Về đạo đức
Sự ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần của con người Việt Nam được thể hiện khá rõ nét ở lĩnh vực đạo đức. Chính vì có nhiều điểm tương đồng nên ngay từ khi được truyền bá vào Việt Nam đã được người Việt tiếp nhận một cách tự nhiên dễ dàng. Đó là sự sẵn sàng hy sinh cho đạo lý, hướng tới sự hòa hợp toàn vũ trụ. Mọi người tìm thấy hạnh phúc khi được khai sáng cái tâm bằng các hoạt động phụng sự xã hội, phụng sự dân tộc và mọi người. Đạo đức Phật giáo có ảnh hưởng sâu đậm đến đạo đức của nhân dân Việt Nam và đã thích nghi với mọi biến đổi của xã hội để đứng vững trong lòng người dân.
Phật giáo với triết lý nhân sinh sâu sắc có ảnh hưởng và góp phần đắc lực trong việc tạo nên nhân cách con người Việt Nam, hình thành và phát triển nhân sinh quan, đạo đức trong nhân dân ta. Triết lý ấy còn giáo dục con người phấn đấu tu dưỡng để hoàn thiện mình, làm lành, lánh ác; thấy được cuộc sống của mình do chính mình làm chủ, vì vậy không chờ đợi ở một thế lực nào khác mà bản thân phải gắng sức luyện rèn để trở thành người tốt, có ích cho xã hội. Nó còn giáo dục con người sống biết hy sinh lợi ích, yêu thương mọi người, thương người như thể thương thân. Với quan niệm Phật tại tâm, nên tu Phật là tu dưỡng đạo đức trong lòng của mỗi cá nhân. Vì vậy, đạo đức Phật giáo dễ đi vào lòng người.
Ngày nay, trong điều kiện kinh tế thị trường thì ảnh hưởng nhân sinh quan Phật giáo đến đạo đức đã có sự biến đổi. Trong cơ chế mới, con người cầu mong một cuộc sống tốt đẹp, đầy đủ thì phải cầu may trong cuộc cạnh tranh để trở thành người chiến thắng, đây là nguyên nhân làm cho nhiều người tìm đến Phật giáo. Người lên chùa dâng hương thờ Phật, Thần với nhu cầu tâm linh của con người trong cơ chế thị trường, họ cầu xin Phật, Thần phù hộ độ trì để có được cuộc sống tốt đẹp, đầy đủ thậm chí họ cầu xin Đức Phật cả những điều ngược trái với giáo lý tinh thần của Phật giáo, ví như: được trúng quả đậm, buôn bán hàng lậu được trót lọt, hoặc mua được rẻ, bán lại đắt... Trong cơ chế kinh tế mới này, nhu cầu tâm linh của các tín đồ lại càng phong phú hơn bao giờ hết, nhà
chùa cũng đã đáp ứng được nhu cầu ngày một cao của các tín đồ. Nhiệm vụ của các tăng ni là thỏa mãn nhu cầu tâm linh của các tín đồ ngày càng nhiều lên, thù lao cho những hoạt động ấy cũng khác trước rất nhiều. Nhà chùa còn làm nhiều việc mà trước đây không phải là công việc của họ, ví dụ như: viết sớ, bói toán, xem thẻ, sóc thẻ... Sát sinh cũng được hiểu khác trước. ăn thịt hay cỏ tùy nghi. Có thể nói, hình thức phục vụ tâm linh của nhà chùa đã tỏ rõ vai trò đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú của các tín đồ Phật giáo.
Nếu như trước đây, người lên chùa chủ yếu là người già với tấm lòng thành kính Phật, tự giác "trẻ vui nhà, già vui chùa", thì ngày nay người lên chùa gồm rất nhiều các thành phần khác nhau, người già, người trẻ, công chức, nhà buôn... với những nhu cầu khác nhau. Ngoài các tín đồ Phật tử theo đuổi ý tưởng tôn giáo, còn rất nhiều người đến chùa không phải là Phật tử. Tuy vậy, lực lượng này vẫn thường xuyên đi chùa. Việc cung tiến tiền cho nhà chùa cũng nhiều hơn trước đây, còn về phía nhà chùa cũng đặt thêm nhiều hòm công đức, từ thiện... tất cả điều đó cũng đã nói lên biểu hiện sự tác động của cơ chế thị trường tới hành vi đạo đức của tăng ni và tín đồ, qua đó một lần nữa lại khẳng định ảnh hưởng nhân sinh quan Phật giáo đến đạo đức của con người Việt Nam có biểu hiện khác thời kỳ khi kinh tế đất nước còn trong cơ chế tập trung quan liêu bao cấp. Tuy vậy, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo vẫn có ý nghĩa tích cực (thương yêu con người, cứu vớt con người thoát khổ...). Còn trong cơ chế kinh tế mới này, ảnh hưởng đạo đức Phật giáo vẫn góp phần để làm lành mạnh con người trong kinh doanh theo luật nhân quả, làm hạn chế tác động mặt trái của cơ chế kinh tế ấy, hạn chế, ngăn chặn sự suy thoái đạo đức trong xã hội, hướng thiện cho con người, nếu chúng ta biết khai thác những giá trị nhân văn trong nhân sinh quan Phật giáo.
Về lối sống
"Lối sống là phương thức sống của con người (cá nhân, nhóm, cộng đồng xã hội) trong một xã hội nhất định được biểu hiện trên các lĩnh vực cơ bản của đời sống như: hoạt
động lao động sản xuất, hoạt động chính trị xã hội, hoạt động văn hóa tinh thần và hoạt động sinh hoạt hàng ngày" [44. tr. 56].
Nhân sinh quan Phật giáo có ảnh hưởng sâu rộng đến nếp nghĩ nếp sống không chỉ đối với giới tăng ni, phật tử mà còn cả trong đông đảo quần chúng nhân dân.
Niềm tin vào luật nhân quả khiến cho các tín đồ phật tử tin vào tứ diệu đế một cách tự nguyện, cho rằng cuộc đời con người là bể khổ trầm luân. Vì vậy, họ vào chùa tu hành, sinh sống để xa lánh cuộc sống trần tục nơi thế gian đầy dục vọng và cám dỗ. ở đây các tăng ni còn thực hiện việc tu luyện theo bát chính đạo, ăn chay niệm Phật mong thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi, cầu được cái chết siêu thoát và được lên cõi Niết bàn. Ngôi chùa với không gian thiêng liêng trở thành chỗ dựa cho cuộc sống của biết bao tín đồ Phật giáo, còn với đông đảo người dân Việt Nam tuy không xuất gia tu hành nhưng trong đời sống tâm linh của họ vẫn có chỗ cho việc đi chùa lễ Phật. Việc làm này chi phối họ trong cuộc sống và cả khi về thế giới bên kia. Sống ở trần gian được lên chùa lễ Phật vào những buổi chiều xua đi những nỗi khổ ở đời, vì thế hoạt động này đã trở thành nếp sống quen thuộc không thể thiếu trong đời sống tâm linh của con người. Lẽ sống của con người Việt Nam còn là việc lễ Phật cầu an, thờ cúng tổ tiên vào ngày rằm, mồng một. Những ngày này không chỉ còn riêng của sinh hoạt Phật giáo mà đã trở thành đại lễ của đông đảo quần chúng nhân dân.
ảnh hưởng nhân sinh quan Phật giáo đến lối sống của người Việt Nam còn được biểu hiện qua các phong tục tập quán trong các đám tang: có nhà sư mặc áo cà sa, là sự thể hiện pháp lực của nhà Phật xua đuổi tà ma, có các vãi đi cầu kinh để dẫn vong hồn về nơi yên nghỉ. Rồi sau đó là lễ cúng cầu siêu... nhà chùa vẫn là điểm tựa cho linh hồn người chết được siêu thoát.
Ngày nay, khi đất nước đã có sự đổi mới, nền kinh tế thị trường đang được xác lập thì quan niệm về lối sống cũng có biến đổi nhiều. Lối sống của nhà sư cũng thực
dụng. Mặc dù vậy, ngôi chùa vẫn là nơi ẩn chứa sự thiêng liêng của niềm tin nhân quả, là nơi con người có thể tìm thấy con đường cứu khổ, cứu nạn, đem lại sự an nhàn tĩnh lặng cho những con người có cuộc sống rủi ro, cho những số phận ngang trái như thiên tai, hậu quả của chiến tranh... mà không tìm được lối ra trong cuộc sống.
Về văn hóa
Nói đến ảnh hưởng nhân sinh quan Phật giáo, đến văn hóa của con người Việt Nam là vấn đề khá phong phú, ở đây tác giả chỉ xin đề cập đến một khía cạnh sinh hoạt văn hóa của người dân Việt Nam trong các ngôi chùa.
Người dân Việt Nam từ bao đời nay đã rất quen thuộc với những ngôi chùa, những hoạt động lên chùa lễ Phật đã trở thành sinh hoạt tinh thần của văn hóa người Việt với sự hưởng ứng của đông đảo mọi người trong xã hội. Ngôi chùa là giá trị văn hóa rất gần gũi thân thương của con người Việt Nam, góp phần tô điểm cho nhiều làng quê Việt Nam. Hình ảnh ngôi chùa, cây đa, bến nước, sân đình đã không thể tách rời trong ký ức của mỗi người dân khi xa quê. Hoạt động lên chùa lễ Phật giúp cho con người tìm đến những phút giây thư thái, hướng tới cái chân, thiện, mỹ, làm vơi đi những nhọc nhằn lo toan của cuộc sống thường nhật. Chúng ta có thể khẳng định, việc lên chùa lễ Phật là sinh hoạt văn hóa mang bản sắc dân tộc, qua đó giúp con người hướng tới điều thiện vốn là nét đẹp của văn hóa truyền thống. Chùa không chỉ là nơi thỏa mãn niềm tin tôn giáo của con người mà có thể nói đây còn là địa điểm để thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ của họ. Chùa được xây dựng ở những nơi có phong cảnh đẹp, sơn thủy hữu tình, hòa mình vào thiên nhiên, tô đẹp cho thiên nhiên nhưng lại mang dáng vẻ rất trầm mặc và thanh thoát như một tiên cảnh ẩn hiện dưới những bóng cây mát mẻ, lưng dựa vào núi, mặt hướng ra sông hoặc nằm nơi đầu làng.
Ngày nay chùa vẫn là nơi sinh hoạt văn hóa của đông đảo quần chúng nhân dân, biểu hiện là đến rằm tháng bảy - ngày hội Vu Lan mọi người dân Việt Nam đều cầu
nguyện cho người chết được siêu thoát, ngày mồng tám tháng tư lễ hội Phật Đản, lễ hội Chùa Hương với hát chèo đò gắn với sinh hoạt văn hóa dân gian... Như vậy, tín ngưỡng Phật giáo với sinh hoạt văn hóa của con người Việt Nam trở thành những giá trị văn hóa trong đời sống tinh thần của dân tộc. Lễ hội chùa chứa đựng những nội dung văn hóa nhất định trong di sản văn hóa của chúng ta. Ngày nay những giá trị ấy vẫn góp phần làm đẹp cho cuộc sống của con người trong xã hội.
Song trước sự biến đổi của đời sống kinh tế - xã hội, ảnh hưởng nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần của con người Việt Nam, trong đó có sinh hoạt văn hóa của người dân tại các ngôi chùa cũng thay đổi rất nhiều. Những nét đẹp trong giá trị văn hóa đã bị thị trường hóa, từ thiện, từ tâm để tu bổ sửa chữa lại chùa là việc làm hết sức cần thiết cho những niềm tin nhân quả và bảo tồn một trong những di sản văn hóa dân tộc, nhưng cũng cần có sự phê phán việc lợi dụng những hành vi trên để trục lợi làm giảm uy tín của nhà chùa vốn là nơi linh thiêng, thanh tịnh. Do tác động của cơ chế thị trường đã khiến sinh hoạt văn hóa của các nhà chùa có sự biến đổi, nhiều tín đồ, người lên chùa đã quá sa đà vào việc lễ bái dẫn đến hiện tượng mê tín, dị đoan gây nhiều lãng phí về mặt tiền bạc, thời gian. Trên thực tế đã xuất hiện danh nghĩa khôi phục văn hóa Phật giáo để bày ra lễ hội tốn kém, những hiện tượng mê tín, dị đoan nhờ đó mà phát triển. Nơi sinh hoạt văn hóa trước đây của nhiều người dân Việt Nam nay đã biến thành chợ trời của sự cúng bái. Có kẻ mượn danh Phật tiến hành các hành vi mê tín, dị đoan: bùa ngải, lên đồng, gọi hồn... thực chất là lợi dụng lòng mê muội của người dân, những người này lên chùa cầu mong Đức Phật che chở, phù hộ cho họ được may mắn có nhiều tài lộc, quan niệm nhân sinh của người tín đồ cũng có nhiều biến đổi để thích ứng với thời đại mới. Trong điều kiện mới những ngôi chùa khó giữa được dáng vẻ như xưa. Hiện nay những danh thắng ấy như một xã hội thu nhỏ có cả nhà ăn, quán trọ, cửa hàng với không khí sôi động ồn ào, náo nhiệt của thị trường.
Cuộc sống của con người trong xã hội rất đa dạng, có nhiều uẩn khúc, hiện nay chưa có một lý thuyết nào có thể giải thích thỏa mãn. Đạo Phật với sinh hoạt văn hóa của
nó vẫn có cơ sở để tồn tại và rõ ràng Phật giáo không phải là con đường cứu khổ duy nhất cho con người.