Thiệt hại về tài chính:

Một phần của tài liệu Một số vấn đề cơ bản về giải quyết và phòng ngừa tranh chấp thương mại ở việt nam (Trang 34 - 36)

Khi có tranh chấp thương mại phát sinh, các bên tranh chấp phải gánh chịu rất nhiều thiệt hại về tài chính:

Thiệt hại do không thu hồi được, thu hồi chậm khoản tiền tranh chấp: khi xảy ra tranh chấp thì việc tự nguyện thực hiện các nghĩa vụ với nhau là hết sức khó khăn. Có thể vì nguyên nhân chủ quan - một trong các bên cố tình vi phạm, cũng có thể do nguyên nhân khách quan - một trong các bên bị gặp phải những rủi ro khác trong kinh doanh nên không còn khả năng thực hiện nghĩa vụ. Dù là nguyên nhân chủ quan hay khách quan thì các bên cũng khó có thể thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình. Do vậy, bên bị vi phạm có nguy cơ phải gánh chịu thiệt hại về tài chính đó là hoặc bị mất toàn bộ số tiền đáng lẽ được hưởng, hoặc chưa biết tới thời gian nào mới thu hồi được khoản tiền này.

Trường hợp một bên vi phạm do cố ý thì việc đàm phán thương lượng để giải quyết tranh chấp chắc chắn là không thành công. Do đó, bên bị vi phạm buộc phải khởi kiện ra cơ quan tài phán (Trọng tài thương mại hoặc Tòa án tùy theo sự thỏa thuận trong hợp đồng thương mại). Nếu các bên lựa chọn con đường giải quyết tranh chấp bằng tòa án thì với quy định của pháp luật tố tụng hiện hành, thời gian giải quyết vụ kiện kéo dài khoảng từ 8 tháng tới một năm (thậm chí còn có thể kéo dài hơn) kể từ khi nộp đơn khởi kiện tới khi bản án có hiệu lực pháp luật. Có trường hợp, với hai cấp xét xử, thời gian giải quyết vụ kiện kéo dài tới vài năm do vụ việc bị đình chỉ, bị hoãn xử hoặc phải xử đi xử lại nhiều lần. Có trường hợp bản án đã có hiệu lực pháp luật, chuẩn bị đến giai đoạn thi hành án thì bị hủy theo trình tự giám đốc thẩm. Trường hợp này xảy ra thì vụ kiện có thể sẽ phải giải quyết theo hướng xét xử sơ thẩm lại từ đầu và khi đó thì thời gian giải quyết vụ kiện có thể tới bốn năm năm hoặc hơn nữa. Xong giai đoạn giải quyết tranh chấp tại tòa án, bên bị vi phạm đã được tòa án tuyên cho thắng kiện hoặc thắng kiện một phần phải tiếp tục cuộc hành trình đòi nợ tại cơ quan thi hành án dân sự. Tới đây, nhiều doanh nghiệp phải ngậm ngùi cầm bản án mà không thu hồi được tiền bởi vì pháp luật về thi hành án có nhiều khe hở để cho bên phải thi hành án và công chức thi hành án lợi dụng để trì hoãn nghĩa vụ trả nợ hoặc thậm chí là xù nợ. Khi thi hành án được (đòi được nợ) thì bên bị vi phạm còn phải chịu một khoản phí thi hành án là 5% trên tổng số tiền thu hồi được. Trường hợp phải đấu giá phát mại tài sản của người phải thi hành án thì bên được thi hành án còn phải chi phí thêm một khoản phí đấu giá 5%. Với một quá trình giải quyết vụ kiện tranh chấp thương mại kéo dài như vậy thì các bên tham gia tranh chấp phải gánh chịu rất nhiều những chi phí như án phí, phí thai hành án, phí đấu giá, chi phí đi lại, công tác phí, thời gian tham gia giải quyết vụ kiện, đồng tiền bị trượt giá do lạm phát…

Trường hợp một bên vi phạm do gặp phải những rủi ro trong kinh doanh thì các bên có thể thương lượng được với nhau về giải quyết tranh chấp. Nhưng dù có thương lượng được thì bên bị vi phạm cũng phải chấp nhận thiệt hại ví dụ như phải chia xẻ rủi ro với bên kia để lấy về một khoản tiền nào đó hoặc cho bên kia được thanh toán chậm một thời gian và trong thời gian đó thì không tính lãi… còn trường hợp không thương lượng được thì các bên lại đưa nhau ra tòa để rồi cầm về một bản án vì bên thi hành án không có khả năng thi hành án.

Nhiều doanh nghiệp khi thực hiện một hợp đồng thương mại đã phải huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau, tới khi việc thực hiện hợp đồng bị đổ bể, tiền không thu về được trong khi đó thì các khoản nợ gốc, nợ lãi vẫn đến hạn phải trả dẫn tới lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính thậm chí phải phá sản doanh nghiệp.

Như vậy, khi có tranh chấp thương mại xảy ra thì các bên tham gia tranh chấp phải đối mặt với nguy cơ thiệt hại về tài chính rất lớn.

Một phần của tài liệu Một số vấn đề cơ bản về giải quyết và phòng ngừa tranh chấp thương mại ở việt nam (Trang 34 - 36)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(49 trang)
w