Ảnh hưởng nhân sinh quan Phật giáo đến văn hóa

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Sự biến đổi ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo trong quá trình đổi mới ở Việt Nam hiện nay doc (Trang 43 - 49)

Giữa đạo đức, lối sống,văn hóa không có ranh giới rõ ràng, rành mạch, ví như sự khác nhau về lối sống là do sự khác biệt về văn hóa quy định, hay đạo đức là phần cơ bản trong giá trị của văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, ngoài đạo đức, lối sống thì văn hóa còn

có ngoại diên rộng: như văn học nghệ thuật, thị hiếu, thẩm mỹ... vì vậy tác giả luận văn xin đề cập những tiểu tiết chưa có dịp bàn đến trong những nội dung nói trên (đạo đức, lối sống).

Từ khi được truyền bá vào Việt Nam, Phật giáo đã trải qua nhiều bước thăng trầm trong lịch sử, có lúc đạt tới đỉnh cao rực rỡ, cũng có lúc bị lãng quên. Mỗi bước phát triển của Phật giáo đều gắn bó chặt chẽ, hòa quyện với sự hình thành nền văn hóa Việt Nam (bao gồm: Tư tưởng, văn học nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc...).

Trong thời kỳ đầu, ảnh hưởng của Phật giáo đối với văn hóa Việt Nam được biểu hiện chủ yếu thông qua việc chép kinh học Phật, sinh hoạt Phật giáo còn rất thô sơ, việc dịch kinh, làm chùa được thực hiện vào khoảng thế kỷ thứ II. Nguyễn Lang đã viết: "Đạo Phật thấm vào văn minh Giao Châu tự nhiên và dễ dàng như nước thấm vào lòng đất" [19, tr. 48].

Đến thế kỷ thứ X - XV, con người Việt Nam trong quá trình lao động sản xuất đảm bảo đời sống của mình vừa tạo ra những cái đáp ứng nhu cầu tất yếu đầu tiên như ăn, mặc, ở... đồng thời còn thỏa mãn sự tưởng tượng hư ảo bằng việc xây dựng các đền chùa để thờ Phật, thờ Thần. Trong kiến trúc truyền thống Việt Nam, chùa tháp là một trong những công trình kiến trúc có giá trị văn hóa, truyền thống khá đậm nét nhằm thỏa mãn nhu cầu tôn giáo. Phật giáo, trong đó triết lý nhà Phật là yếu tố chủ đạo của kiến trúc chùa tháp Việt Nam.

Dưới đời Trần chùa được mọc lên ở khắp mọi nơi, các tín đồ Phật giáo cũng tăng lên rất nhanh và nhiều. Làng lớn có đến 10 chùa, làng nhỏ cũng khoảng 5-6 chùa. Số tăng sĩ ít nhất cũng khoảng 30.000 vị. Dưới triều Nguyễn, chùa được xây dựng nhiều, trong đó có nhiều chùa nổi tiếng như chùa Thiên Mụ, chùa Tháp v.v... Chùa không chỉ là nơi quy tụ tín ngưỡng mà còn là địa điểm sinh hoạt văn hóa, biểu diễn văn nghệ, vui chơi hội hè, diễn xướng của người dân, là môi trường nuôi dưỡng cho sự khéo léo của bàn tay khối óc

con người. Phật giáo không chỉ dừng lại ở tầng lớp trên mà đã thâm nhập vào tầng lớp bình dân ở khắp miền đất nước. Phật giáo không gò ép con người vào trật tự chính trị xã hội, cũng không biện hộ cho ngoại xâm. Nó nêu cao lòng từ bi, giáo dục lòng thương yêu mọi người, đặc biệt là những người nghèo khổ. Phật giáo đi vào lòng người dân Việt Nam và được cải biến cho phù hợp với tín ngưỡng truyền thống của nhân dân Việt Nam. Ông Bụt tượng trưng cho đấng tối cao luôn hiểu thấu mọi chuyện trên đời, luôn thân thiện gần gũi với mọi người ngay cả những em bé. Bụt luôn xuất hiện kịp thời, giúp đỡ những người tốt bị điều oan ức, Bụt rất nhân từ và thương người.

Thời Lý - Trần với sự phát triển cường thịnh của Phật giáo Việt Nam, số lượng chùa chiền và tăng lữ đông hơn hẳn các thời khác. Thời Lý, các Thiền sư có công giúp vua về mọi mặt như chính trị, quân sự, ngoại giao. Sư Khuông Việt và sư Pháp Thuận được nhà Vua cho tiếp xứ Trung Quốc, sư Vạn Hạnh được Vua Lê Đại Hành hỏi ý kiến trước khi xuất đánh quân Tống v.v... Giai đoạn này các nhà sư là lực lượng tri thức của xã hội, họ là lực lượng đông đảo sống gần gũi với quần chúng nhân dân, thông cảm và hiểu được mọi khổ đau của người dân đang bị chính sách độ hộ hà khắc thống trị bóc lột. Các Thiền sư không có ý muốn tranh ngôi vua, không dành quyền bính cũng như địa vị ngoài đời; họ được vua tin tưởng, coi trọng, yêu mến; họ chỉ tâm niệm có một điều là giúp vua. Họ đã cộng tác, liên kết với vua để hy vọng có thể đem lại hạnh phúc cho dân chúng, giúp họ thoát khỏi cảnh sống khổ cực. Bên cạnh đó các ông vua rất cần sức học tập của các Thiền sư. Như vậy có thể thấy, Phật giáo có ảnh hưởng sâu rộng trực tiếp đến chính trị của đất nước ta.

Thời kỳ này, nhiều vị vua, quan là những tín đồ Phật giáo có tư tưởng triết lý về cuộc sống nhập thế, nhưng không tách khỏi tư tưởng dân tộc. Có nhà vua rất mộ Phật như Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông cuối đời đã vào chùa tu Phật.

Phật giáo được xem là yếu tố không thể thiếu trong cấu trúc văn hóa dân tộc, góp phần tạo nên nét bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Ta có thể thấy chí hướng xây dựng nền văn hóa Việt Nam độc lập của các Thiền sư rất rõ rệt. Trên phương diện địa lý,

các Thiền sư muốn dời kinh đô tới một nơi có thể dựng nên sự nghiệp độc lập lâu dài. ở phương diện học thuật, họ có công rất lớn trong việc đào tạo tầng lớp trí thức, không có chấp vào thuyết trung quân, biết dung hợp các ý thức hệ dị biệt như Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo. ở phương diện văn hóa, họ đã tạo nên cả một triều đại lấy đức từ bi làm yếu tố căn bản cho chính trị. Còn trên phương diện văn học, họ lại là những người đóng góp vào lĩnh vực sáng tác nhiều nhất, những sáng tác này đều mang chủ đề Phật giáo. Các Thiền sư đều đã để lại cho đời sau những tác phẩm có giá trị nhiều mặt... Trong đó phải kể đến các tác phẩm như: "Khóa hư lục" của Trần Thái Tông; "Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục…" của Tuệ Trung Thượng Sĩ - đó là những tác phẩm rất có giá trị về mặt triết lý.

Đặc biệt, các nhà sư còn là thầy dạy văn hóa một thời. Các Thiền sư đã mở trường dạy học cho cả tăng sĩ và tu sĩ. Sư Vạn Hạnh đã đào tạo Lý Công Uẩn tại chùa Lục Tổ. Trí Thiền sư trên núi cao đã đào tạo Tô Hiến Thành và Ngô Hoài Nghĩa... Về mỹ thuật, thời Lý cũng mang đậm dấu tích của Phật giáo. Lý Thái Tổ lên ngôi năm 1010 đã cho xây 8 ngôi chùa ở quê nhà, 300 ngôi chùa khác trong nước cũng được dựng lên, các chùa hư nát thì đều được sửa lại; năm 1024, ông cho xây dựng thêm chùa Trấn Giáo. Năm 1036, vua Lý Thái Tông tổ chức việc đúc tượng Phật Đại Nguyện; năm 1049, xây dựng chùa Một Cột; Năm 1056, Lý Thánh Tông khởi công xây dựng chùa Sùng Khánh Báo Thiên và phát 12.000 cân đồng để đúc chuông; năm 1058 Lý Nhân Tông dựng chùa Lam Sơn và xây Tháp đá tại huyện Quế Dương…

Thời vua Trần Nhân Tông là thời kỳ hưng thịnh của Phật giáo. Phật giáo Trúc Lâm là một nền Phật giáo độc lập, uy tín và tinh thần của nó là uy tín và tinh thần của quốc gia Đại Việt. Tuy nó tiếp nhận ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa nhưng có nét độc đáo riêng của mình, là một giáo hội Việt Nam phục vụ cho người dân Việt Nam, duy trì cũng như bồi đắp cá tính con người Việt Nam. Đặc điểm nổi bật của Phật giáo Trúc Lâm là vấn đề nhập thế. Đạo Phật phục vụ đời sống tâm linh giải thoát và đời sống xã hội, triết lý về đời sống nhập thế của các Thiền sư là không thoát lý khỏi tư tưởng dân tộc. Tuy là một tín đồ Phật giáo, nhưng Trần Thái Tông không quên trách nhiệm của mình. Ông đã viện dẫn lời của Quốc sư để nói lên điều đó: "Phàm đã làm vua trong thiên hạ phải lấy ý

muốn của thiên hạ là ý muốn của mình, phải lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình" [34, tr. 212].

Nhiều vị cao tăng thời Lý - Trần đã tham gia chính sự và các hoạt động xã hội, rất nhiều vị vua, quan, tướng lĩnh là các tín đồ Phật giáo hết lòng nâng đỡ Phật giáo. Với tư tưởng triết lý nhập thế, Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo thời Trần, đã có nhiều đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc và ảnh hưởng sâu đậm đến văn hóa dân tộc.

Văn hóa đời Trần đã có những đóng góp hết sức lớn lao của đạo Phật, mang đậm màu sắc của triết lý Phật giáo với ưu điểm nổi bật là tinh thần khoan dung, con người được giải thoát có cuộc sống thoải mái, tự do không phải tuân thủ nghiêm ngặt những giới luật của nhà chùa:

"Cư trần lạc đạo hãy tùy duyên.

Hễ đói thì ăn mệt ngủ liền,

Châu báu đầy nhà đừng chạy kiếm,

Vô tâm đối cảnh hỏi chi thiền?" [19, tr. 349].

Triều đình đã nhiều lần tổ chức các khoa thi để chọn người hiền tài. Người tài xuất hiện nhiều được triều đình đãi ngộ. Phong trào học tập các kinh điển của cả Nho, Phật và Lão phát triển sâu rộng. Đặc biệt chữ Nôm xuất hiện đã góp phần tô đậm thêm bản sắc văn hóa Việt Nam. Văn hóa đời Trần là nền văn hóa độc lập mà cốt tủy là tư tưởng triết học Phật giáo trong đó có triết lý về nhân sinh.

Đến đời Lê, Phật giáo không còn đóng vai trò là quốc giáo. Hoạt động chủ yếu của các tín đồ Phật giáo chủ yếu là việc tu hành nhằm thoát khỏi cuộc sống trần thế và Phật giáo chuyển dần vào dân gian, gắn bó với làng xóm cộng đồng. Nho giáo bước lên chiếm lĩnh vũ đài chính trị, trở thành hệ tư tưởng chủ đạo trong đời sống tinh thần người Việt Nam.

Sau thế kỷ XV, chế độ phong kiến Việt Nam bước vào thời kỳ suy tàn. Nhiều giá trị Nho giáo bị đảo lộn, do đó các tập đoàn phong kiến muốn dựa vào Phật giáo để ru ngủ quần chúng nhân dân đồng thời giảm bớt sự phẫn nộ của họ... Nhờ vậy Phật giáo dần được khôi phục trở lại. Tuy là tư tưởng Phật giáo có nhiều tính chất thần bí, song những triết lý nhân sinh của Phật giáo vẫn là chỗ dựa tinh thần của nhiều người dân Việt Nam. Triều đình nhà Nguyễn góp phần quan trọng trong sự phát triển lâu dài của Phật giáo Việt Nam, duy trì nền văn hóa mang màu sắc Phật giáo của dân tộc. Tư tưởng nhân sinh Phật giáo là gốc, yếu tố căn bản của văn hóa Việt Nam, nó đã có công lao đáng kể trong việc tạo dựng một nền văn hóa phong phú đậm đà bản sắc dân tộc, định hình, hướng dẫn sự hình thành nếp sống, lối tư duy của người dân Việt Nam.

Tóm lại, từ khi du nhập vào Việt Nam, theo suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, Phật giáo luôn có mặt và gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của người dân Việt Nam biểu hiện trên một số lĩnh vực như: đạo đức, lối sống, văn hóa..., trong đó ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đạo đức có phần nổi trội hơn. Phật giáo đã được người Việt tiếp nhận một cách dễ dàng tự nhiên, vì có nhiều điểm tương đồng. Phật giáo từ cái ngoại lai trở thành cái bản địa, từ xa lạ trở thành thân thuộc với mọi người. Có thể nói, chính truyền thống sẵn có của dân tộc đã dễ dàng hòa quyện với giáo lý nhà Phật, tạo nên một chủ nghĩa tích cực mang màu sắc Việt Nam, một nhân tố bền vững trong nhân sinh quan Việt Nam.

Chương 2

Sự biến đổi của những ảnh hưởng nhân sinh quan phật giáo ở Việt Nam hiện nay- xu hướng và giải pháp

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Sự biến đổi ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo trong quá trình đổi mới ở Việt Nam hiện nay doc (Trang 43 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)