4.1 NỘI DUNG 1:
XÂY DỰNG DỮ LIỆU CÁ CẢNH
4.1.1 DANH MỤC 120 LOÀI CÁ CẢNH
So với danh mục 167 loài cá cảnh nhập khẩu thông thường của Bộ Thủy Sản (2006), danh mục này có thêm 42 loài và nhóm loài mới. Một số loài tự nhiên bản địa nằm trong danh mục của Bộ Thủy sản nhưng không tìm thấy (hoặc ít phổ biến) trên thị trường nên không được đề cập nhằm đảm bảo tính thực tế của số liệu khảo sát. Các loài cá cảnh được sắp xếp thứ tự vào các bộ và họ theo hệ thống tiến hóa tự nhiên của Nelson (1994), và được phân thành ba nhóm: cá cảnh sản xuất trong nước (SX), cá cảnh ngoại nhập (NN) và cá cảnh tự nhiên bản địa (TN).
Nhóm cá cảnh sản xuất trong nước bao gồm các loài hiện đã chủ động sản xuất giống ở Việt Nam và hoạt động sản xuất trong nước chiếm trên 50% nguồn cung thị trường.
Nhóm cá cảnh ngoại nhập bao gồm các loài có phân bố ở nước ngoài (không hiện diện trong tự nhiên ở Việt Nam) và hiện chưa chủ động sản xuất giống trong nước.
Nhóm cá cảnh tự nhiên bản địa bao gồm các loài có phân bố trong các thủy vực tự nhiên ở Việt Nam và hiện chưa chủ động sản xuất giống trong nước.
Một số đặc điểm nhóm cá cảnh sản xuất trong nước:
- Nhóm cá cảnh này có mức độ phổ biến cao, được thị trường ưa chuộng nhiều nhưng có giá thành hợp lý do đã chủ động sản xuất trong nước.
- Nguồn cung cấp chính của nhóm cá này do sản xuất trong nước và số ít từ nhập khẩu hay khai thác tự nhiên. Lý do nhập khẩu nhằm trao đổi các kiểu hình mới lạ hoặc để tái xuất khẩu. Trong khi đó hoạt động khai thác vẫn tiếp diễn trên một số loài cá có trữ lượng còn nhiều ở ngoài tự nhiên.
- Cá cảnh sản xuất trong nước bao gồm hai nhóm lớn: cá cảnh sản xuất truyền thống và cá cảnh sản xuất mới. Nhóm cá cảnh sản xuất truyền thống gồm các loài cá cảnh ngoại nhập phổ biến với hơn 30 năm kinh nghiệm sản xuất như cá vàng, chép, xiêm, bảy màu, đuôi kiếm, ông tiên, phượng hoàng… Nhóm cá cảnh sản xuất mới không chỉ gồm các loài ngoại nhập mà còn có cá tự nhiên bản địa như nàng hai, sặc cẩm thạch…
Một số đặc điểm nhóm cá cảnh ngoại nhập:
- Nhóm cá này đa phần mới được nhập trong vòng 10-20 năm trở lại, mức độ phổ biến trung bình và giá từ trung bình đến rất cao.
- Nguồn cung cấp chính của nhóm cá này do nhập khẩu và số ít từ sản xuất thử nghiệm.
- Số lượng loài cá ngoại nhập vào Việt Nam có xu hướng tăng dần theo thời gian, trong khi việc thống kê thành phần loài cá hiện chưa đầy đủ do các nguồn nhập không chính thức và không khai báo hải quan.
- Tên thương mại Việt Nam của nhóm cá nhập còn mang tính ngẫu hứng, tuy nhiên sự chấp nhận và tính phổ biến trên thị trường là nhân tố chính để ghi nhận tên loài cá. Một số tên gọi khác có thể có cơ sở nguồn gốc tốt hơn, nhưng do ít hoặc không phổ biến trên thị trường cá cảnh nên chỉ được xếp vào tên gọi khác ở thời điểm hiện tại.
Một số đặc điểm nhóm cá cảnh tự nhiên bản địa:
- Nhiều loài cá tự nhiên bản địa tuy ít phổ biến trên thị trường cá cảnh nội địa nhưng có lượng xuất khẩu lớn và ổn định, góp phần xây dựng nên thương hiệu đặc thù cá cảnh Việt Nam.
- Lý do ít phổ biến do khâu tiếp thị chưa tốt (hiện nhiều loài chưa có tên thương mại cá cảnh) và tâm lý xem nhẹ cá tự nhiên địa phương. Tuy nhiên, dự báo nhóm cá này sẽ trở nên phổ biến hơn trong tương lai gần.
- Nguồn gốc nhóm cá này chủ yếu từ khai thác tự nhiên và số ít nhập khẩu từ Thái Lan, Campuchia. Lý do nhập khẩu vì mức độ khan hiếm của một số loài (như hỏa tiễn, hắc bạc, mây…) ở môi trường tự nhiên trong nước.
DANH MỤC 120 LOÀI VÀ NHÓM LOÀI CÁ CẢNH
BỘ 1: RAJIFORMES
HỌ 1: POTAMOTRYGONIDAE