7. Cấu trúc của khóa luận
2.5.2. Quan hệ không đối lập
Quan hệ không đối lập là mối quan hệ không loại trừ nhau, không thủ tiêu nhau mà còn bổ sung cho nhau và cùng có giá trị ngang nhau.
Ví dụ: (7) Bụng trâu làm sao, bụng bò làm vậy; Mắt cá da lươn; Chửi mèo, quèo chó…
Qua thống kê, chúng tôi có được các cặp có mối quan hệ không đối lập giữa các thành tố chỉ loài chó và mèo với các thành tố động vật khác và giữa các thành tố chỉ loài chó và mèo với nhau như: lợn – chó, mèo – cáo, mèo – chó.
Những loài vật này có quan hệ bổ sung, thường gần nhau về đặc điểm, tính chất nào đó. Chúng được thể hiện cụ thể như sau:
Chó và mèo là hai loài vật vừa có mối quan hệ đối lập, lại vừa có mối quan hệ không đối lập. Tuy không cùng một loài, nhưng chúng có rất nhiều thuộc tính giống nhau: cùng là những con vật nuôi có ích, gần gũi, gắn bó với con người, cùng có tính thích gây gổ với nhau, cùng giỏi ăn vụng, thích lang thang… Dựa vào những đặc điểm, tính chất này mà một số thành ngữ đã được hình thành như: Chửi chó mắng mèo; Chửi mèo quèo chó; Đá mèo quèo chó; Chửi mèo chửi chó… thể hiện thái độ bực dọc, tức tối người khác thông qua những lời nói, hành động chọc tức, cạnh khóe. Hay các cặp thành ngữ như: Mèo đàng chó điếm; Mèo hoang lại gặp chó hoang… cho thấy chó với mèo là một cặp hết sức tương xứng, chúng luôn xuất hiện cùng nhau, cùng tượng trưng cho những người sống không đàng hoàng, không nơi chốn ổn định.
Nhắc đến sự tinh ranh, quỷ quyệt thì không thể không nhắc đến hai loài mèo
và cáo. Đây là hai loài tiêu biểu cho sự nhanh nhẹn, mưu mô, quỷ quyệt mà các loài khác khó có thể lường trước hành động của hai loài này. Tuy nhiên, so với cáo thì mèo vẫn còn thua kém (Mèo già hóa cáo). Loài mèo khi còn nhỏ được con người nuôi dưỡng, khi già không còn khả năng bắt chuột thường đi hoang vồ gà, vồ vịt, đặc điểm này giống so với loài cáo nên dân gian thường có câu
Mèo già hóa cáo. Chính vì vậy, khi so sánh độ tinh ranh giữa hai loài vật này thì mèo thua cáo cũng là chuyện rất bình thường.
Còn mối quan hệ giữa loài lợn và chó là mối quan hệ qua lại. Theo sự quan sát thì nếu như con vật này không gây chuyện trước thì chắc sẽ không có sự phản ứng của con còn lại (Lợn không cào, chó nào sủa). Khi con vật này chê con vật khác ở sự bẩn thỉu thì cũng chính là sự tự chê mình (Lợn chê chó có bọ). Hai con vật này còn được con người liên tưởng đến điều xấu, điều rủi ro mà họ muốn tránh xa nhưng lại không được (Tránh con lợn cỏ, gặp con gấu chó). Nhìn chung, hai loài vật này có môi trường sống gần gũi với nhau và có mối quan hệ qua lại, tác động đến nhau.
Nói tóm lại, trong mối quan hệ không đối lập này, các con vật đi với nhau tạo thành từng cặp song hành để cùng biểu trưng cho một ý nghĩa nhất định. Con người đã mượn hình ảnh của chúng để biểu trưng cho chính xã hội loài người với những tầng lớp, giai cấp khác nhau mà ở đó chứa đựng đầy những thứ xấu xa, độc ác, tinh ranh, quỷ quyệt…