việt Nam. Bên cạnh đó, nhu cầu về băng rộng tại Việt Nam đang gia tăng.
Cùng với sự phát triển của dịch vụ thuê bao băng rộng, việc xây dựng các nội dung phong phú cho mạng xDSL là vô cùng cần thiết. Việc xây dựng và hoạch định tốt mạng xDSL cho phép cung cấp tới thuê bao các đường kết nối tốc độ cao, ổn định và nhờ đó cho phép cung cấp các dịch vụ gia tăng giá trị cao. Như vậy ngoài các dịch vụ Internet tốc độ cao truyền thống, việc cung cấp các dịch vụ về Video và IPTV đã trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Đến giai đoạn này, thấy rõ được nhu cầu phát triển nội dung cho mạng xDSL, VNPT đã lựa chọn Siemens, nhà cung cấp giải pháp mạng NGN tổng thể cho VNPT từ lớp truy nhập đến mạng lõi, thực hiện thử nghiệm dịch vụ giải trí băng rộng (Broardband Entertainment Solution) tại công ty VASC. Ngoài các dịch vụ IPTV và VoD theo yêu cầu của VNPT, giải pháp giải trí tại gia đình thử nghiệm tại VASC của Siemens còn cung cấp thêm nhiều các dịch vụ khác như kết nối Internet trên TV, Walled Garden, v.v nhờ vào giải pháp sử dụng Midlleware chuyên dụng cho các nhà khai thác lớn. Ngoài ra vấn đề về bảo mật cho nội dung cũng được thử nghiệm với phần mềm của hệ thống DRM.
3.2.1Kết quả thăm dò ý kiến người tiêu dùng về dịch vụ giải trí băng rộng
Sau thời gian chạy thử nghiệm dịch vụ tại 20 hộ trên địa bàn thành phố Hà Nội, VASC muốn đưa dịch vụ này ra thị trường. Để đo mức độ tiếp nhận dịch vụ này ngoài thị trường, VASC đã tổ chức một cuộc thăm dò tại
4 thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Đà Nẵng. Trung Tâm M-Commerce đã phối hợp cùng bộ phận Marketing Research của VASC thực hiện.
• Mục tiêu nghiên cứu thị trường: Chương trình nghiên cứu thị trường phục vụ cho “Dự án dịch vụ giải trí băng rộng - BES” với mục tiêu:
− Tìm hiểu thói quen giải trí các loại của công chúng.
− Tìm hiểu mức độ chấp nhận của công chúng đối với dịch vụ truyền hình trực tuyến, video theo yêu cầu và các dịch vụ giá trị gia tăng của IPTV: ý tưởng, giá cả.
− Dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ IPTV.
− Phân tích dữ liệu thu được nhằm đề xuất các định hướng kinh doanh cho dịch vụ.
• Nội dung thông tin: Để đáp ứng các mục tiêu nghiên cứu đề ra, bảng câu hỏi được thiết kế cho chương trình bao gồm những nội dung thông tin sau:
− Tìm hiểu thói quen xem TV, thói quen truy cập internet.
− Tìm hiểu mức độ đáp ứng của những dịch vụ giải trí truyền hình hiện tại khách hàng đang sử dụng.
− Mức chi phí cho dịch vụ giải trí truyền hình hiện tại.
− Đánh giá, nhận xét của khách hàng khi được miêu tả dịch vụ truyền hình trực tuyến và video theo yêu cầu.
− Đánh giá, nhận xét của khách hàng đối với các dịch vụ cộng thêm.
− Mức độ chấp nhận dịch vụ.
− Chi phí tối đa khách hàng chấp nhận sẽ chi cho dịch vụ này.
− Phản ứng của khách hàng trước những loại dịch vụ IPTV và các mức giá chấp nhận được.
• Phương pháp thực hiện: Phỏng vấn trực tiếp theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên theo bước nhảy được qui định trước.
• Đối tượng nghiên cứu: Tập trung khảo sát các đối tượng là các cá nhân trong độ tuổi 18 - 50 có quan tâm đến dịch vụ giải trí truyền hình và biết sử dụng internet trên cả nước, riêng đối tượng được phỏng vấn trực tiếp chỉ giới hạn ở 4 địa bàn tiêu biểu là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Đà Nẵng. Số lượng khảo sát trực tiếp được phân bổ ở từng địa bàn như sau:
− Thành phố Hà Nội: 301 mẫu.
− Thành phố Hồ Chí Minh: 301 mẫu.
− Thành phố Đà Nẵng: 209 mẫu.
− Thành phố Hải Phòng: 200 mẫu.
• Thời gian thực hiện: Chương trình thăm dò ý kiến người tiêu dùng về mạng giải trí băng rộng do Trung tâm M-Commerce phối hợp với bộ phận Marketing Research thực hiện: từ ngày 25/2 đến 10/3/2006.
• Kết quả thăm dò nhu cầu thị trường:
Tìm hiểu thói quen giải trí các loại của công chúng:
− Xã hội càng phát triển, nhu cầu giải trí của người dân càng cao. Hầu hết các gia đình đều đã có TV và đầu đĩa DVD, VCD, CD. Thói quen xem TV/phim, nghe nhạc tại nhà chiếm phần lớn thời gian giải trí.
− Tại 4 thành phố được khảo sát, gần 1/3 người dân có nhu cầu truy cập Internet và khoảng 1/8 dân chúng có thói quen xem phim tại rạp và chơi video game.
− Một nửa đối tượng khảo sát có đăng ký sử dụng truyền hình cáp/kỹ thuật số cho thấy người dân rất hứng thú với các loại hình dịch vụ giải trí truyền hình, đặc biệt là hình thức dịch vụ Tivi có trả tiền.
− Thị phần của các nhà cung cấp dịch vụ là khác nhau, nhưng xét một cách tổng thể thì các nhà cung cấp dịch vụ TH cáp/KTS đã đáp ứng được hơn 70% nhu cầu giải trí truyền hình của khách hàng. Gần một nửa khách hàng hài lòng với nhà cung cấp dịch vụ nhờ sự đa dạng về các kênh và chương trình truyền hình, 1/4 còn lại hài lòng về chất lượng nội dung chương trình. Trong khi đó có khoảng 1/3 khách hàng mong đợi có thêm nhiều kênh truyền hình, thuyết minh và phụ đề tiếng Việt.
− Chi phí cho dịch vụ giải trí truyền hình hiện tại vào khoảng 46.000 đồng. Mức chi thấp nhất là TP. Đà Nẵng gần 26.500đ, và cao nhất là Hải Phòng, 69.000đ.
Mức độ chấp nhận của công chúng đối với dịch vụ truyền hình trực tuyến, video theo yêu cầu và các các dịch vụ giá trị gia tăng của IPTV về ý tưởng và giá cả:
Cảm nhận về dịch vụ IPTV: Ý tưởng cung cấp dịch vụ truyền hình qua Internet (IPTV), video theo yêu cầu (VoD) và các dịch vụ cộng thêm của IPTV (như: truy cập Internet và email trên Tivi, điện thoại hiển thị hình ảnh và điện thoại VoIP, chức năng ghi chương trình, chơi game) được đông đảo khách hàng quan tâm. Tại Đà Nẵng, 90% người được hỏi đều thú vị với dịch vụ này. Kế đến là TP.HCM và Hải Phòng với 81% và 80%, cuối cùng là Hà Nội với chỉ hơn 54%.
Chi phí tối đa khách hàng chấp nhận sẽ chi cho các dịch vụ của IPTV:
− Truyền hình số: chi phí cho mỗi kênh trả tiền là 7.122 đồng.
− Dịch vụ đa phương tiện theo yêu cầu: chi phí trung bình hàng tháng cho dịch vụ này là 40.000 đồng và chi phí cho 1 bộ phim hoặc chương trình ca nhạc theo yêu cầu có thể khoảng 3.000 đồng.
− Truy cập Internet và email trên Tivi: mức chi dự kiến cho dịch vụ Internet ở 4 thành phố có chênh lệch chút ít, nằm trong khoảng từ 36.000 - 50.000 đồng.
− Trò chơi trên Tivi mức chi trung bình tháng từ 15.000-30.000 đồng.
− Khả năng mua bộ giải mã (Set-Top-Box): Mức giá có thể chấp nhận được cho cả 4 thành phố là 1.000.000 đồng.
Dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ IPTV:
− Khả năng đăng ký sử dụng dịch vụ IPTV tại Hải Phòng không cao, chưa tới 1/4 khách hàng nghĩ sẽ đăng ký sử dụng dịch vụ này trong vòng 1 năm tới. Hà Nội có khoảng 43%, Đà Nẵng gần 50% và thành phố Hồ Chí Minh cao nhất với 55% (trong đó 34% mong muốn đăng ký trong vòng 6 tháng tới).
− Nếu căn cứ trên thói quen giải trí tại gia đình của đại đa số người dân thì nhu cầu sử dụng dịch vụ IPTV là rất cao, và việc phát triển nội dung cho các dịch vụ IPTV có thể bắt đầu triển khai ngay từ thời điểm này, càng sớm càng tốt.
3.2.2Mức độ chấp nhận của công chúng đối với dịch vụ IPTV
Ý tưởng về giải pháp giải trí băng rộng bao gồm truyền hình qua internet, các dịch vụ về media như dịch vụ đa phương tiện phục vụ các chương trình theo yêu cầu (phim, ca nhạc, game…), dịch vụ internet, thư điện tử, VoIP, chức năng ghi chương trình… còn khá lạ lẫm đối với nhiều người, đặc biệt là ở Đà Nẵng (gần 80% chưa hề nghe nói đến dịch vụ này), kế đến là TP.HCM (hơn 67%).
Tuy nhiên, khi được nghe giới thiệu về dịch vụ IPTV và các chức năng của nó, đông đảo công chúng tỏ ra rất hoan nghênh về giải pháp này. Tại 4 thành phố khảo sát, khoảng ¾ người được hỏi đều thú vị với ý tưởng này. Cao nhất là ở Đà Nẵng với khoảng 90%, kế đến là TP.HCM và Hải Phòng với 81% và 80%, cuối cùng là Hà Nội với chỉ hơn 54%.
Tuy nhiên, khả năng đăng ký sử dụng dịch vụ này ở Hải Phòng lại không cao, chỉ có không tới ¼ nghĩ sẽ đăng ký sử dụng dịch vụ này trong vòng 1 năm tới. Hà Nội có khoảng 43%, Đà Nẵng gần 50% và TP.HCM cao nhất với 55% (trong đó 34% mong muốn đăng ký trong vòng 6 tháng tới). Một trong những lý do cần tính đến là mức sống ở Hải Phòng không cao, sức chi không mạnh.
Phản ứng đối với giá 1.500.000đ của Set-Top-Box tương đối thuận lợi tại TP.HCM và Đà Nẵng với tỷ lệ 45% và 53%, Hải Phòng chỉ còn 35% chấp nhận và Hà Nội với 25%. Mức giá tương đối hợp lý cho cả 4 thành phố là khoảng 1.000.000 đồng, mặc dù đối tượng Hà Nội chỉ chấp nhận ở mức 868.345 đ, nhưng sẽ được 3 thành phố còn lại hoan nghênh vì họ sẵn sàng chi ở mức cao hơn một chút (từ 1.084.058 đến 1.252.750 đ).
Hình thức thanh toán trả sau (thông qua hoá đơn ADSL) xem ra là giải pháp mang tính thuận lợi cho người sử dụng dịch vụ IPTV hơn cả nên tỷ lệ chọn phương thức này khá cao, từ 78%-86%.
3.2.3Dự báo nhu cầu dịch vụ IPTV
Sự quan tâm của công chúng đối với từng dịch vụ trong IPTV được đúc kết theo thứ tự ưu tiên như sau:
• Chức năng ghi chương trình và giải pháp điện thoại hiển thị hình ảnh được hoan nghênh nhất, với tỷ lệ 80%, tỷ lệ tương đối cao đều nhau ở 3 thành phố Đà Nẵng, TP.HCM và Hải Phòng.
• Với tỷ lệ suýt soát 79% là dịch vụ đa phương tiện, tỷ lệ hưởng ứng dẫn đầu là Đà Nẵng (91%), kế đến là TP.HCM (83%) và Đà Nẵng (80%). Hà Nội luôn là thành phố thể hiện sự quan tâm thấp
nhất đối với dịch vụ IPTV nói chung và các chức năng trong IPTV nói riêng.
• Dịch vụ truyền hình số xếp hạng 4 với tỷ lệ 74% và vẫn theo thứ tự như trên. Thứ hạng của dịch vụ truyền hình số không cao một phần có lẽ do dịch vụ truyền hình cáp/kỹ thuật số hiện nay đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của công chúng.
• Dịch vụ internet và thư điện tử xếp hạng 5 với tỷ lệ 65%. Khoảng cách giữa các thành phố không còn lớn (56%-73%).
• Chức năng chơi game là chức năng ít thu hút sự quan tâm nhất, vì đối tượng được phỏng vấn đa số thuộc tuổi lớn. Một lý do khác cũng cần được tính đến là, tại Việt Nam, tivi là thiết bị mang tính cách sinh hoạt gia đình hơn là cá nhân, nên sẽ rất bất tiện nếu cá nhân nào trong gia đình độc chiếm chiếc tivi để chơi game.
Khả năng phát triển thị trường với dịch vụ IPTV theo các mốc thời gian như sau:
• TP.HCM và Đà Nẵng là 2 thị trường tiềm năng mạnh mẽ nhất. Ngay trong vòng 6 tháng tới, có thể thu hút được khoảng 1/3 số hộ được giới thiệu. Trong vòng 1 năm sẽ phát triển khoảng 50%.
• Hà Nội phát triển chậm hơn khoảng 10%.
• Hải Phòng ít quan tâm đến dịch vụ IPTV nhất.
Sức thuyết phục của dịch vụ IPTV theo ảnh hưởng của giá Set-Top- Box:
• Với mức giá 1.500.000 đồng, sức thuyết phục thể hiện cao nhất ở Đà Nẵng với hơn 50%, kế đến là TP.HCM với 44%, Hải Phòng cũng đạt 35%. Hà Nội xem ra ít hứng khởi nhất, chỉ có 23%.
• Nếu ấn định mức giá trong vòng 1.200.000 đồng, cũng không mở rộng được thị trường bao nhiêu, chỉ thêm được khoảng 5% ở mỗi địa bàn.
• Tuy nhiên, mức giá 1.000.000 đồng sẽ trở nên hấp dẫn, đặc biệt sẽ thuyết phục được khoảng 85% đăng ký tại Đà Nẵng, kế đến là TP.HCM với 72% và Hải Phòng sẽ bắt đầu chuyển động với hơn 60%. Hà Nội vẫn là nơi có tỷ lệ thấp nhất, chỉ 44%.