Trong bài nghiên cứu này, chúng tôi đã tìm hiểu các nghiên cứu thực nghiệm về thị trường hiệu quả trên thế giới thời gian qua. Theo đó, chúng tôi đã kiểm tra các hình thức EMH dạng yếu cho thị trường chứng khoán Việt Nam dựa trên bài nghiên cứu thực nghiệm về tính hiệu quả của thị trường chứng khoáng ở Mông Cổ. Đầu tiên, chúng tôi sử dụng kiểm định Jarque-Bera kiểm tra đặc điểm tỷ suất sinh lợi hàng năm của VN INDEX và cho ra kết quả là không có sự phân phối chuẩn trong tỷ suất sinh lợi hàng năm. Đồng thời qua tính toán thống kê số liệu cũng cho thấy rằng biên độ dao động của tỷ suất sinh lợi là rất lớn (-108%; 89,51%). Tiếp theo,chúng tôi kiểm tra cho sự hiện diện của tương quan tự động về giá cả bằng cách sử dụng thử nghiệm Ljung- Box Q và thử nghiệm Runs. Cả hai thử nghiệm đều cho kết quả cho thấy có hiện tượng tự tương quan trong dữ liệu tỷ suất sinh lợi hàng ngày. Kết quả này cho thấy sự thay đổi giá có thể liên quan đến các thông tin trong quá khứ. Nếu giá quá khứ có thể được sử dụng để dự đoán giá tương lai, thì các giả thuyết thị trường hiệu quả dạng yếu bị vi
phạm. Kết quả tự tương quan trong hai bài thử nghiệm cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam là không hiệu quả dạng yếu. Bên cạnh đó việc kiểm định giả thuyết bước ngẫu nhiên bằng kiểm định Augmented Dickey-Fuller và Chow-Denning Multiple Variance Ratiocho cùng kết quả là dữ liệu giá hàng ngày không theo bước ngẫu nhiên. Kết quả này càng chứng minh mạnh mẽ thị trường chứng khoán Việt Nam là không hiệu quả.
Từ kết quả kiểm định trên chúng tôi đã xem xét hai nguyên nhân dẫn đến sự không hiệu quả của thị trường chứng khoán Việt Nam về giới hạn kinh doanh chênh lệch giá và tâm lý hành vi của con người. Tuy nhiên bài nghiên cứu của chúng tôi chưa nghiên cứu nguyên nhân thực tế cụ thể làm cho thị trường chứng khoán Việt Nam chưa hiệu quả. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ nghiên cứu sâu hơn thị trường chứng khoán Việt Nam để tìm ra nguyên nhân từ đó nghiên cứu những giải pháp cụ thể nhằm giúp cho thị trường chứng khoán Việt Nam hiệu quả hơn.