Thời xa vắng - bộ phim đã chắp cánh cho văn học thăng hoa

Một phần của tài liệu NHÀ VĂN LÊ LỰU (Trang 34 - 37)

nhà văn Lê Lựu đã gây tiếng vang lớn trong xã hội, không chỉ bởi tính nhân đạo sâu sắc mà còn ở tính thời sự nhạy bén của tác phẩm và đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Tác phẩm đã nêu rõ mặt trái của những tư tưởng phong kiến bảo thủ và việc cần thiết phải thay đổi tư duy trong quá trình xây dựng kiến thiết đất nước sau chiến tranh. Tiểu thuyết Thời xa vắng đã được nhận Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1986.

Ngay sau đó năm 1987, đạo diễn Việt kiều Hồ Quang Minh đã mua tác quyền tiểu thuyết Thời xa vắng để chuyển thể thành phim, theo ông đây là một tác phẩm văn học hay nhất về thân phận con người trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Đạo diễn Hồ Quang Minh đã tự chuyển thể kịch bản và vì nhiều lí do, bộ phim mãi đến năm 2003 mới ra đời, sau 16 năm thai nghén. Bộ phim được Hội điện ảnh Việt Nam trao giải Cánh diều bạc năm 2005.

Bối cảnh và không khí của phim

Trong “Thời xa vắng” ở văn học cũng như điện ảnh, nhân vật là con người, mà con người thì phải có môi trường hòan cảnh để sinh họat, thể hịên hành động tính cách của mình. Con người sống giữa con người, nhưng cũng sống giữa thiên nhiên cây cỏ, núi non, biển cả, sông ngòi. Cảnh sắc tự nhiên của bối cảnh, sự vật trong tác phẩm văn học cũng như trong điện ảnh là phông nền hiện thực - nơi mà con người được sinh ra trong đó và có mối quan hệ hết sức chặt chẽ với hiện thực. Miêu tả bối cảnh thiên nhiên không chỉ thể hiện tâm trạng của con người mà còn đem lại sự thụ hưởng mỹ cảm dạt dào tươi mát của mặt đất và bầu trời, nơi nhân vật nghĩ suy, đi lại, họat động. Qua bối cảnh thiên nhiên, người đọc thấy được khung cảnh không gian (xứ sở, đất nước, địa phương …) và thời gian (thời đại, tháng, năm) mà nhân vật đã sống. Con người sống trong một hòan cảnh lịch sử xã hội, thiên nhiên cụ thể, chịu sự ảnh hưởng của hòan cảnh và tác động trở lại đến hòan cảnh. Sức mạnh của những miêu tả này,

khi được nhà văn triển khai đúng mức sẽ tạo ra những ấn tượng khó quên, không chỉ ở tính cách của tâm hồn nhân vật mà cả những cảnh sắc do thiên nhiên đem lại.

Những trang viết hết sức chân thực, sống động về một thời xa vắng đã đem lại cho người đọc những cảm nhận sâu sắc về lịch sử - xã hội của một thời đã qua. Qua đó, người đọc càng dễ dàng cảm thông và yêu thương những người dân lương thiện mà Giang Minh Sài là đại diện, nạn nhân của cuộc sống nghèo đói và nhận thức yếu kém do những hủ tục phong kiến, tâm lí làm thuê còn để lại khá sâu đậm. Phải có một tấm lòng nhân đạo, một sự thấu hiểu sâu sắc nỗi tủi nhục của những người buộc phải “làm thuê cuốc mướn” mới có được những trang viết đầy xúc động như vậy. Cũng nhờ những trang viết này mà đạo diễn Hồ Quang Minh đã rất thành công khi dựng lại cảnh đi làm thuê ở làng Hạ Vị bằng ngôn ngữ điện ảnh.

Trong tiểu thuyết Thời xa vắng, người đọc thật khó quên hình ảnh một làng Hạ Vị, người người lũ lượt kéo nhau đi làm thuê.” Đêm nào cũng đi. Đi tất cả làng…Cả hàng dăm bảy trăm người đi và chạy ba cây số, khi đến chân đê không ai bảo ai đều dấn lên ào ào như cơn lốc cuốn lên để tranh chiếm chỗ ngồi.”… Dù chuyện trò hứng thú say sưa đến đâu thì mắt ai cũng phải nhìn qua lớp sương mù xuyên tới con đường từ giữa chợ Bái đến đê. Những ông bà chủ thường xuất hiện từ đấy... Ai ới lên cần công việc gì lập tức từng đàn, từng đàn lốc nhốc chạy theo bâu quanh người ấy nhao nhao tranh giành nhau”... Rồi cảnh chạy lụt, cảnh tiếp khách ở nhà quê, cảnh trên nhà dưới bếp…. Đặc biệt đọan tả mẹ con Sài bưng bát cơm chưa kịp ăn đã phải bỏ chạy, vì chồng của bà chủ không muốn mướn trẻ con.”Cái phút ấy thằng Sài muốn ứa nước mắt vì bị khinh rẻ, nó hiểu thế nào là thân phận của kẻ đi làm thuê cốt chỉ để kiếm lấy một bữa cơm!”.

Từ ngòi bút sắc sảo của nhà văn Lê Lựu đến những hình ảnh chân thực trên màn ảnh đã cho thấy con người không thể thóat khỏi sự tác động của hòan cảnh, chính cái hòan cảnh, tập quán, thói quen thuộc di sản của xã hội cũ đã tạo nên một nhân vật Giang Minh Sài nhút nhát, yếm thế, không dám sống là chính mình. Tác phẩm như một dòng chảy tự nhiên về những cảnh đời, những nỗi niềm ẩn ức bủa vây lấy con người trong một làng xóm tưởng như đã “xa vắng” nhưng vẫn còn lẩn khuất đâu đó trong cuộc sống hiện tại. Tất cả đuợc nhà văn viết rất mộc mạc, rất đời nên đã cuốn hút người đọc từ trang đầu đến trang cuối của tác phẩm. Đúng như Lê Lựu tâm sự: ”…Tòan bộ những trang viết của tôi chỉ theo đuổi một nguyên tắc là Thật "

Say mê cảnh vật, con người của tiểu thuyết Thời xa vắng và mong muốn mang lại những cảm xúc thật nhất đến người xem, đạo diễn Hồ Quang Minh đã cố gắng biến những yếu tố “chân thực” trong văn học thành yếu tố “giống thật” trên màn ảnh. Ông đã bỏ rất nhiều công sức và tiền của để xây dựng cho được những cảnh chân thực trên màn ảnh. Để có cảnh con gái Sài đạp xe đi trên triền đê lộng gío tới bến đò đón cha về làm đám cưới cho mình, đạo diễn và quay phim chính Trần Hùng đã phải sục sạo gần

5000 cây số đường đê để tìm một khúc đê biển thật ấn tượng. Đặc biệt, việc dựng bối cảnh nhà ông Đồ khá công phu : đó là ngôi nhà cổ mà đạo diễn phải ra tận xứ Thanh chọn và cẩu về một khu vườn ở Hưng Yên đã được thuê, để dựng lại ngôi nhà. Sau đó, hoạ sĩ thiết kế cải tạo lại ao bèo, bể cạn, tường hoa, giếng nước, cái cối xay, cối giã và cả cách bày trí trong nhà… Tất cả đều được thiết kế hệt như một ngôi nhà ông Đồ đã xuống cấp cách đây dăm sáu chục năm.

Lí giải cho công việc tốn kém và vất vả này, đạo diễn Hồ Quang Minh cho biết: “Dù lớn lên ở nước ngòai, tôi vẫn là người gắn bó với văn hóa, cuộc sống ở Việt Nam, và rất tôn trọng những gì thuộc về lịch sử, dù là những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Đừng nghĩ rằng những cẩu thả về chi tiết không thể phá hỏng một bộ phim. Không khí của phim rất quan trọng, không chỉ là hơi thở cuộc sống nông thôn hay sự chân thực ở thời điểm lịch sử, mà là tổng thể của phim nói chung . Tôi muốn có một bối cảnh chân thực hết mức”

Mỗi cảnh, từ hình ảnh màu sắc đến âm thanh đều hòa quyện cùng suy nghĩ hành động của nhân vật đã tạo nên những cảm xúc rất thực. Chính vì thế, những bi kịch của mỗi nhân vật trên phim đã thấm vào lòng người xem một cách ngọt ngào và đầy thuyết phục. Hình ảnh trong phim Thời xa vắng được tạo hình khá hoàn hảo. Hầu như cảnh nào cũng được các tác gỉa sắp xếp rất khéo vào khuôn hình những biểu tượng của văn hóa Việt : từ cây đa cổ thụ đầu làng nơi bến sông, từ ngôi nhà ba gian có vườn cây, ao cá đến con đường mòn bên sườn đê sông Hồng. Giới chuyên môn đánh giá bối cảnh của phim rất đẹp, mang đậm nét Việt Nam nhưng lại có nét riêng, vượt qua nhiều cảnh quay làng quê đã quá quen thuộc trong trí nhớ của người xem. Tất cả những hình ảnh gắn bó yêu thương từ bao đời của mỗi người dân Việt Nam, nhưng cũng là nơi tạo nên bi kịch của số phận con người. Đặc biệt, cảnh đêm bên vó bè, Sài ngắm trăng nghe cá quẫy trong một không gian bao la, man mác, thể hiện nội tâm sâu sắc tinh tế đầy tính ẩn dụ. Bằng ống kính máy quay, các tác giả điện ảnh đã thành công khi truyển tải những thông điệp tưởng chừng rất khó diễn tả đến với người xem một cách trọn vẹn và thuyết phục. Trong phim chủ yếu sử dụng gam màu tối, màu nâu gụ từ chiếc aó, cánh cửa nhà đến ánh đèn dầu tù mù. Màu sắc, ánh sáng và tạo hình được xử lý rất khéo léo, làm tôn lên vẻ ảm đạm và tâm trạng bị đè nén của nhân vật.

Phim truyện là nghệ thuật sáng tạo tổng hợp nên cho phép người nghệ sĩ hư cấu, làm xảo thuật, tạo hình kết hợp với âm thanh lời thọai để tạo cảm xúc nơi người xem và qua đó truyền tải nội dung của tác phẩm. Khán giả là người thưởng thức, nếu bộ phim mang lại cho họ những cảm nhận thích thú, buồn vui, căm giận…và đồng cảm với cảm xúc của người sáng tác thì bộ phim được coi là thành công. Đạo diễn Việt Linh đã đúc kết: ”Trong điện ảnh, tạo nên một cảm xúc khó hơn một cảnh dàn dựng lớn”. Phim Thời xa vắng đã làm được điều này, bộ phim đã đạt giải quay phim xuất sắc nhất của Hội điện ảnh Việt Nam năm 2005

Nhân vật trong văn học và điện ảnh:

Một phần của tài liệu NHÀ VĂN LÊ LỰU (Trang 34 - 37)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(41 trang)
w